Di tích - Thắng cảnh

Chuyện về 70 liệt sỹ chung một ngày giỗ: Đau đáu nỗi niềm “Cầu Nhe” (Can Lộc)

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời hào khí anh hùng vẫn khắc sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Năm nào cũng vậy, người Hải Phòng và cả nước đổ về miền Trung, cái tình “đền ơn đáp nghĩa – uống nước nhớ nguồn”…

Trong một chuyến đi như thế năm 2012, dường như là kỳ ngộ, một đoàn của Sở Giao thông vận tải Hải Phòng (GTVT) tình cờ nghe nhắc đến cầu Nhe…


Kỳ 1. Cầu Nhe – ghi dấu anh hùng


Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại gắn liền với những khúc ca bi tráng của dân tộc, đã ghi dấu vào lịch sử. Tính đến ngày đất nước thống nhất 30-4-1975, con đường này có chẵn 6.000 ngày đêm không nghỉ, đưa hàng triệu lượt quân dân miền Bắc tiến về phương Nam, với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”…Theo tài liệu lịch sử, trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 đến năm 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, đánh 152.000 trận, ném xuống Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh, hơn ba vạn người bị thương… Tất cả những điều đó không ngăn được những bước chân trần, “cho gậy mòn dốc núi vẫn luôn giữ tấm lòng son, sức trẻ đi cứu nước vững vàng hơn dãy Trường Sơn” như lời bài hát Chiếc gậy Trường Sơn của nhạc sỹ Phạm Tuyên.Nằm trên tỉnh lộ 12 thuộc xã Vĩnh Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), cầu Nhe lọt thỏm giữa cánh đồng mênh mông. Buổi trưa ngày 15-4-1968, tiểu đoàn 351 Trung đoàn 5 Yên Tử vừa đến cầu Nhe, bầu trời Vĩnh Lộc bỗng vỡ toang bởi những tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, một trận mưa bom trút xuống giữa đội hình…

Phần còn lại của cầu Nhe vẫn được người dân Vĩnh Lộc giữ nguyên vẹn suốt 45 năm quaSau đó, những gì tìm được cũng chỉ là 17 phần thi thể, còn lại đã bị vùi lấp, một phần lớn thịt xương trộn lẫn vào đất, máu hòa đỏ cánh đồng Nhe. Trong khoảnh khắc 70 người ngã xuống, riêng số hy sinh của tiểu đoàn 351 đã là 53 chiến sỹ, số còn lại là bộ đội và dân quân địa phương đang làm nhiệm vụ hướng đường. 70 người có chung ngày giỗ, cầu Nhe trở thành nấm mồ chung, đa số họ là con em đất Cảng, người dân Vĩnh Lộc dựng ở nơi ấy một nhà bia, quen gọi là “Đền cầu Nhe” hay “Đền liệt sỹ Hải Phòng”.Bà con Vĩnh Lộc luôn nhớ, nâng niu chăm sóc nơi yên nghỉ của các liệt sỹ như thể con em quê hương mình, đoạn sót lại của cây cầu Nhe được gìn giữ vẹn nguyên suốt 45 năm qua. Nhưng bao nhiêu đoàn người tri ân nườm nượp đổ về miền Trung không biết đến, ngay cả các đoàn của Hải Phòng cũng vậy, dù địa danh này chỉ cách Ngã ba Đồng Lộc khoảng trên dưới 10 cây số. Ông Đinh Viết Hùng – Phó chủ tịch Hội CCB GTVT nhớ lại: “Hôm đó đoàn chúng tôi ai cũng bất ngờ khi vào tới cầu Nhe, khu tưởng niệm đã quá xuống cấp, tôi phải vừa nâng vừa đẩy mới mở được cổng vào…”. Lúc ấy ông Hùng sững sờ nhìn ra đồng Nhe, nơi những vạt hoa súng chói lòa, ông chợt liên tưởng đến hình ảnh máu đồng đội đổ xuống 45 năm trước.Trở về từ chuyến đi ấy, ông Hùng trăn trở mãi, cuối cùng ông quyết định báo cáo Hội cựu chiến binh và lãnh đạo sở, đề xuất vận động quyên góp trong toàn ngành, tu sửa bia tưởng niệm cầu Nhe, đồng thời liên hệ với chính quyền huyện Can Lộc xin được tạo điều kiện thực hiện. Tổng số tiền mặt quyên góp được gần 500 triệu đồng, ngoài ra, nhiều nhà hảo tâm khác nghe tin cũng ủng hộ vật chất trị giá hàng trăm triệu đồng.Đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày 70 người lính hy sinh tại cầu Nhe (15-4-1968 * 15-4-2013), công trình tu sửa nhà tưởng niệm cầu Nhe được khánh thành. Ông Hùng xúc động: “Lãnh đạo và nhân dân Can Lộc cùng các đoàn Hải Phòng dự hôm đó hàng nghìn người, cái tình cái nghĩa là thế, mới biết đã là tri ân không bao giờ muộn…”. Âu cũng là cái duyên kỳ ngộ, để sau 45 năm anh linh 70 liệt sỹ Cầu Nhe được khuây khỏa phần nào.Trong chuyến đi miền Trung gần đây tôi đã đến cầu Nhe, chứng kiến những tình cảm chân thật của bà con Vĩnh Lộc dành cho liệt sỹ Hải Phòng, có gì đó nghèn nghẹn cứ dâng trong lòng. Ngần ấy năm, vẫn biết chiến tranh có nhiều mất mát, nhưng nơi 10 cô gái TNXP hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, nơi 13 TNXP đoàn 317 Nghệ An ngã xuống ở Truông Bồn… đều đã trở thành di tích lịch sử nổi tiếng cấp quốc gia; còn đây cầu Nhe, nơi 70 liệt sỹ cùng chung ngày giỗ, mà trong số đó cũng chỉ có 44 phần thể xác được quy tập, còn lại vẫn ngập sâu trong lòng đất, chưa trở thành di tích lịch sử?”


Ông Bùi Đức Nhu, CCB tiểu đoàn 351 với bản danh sách liệt sỹ cầu Nhe

Kỳ 2. Để không còn day dứt

Tôi đem nỗi trăn trở của mình tìm gặp ông Bùi Đức Nhu – CCB tiểu đoàn 351 hiện đang sống tại nhà riêng ở 43/18/83 đường Phú Xá (Đông Hải 1, Hải An). Ông Nhu kể: “Ngày 11-3-1968, Trung đoàn 5 với mật danh 1019 nhận lệnh hành quân. Ngày 15-4-1968, khi đơn vị vừa đến cầu Nhe thì máy bay địch ập tới, một nửa đội hình C1 và C2 nằm giữa vòng hỏa lực…”. Do yêu cầu chiến đấu, đơn vị ông Nhu tiếp tục lên đường nên lúc đó cũng không rõ hết hậu quả của trận bom bạo nghiệt ấy…
Trải qua bao trận sinh tử ở các chiến trường B, ông Nhu không thể nào quên được sự kiện cầu Nhe. Hình ảnh những người đồng đội, đồng hương bị bom giặc xé nát, từng mảnh thân thể bay khắp không trung cứ đeo đẳng theo ông. Rời quân ngũ, các ông Nhu, Buồm, Hưng và nhiều CCB 351 khác, vận động thành lập Chi hội chữ thập đỏ CCB 351. Và rồi từ đó, hội viên CCB 351 không quản tuổi tác, vượt suối băng ngàn về các chiến trường xưa tìm hài cốt của những người đã khuất. Tháng 8-2003, được sự hỗ trợ của chính quyền huyện Can Lộc, CCB 351 tham gia cùng hơn 500 bộ đội, dân quân khai quật gần hai héc-ta đất đồng Nhe, nhưng mọi sự cố gắng cũng chỉ tìm được thêm 27 phần hài cốt.Kể đến đây, ông Nhu rơm rớm nước mắt: “Là 27 phần chứ không phải 27 bộ hài cốt, vì nhiều người đâu có còn nguyên…”. Trên đài bia cầu Nhe, hầu hết các liệt sỹ đều nhập ngũ tháng 12-1967. Khi hy sinh, nhiều người chưa bước qua tuổi hai mươi. Như các liệt sỹ Nguyễn Văn Minh ở 196 Lạch Tray (Ngô Quyền), Nguyễn Đình Nam ở Thủy Sơn (Thủy Nguyên), Nguyễn Văn Đẻo ở Nam Hải (Hải An)… mới 19 tuổi; liệt sỹ Vũ Văn Ngôn ở Hưng Đạo (Dương Kinh) mới 18 tuổi. Dòng cuối của tấm bia chú thích: “18 liệt sỹ chưa rõ danh tính”, nghĩa là cho đến nay cũng chưa thể biết được chính xác Hải Phòng có bao nhiêu người con nằm xuống ở cầu Nhe, ngoài số người đã được xác định. Nhớ lại hôm trở về từ Can Lộc, ấn tượng về 70 liệt sỹ hy sinh cùng một giờ cứ ám ảnh tôi mãi. Vậy là trong chuyến đi công tác ở huyện Kiến Thụy sau đó, tôi tìm về xã Kiến Quốc, nơi hai liệt sỹ Nguyễn Sỹ Ất và Đỗ Văn Trẩu có tên trên đài bia cầu Nhe. Nhưng tìm hiểu tại Kiến Quốc, tôi mới biết tên thật của của một người là Nguyễn Sỹ Ật, người còn lại là Đỗ Văn Thẩu…, sự nhầm lẫn như thế ngay thời buổi này vẫn đầy rẫy, huống hồ trong chiến tranh. Bà Mím vợ ông Thẩu, từ khi chồng hy sinh, vẫn ở vậy nuôi 3 người con khôn lớn. Bà có một cuộc đời thật gian truân, đem được hài cốt chồng từ cầu Nhe về quê hương cách đây mấy năm thì người con trai mất trong một vụ tai nạn. Cách đây vài tháng, người con gái út cũng qua đời vì bạo bệnh ở tuổi 47. Bà Mím giờ ở Kiến Quốc cùng con dâu và hai cô cháu nội.Trở lại với ý tưởng đề nghị công nhận di tích lịch sử cho cầu Nhe, khi tôi nhắc đến điều này, ông Nhu nói: “Có rồi, chúng tôi đã có tờ trình gửi chính quyền Can Lộc và Hà Tĩnh từ năm 2012, nhưng chưa thấy hồi âm…”. Nghe thế, tôi lập tức gọi điện liên lạc với ông Đặng Trần Phong – Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc.Ở đầu dây bên kia, ông Phong hăm hở khoe: “Cơ bản xong rồi, chúng tôi đã lập hồ sơ báo cáo UBND tỉnh, không có gì thay đổi thì chỉ từ nay đến cuối năm cầu Nhe sẽ được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh…”. Ông Phong cũng cho biết thêm, hôm về Cầu Nhe dâng hương tưởng niệm liệt sỹ dịp 27-7 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã có ý kiến với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về nội dung này. Ước nguyện của Hải Phòng, nơi chôn nhau cắt rốn của đa số liệt sỹ cầu Nhe, là tổ chức bài bản từ quy hoạch đến xác lập hồ sơ, từng bước công nhận và bảo tồn quần thể khu di tích…Nghe xong cuộc trao đổi, khuôn mặt ông Nhu rạng ngời: “Ngày ấy chúng tôi ra đi, không toan tính, không màng sống chết. Giờ đây vẫn biết đất nước mình có thể còn nhiều nỗi đau hơn thế, nhưng không biết thì thôi, biết mà không làm được gì thì thật day dứt…”. Ngay như chi hội CCB 351, hàng tháng 67 hội viên vẫn cùng ngồi lại, tiếp tục thu nhập thông tin của những đồng đội còn thất lạc, cứ tích cóp đủ tiền là lên đường vào chiến trường xưa.Mới đây, hội viên CCB 351 còn trích từ phần thu nhập bé nhỏ của mình, mua được hơn chục chiếc quạt điện, đem vào cám ơn những người dân Vĩnh Lộc đã có lòng chăm sóc phần mộ liệt sỹ Hải Phòng. Ông Nhu tâm sự: “Vẫn biết họ vô tư, nhưng của ít lòng nhiều, đấy là trách nhiệm đối với chính đồng đội mình”.Đền liệt sỹ cầu Nhe 45 năm được bà con Vĩnh Lộc trông nom, gìn giữ. Tự đáy lòng, là người lính cầm bút, tôi cũng muốn góp một tiếng nói, mong rằng ít nhất gần hai triệu công dân Hải Phòng và hàng vạn con em TP Hoa Phượng Đỏ xa quê biết đến cầu Nhe. Nơi ấy, những người con của đất Hải Phòng đã ngã xuống vì nền độc lập thống nhất của dân tộc mình.

ANHP

  Từ khóa: Cầu Nhe , Đau đáu , nỗi niềm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP