Tin Liên Quan

Công tác luân chuyển cán bộ ở Nghệ An và Hà Tĩnh

Phần lớn cán bộ luân chuyển về cơ sở phát huy được vai trò, trách nhiệm, giúp địa phương ổn định tình hình, đưa các hoạt động đi vào nền nếp, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Qua luân chuyển, các cán bộ được tu dưỡng, rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, giúp cho họ trưởng thành nhanh hơn, vững vàng hơn…

Giúp địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị

Năm 2004, đồng chí Ngô Văn Thành, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghĩa Ðàn (Nghệ An) được luân chuyển về xã đặc biệt khó khăn Nghĩa Mai làm Bí thư Ðảng ủy. Xã này là điểm nóng của tỉnh do chính quyền có một số sai phạm trong thực hiện chương trình dự án xây dựng hạ tầng, tuy đã được xử lý nhưng một số phần tử đã tổ chức gây rối, khiếu kiện kéo dài. Sau ba năm bám cơ sở chỉ đạo, đồng chí đã góp phần làm ổn định bộ máy chính quyền, tạo sự đoàn kết thống nhất trong đảng, lấy lại lòng tin trong nhân dân, phong trào mọi mặt có bước phát triển. Sau thời gian dài yếu kém, từ năm 2005 đến nay, Ðảng bộ xã Nghĩa Mai luôn được công nhận là Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh. Ba năm luân chuyển làm Bí thư Ðảng ủy xã được huyện đánh giá cao, nay trở về huyện, đồng chí Thành được đề bạt là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Ðồng chí Thành cho biết: Ðược phân công về xã, hằng ngày tiếp xúc với từng xóm bản, từng chi bộ, với đảng viên và nhân dân, nên tôi nắm bắt nhận định đúng tình hình, hiểu rõ cơ sở hơn. Thành công xử lý điểm nóng là tìm hiểu thông tin hai chiều từ người dân và phối hợp với hệ thống chính trị. Cùng đợt luân chuyển cán bộ huyện về cơ sở với đồng chí Ngô Văn Thành có hai đồng chí khác về làm Chủ tịch UBND hai xã Nghĩa Liên và Nghĩa Lộc, đều hoàn thành nhiệm vụ, đưa phong trào xã từ yếu kém trở thành xã khá về mọi mặt, nay họ tự tin  trong vị trí cao hơn trước.

Ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Viết Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch MTTQ huyện, được luân chuyển xuống làm Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND thị trấn Phố Châu. Bài học được đồng chí rút ra là: Về cơ sở do phải một lúc hai vai nên phải thuyết phục bằng hành động cụ thể như đi sớm về muộn, dành nhiều thời gian cho công việc; từ đó làm gương cho cán bộ cơ sở làm việc theo quy chế, khoa học hơn, bài bản hơn. Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Nguyễn Xuân Thọ cho biết, đây là lần thứ hai đồng chí Dũng được luân chuyển về cơ sở với mục đích thử thách, rèn luyện trong quy hoạch làm Phó Bí thư Huyện ủy. Ðể thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Sơn tập trung rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ đương nhiệm và cán bộ trong nguồn quy hoạch các chức danh, trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, cán bộ chủ chốt cơ sở có độ tuổi dưới 45, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, có chiều hướng phát triển đưa vào diện cán bộ luân chuyển. Thời gian qua, 45 đồng chí được luân chuyển, trong đó luân chuyển dọc nội bộ huyện 28 đồng chí; luân chuyển ngang giữa khối đảng, chính quyền, đoàn thể cấp huyện 17 đồng chí. Nhìn chung, qua công tác luân chuyển cán bộ ở Hương Sơn, hầu hết cán bộ luân chuyển đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực công tác, tiếp cận nhanh với công việc; tạo được uy tín và quan hệ tốt trong nội bộ đơn vị, địa phương và nhân dân nơi chuyển đến; đã rèn luyện được bản lĩnh chính trị cho cán bộ trong nguồn quy hoạch; nhiều cán bộ trưởng thành, có năng lực lãnh đạo toàn diện, được bố trí vào chức vụ cao hơn; tạo nguồn bổ sung nhân sự cấp ủy cho Ðại hội Ðảng và bầu cử HÐND các cấp.

Theo Tỉnh ủy Nghệ An, từ năm 2003 đến nay, tỉnh đã luân chuyển, điều động, tăng cường 729 lượt cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay có 21 đồng chí là cán bộ Bộ đội Biên phòng về xã giữ chức vụ Phó Bí thư Ðảng ủy, hai đồng chí về giữ chức vụ Bí thư chi bộ xóm, bản. Ðội ngũ này đã giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn; các chủ trương chính sách của Ðảng, Nhà nước được triển khai và thực hiện đầy đủ, công tác nắm bắt tư tưởng của nhân dân kịp thời, tình hình an ninh đường biên được giữ vững, đời sống nhân dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần, hủ tục được đẩy lùi… Công tác luân chuyển cán bộ, lãnh đạo, quản lý ở Nghệ An thời gian qua được triển khai tích cực, sớm đi vào cuộc sống.

Ở Hà Tĩnh, trong gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, đã có 700 đồng chí luân chuyển dọc, 581 đồng chí luân chuyển ngang. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Ðinh Xuân Việt cho biết: Công tác luân chuyển cán bộ ở Hà Tĩnh được thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, bảo đảm nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Công tác luân chuyển cán bộ từng bước thay đổi nhận thức và cách làm mới, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, tăng cường cán bộ được đào tạo, rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, góp phần sắp xếp cán bộ một cách hợp lý hơn, tăng cường cán bộ cho những nơi có yêu cầu cấp bách, khó khăn, bước đầu khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, khép kín, trì trệ… Tuy nhiên, muốn làm tốt việc này, thời gian tới khâu tổ chức phải cân nhắc kỹ trình độ, năng lực của cán bộ trước khi được luân chuyển về địa phương…

Một số hạn chế và bài học kinh nghiệm

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh còn bộc lộ một số hạn chế. Ðó là nhận thức của một số cấp ủy về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đầy đủ nên còn lẫn lộn giữa luân chuyển và điều động, tăng cường cán bộ. Do chưa xây dựng được kế hoạch, quy chế, quy định về thời gian luân chuyển nên chất lượng một số cán bộ luân chuyển chưa cao, nhất là cán bộ luân chuyển về cơ sở. Một số cán bộ luân chuyển chậm tiếp cận với thực tiễn địa phương, việc đóng góp công sức, trí tuệ cho địa phương còn hạn chế. Một số cán bộ luân chuyển về huyện không đúng đối tượng, năng lực hạn chế, chưa làm tốt tư tưởng cho cán bộ luân chuyển và sự đồng thuận giữa nơi đi và nơi đến. Nơi đến phải tiếp nhận một cách miễn cưỡng đã gây mất đoàn kết trong nội bộ. Cụ thể việc này đã xảy ra ở một số địa phương miền núi Nghệ An. Hoặc một số cán bộ luân chuyển về cơ sở vì không vượt qua được cám dỗ vật chất, đã thoái hóa biến chất, vi phạm pháp luật. Một số cán bộ luân chuyển còn có tư tưởng tạm thời, ngại khó khăn, vất vả, chưa thật sự tâm huyết… đã ảnh hưởng đến phong trào chung của địa phương, đơn vị; một số trường hợp có thời gian luân chuyển quá dài. Mặt khác, chính sách đãi ngộ kèm theo chưa nhất quán, chưa hợp lý giữa các vùng, nhất là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ở Hà Tĩnh, cán bộ luân chuyển ngoài hưởng nguyên lương, cộng thêm lương chức danh ở cơ sở còn được hỗ trợ thêm 300 nghìn đồng/tháng, riêng Nghệ An lại hỗ trợ từ ba triệu đồng đến năm triệu đồng.

Luân chuyển cán bộ là chủ trương đúng, muốn đạt hiệu quả cao, thời gian tới cần phải xác định đúng mục đích, yêu cầu của luân chuyển. Bên cạnh đó, không nên phân biệt cán bộ luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng với cán bộ điều động, tăng cường vì trong thực tế khó thực hiện thời hạn luân chuyển, làm nảy sinh tư tưởng cán bộ không dám làm mạnh vì sợ không được trở về. Trung ương cần nghiên cứu để có chủ trương  thực hiện đồng bộ giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng với luân chuyển điều động, tăng cường; đồng thời, có hướng dẫn cụ thể hoặc quy định khung về các điều kiện hỗ trợ kinh phí ban đầu cho đơn vị và cán bộ luân chuyển, tiền lương, phụ cấp, biên chế, thời gian luân chuyển, cơ chế đãi ngộ, bố trí sau luân chuyển để cán bộ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Bài và ảnh:

MINH THƯ, THÀNH CHÂU

Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP