Ước mơ được thể hiện tấm lòng với Đại thi hào Nguyễn Du
Sau khi mua được khối gỗ gù hương có chiều cao 3,5m đường kính 2,5m, nặng 4,8 tấn rất quý hiếm, với lòng thành tâm của mình, anh Nguyễn Lê Huy (SN 1971), trú tại TP Vinh (Nghệ An) đã quyết định mời những nhà điêu khắc nổi tiếng tạc thành bức tượng Đại thi hào Nguyễn Du.
Tháng 9/2015 vừa qua, công trình ấy cũng đã hoàn thành và trở thành bức tượng gỗ tạc cụ Nguyễn Du lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Để tìm hiểu rõ hơn về ý nghĩ độc đáo thể hiện sự nhân văn cũng như tấm lòng sâu sắc của cá nhân anh Huy đối với cụ, chúng tôi đã tìm đến ngôi nhà của anh, nơi đang lưu giữ khối tài sản có giá trị này.
Bên bát nước chè xanh xứ Nghệ, anh Huy không ngần ngại chia sẻ cho chúng tôi nghe về ý tưởng của mình. Anh nhớ lại: “Vào khoảng cuối năm 2014, tôi đã mua được khối gỗ gù hương ở tận miền Nam về. Có được khối gỗ gù hương nguyên khối quý hiếm này (loại gỗ thuộc nhóm IV, có mùi rất thơm, không mối mọt – PV), ban đầu tôi rất phân vân không biết làm gì…”
|
Gỗ gù hương nguyên khối đã được anh Huy mua về từ miền Nam. |
“Đối với nhiều người, có được khối gỗ trên, họ sẵn sàng tạc tượng Di Lặc, Quan Vân Trường… nhưng trong tâm niệm của tôi thì không hề mảy may nghĩ đến việc đó. Cứ nghĩ tại sao ở nước ta ít thấy hoặc rất hiếm gặp các bức tượng về những anh hùng, con người kiệt xuất, vĩ nhân nổi tiếng như Đại thi hào Nguyễn Du, Trần Quốc Tuấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Đúng lúc đó, tôi đã nghĩ ngay đến việc tạc một pho tượng Đại thi hào Nguyễn Du”.
Được biết, việc tạc tượng Đại thi hào với anh Huy, ban đầu chỉ đơn giản là để thể hiện sự tôn kính ngưỡng mộ, thông qua hình tượng cụ để lưu truyền nét văn hóa người Việt cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Ngay khi có được khối gỗ, anh Huy bắt đầu lên ý tưởng tạc tượng. Theo anh Huy, điều khó nhất là làm sao thổi được cái hồn vào bức tượng, từ đôi mắt, phong thái của cụ mà vẫn phù hợp với “nguyên liệu” mà mình có được. Vì vậy, anh đã lặn lội ra Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng… tìm gặp những nhà điêu khắc nổi tiếng nhất để tham khảo ý kiến, đồng thời tìm hiểu những mẫu điêu khắc tượng Đại thi hào Nguyễn Du. Bên cạnh đó có sự trợ giúp tận tình của các nghệ nhân, nhà điêu khắc nổi tiếng như Nguyễn Văn Bảy (Bắc Ninh), Trần Minh Châu (Nghệ An)…
Được hội đồng nghệ thuật phê duyệt về những bức ảnh phong thái của cụ; anh Huy đã làm việc với Ban quản lý di tích Nguyễn Du, Dòng họ Nguyễn Du tại huyện Nghi Xuâ (Hà Tĩnh) để xin ý kiến. Nhận được thông tin, đại diện Ban quản lý rất đồng tình với ý tưởng của anh.
Sau nhiều tháng tìm hiểu, trăn trở cuối cùng khuôn mẫu bức tượng cũng được phác họa, với tư thế cụ ngồi cầm bút, gương mặt ngẩng cao nhìn về phía trước … Đó được xem là mẫu phác thảo anh Huy ưng ý nhất.
|
Khuôn mẫu ban đầu về tượng gỗ cụ Nguyễn Du. |
Đến tháng 5/2015, quá trình tạc tượng chính thức bắt đầu. Sau gần 4 tháng, cuối cùng pho tượng cũng đã hoàn thiện.
|
Tháng 9/2015, công trình tượng gỗ Nguyễn Du đã hoàn thành. |
Sau khi hoàn thiện, bức tượng có chiều cao 3,02m (tính cả đế), đường kính lớn nhất là 2m. Đây được xem là bức tượng Đại thi hào Nguyễn Du được tạc bằng gỗ gù hương lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Mong ước vẫn chưa viên mãn…
Yêu, mến mộ Đại thi hào Nguyễn Du từ những câu Kiều trong lời ru của mẹ, lớn lên, tinh thần ấy lại càng trỗi dậy trong anh. Nên, ngay sau khi may mắn mua được khối gỗ gù hương lớn đặc biệt lập tức nghĩ đến việc tạc khối gỗ quý thành bức tượng Đại thi hào Nguyễn Du để bày tỏ lòng thành kính, sự mến mộ của mình.
Công trình tượng gỗ Nguyễn Du của anh huy được xem là lớn nhất Việt Nam hiện nay. |
Từ việc nảy sinh ý tưởng đến khi hoàn thành công trình, bản thân anh Huy cũng đã chịu không ít áp lực. Ngay chính bà con hàng xóm, láng giềng, thậm chí là những người bạn thân có của anh đều cho là anh có hành động lạ, rồi cản trở. Nhiều người còn mạnh dạn rỉ tai nhau khi bàn tán việc làm của anh là “quái gở”. Bởi không ai lại đem đi một khối gỗ có giá trị tài sản lớn cùng với việc thuê hết tốp thợ này, nghệ nhân nọ từ khắp các tỉnh xa xôi về đục đẽo, tạo hình một nhân vật như vậy rất đỗi phí công sức.
Bỏ ngoài tai tất cả, với quyết tâm của mình, tháng 9/2015, công trình tâm huyết sau bao ngày dày công suy nghĩ đã hoàn thành. Ngày hoàn thành công trình, anh Huy vui mừng khôn xiết, anh xem như đó là tín vật, là cái tâm của mình đã được thể hiện thông qua bức tượng do chính anh lên ý tưởng.
|
|
Công trình là sự tâm huyết, thể hiện tấm lòng của anh Huy đối với cụ Nguyễn Du. |
Và rồi tiếng lành đồn xa, người người từ các tỉnh xa xôi đổ về TP Vinh (Nghệ An), với ý muốn mua lại “báu vật” của anh nhưng đều bị anh từ chối một cách thẳng thừng.
Chia sẻ về việc làm này, ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1954), Chi hội trưởng Chi hội di sản văn hóa cổ vật Sông Lam Nghệ An cho biết: “Là thành viên của hội, khi anh Huy có ý tưởng và hoàn thành bức tượng bằng gỗ về cụ Nguyễn Du, chúng tôi đánh giá rất cao về việc này. Đặc biệt, việc tạo nên bức tượng hoàn toàn là để thể hiện tấm lòng của anh đối với Đại thi hào thì ý nghĩa đó càng có giá trị hơn rất nhiều”.
Công trình hoàn thành, với mong muốn của anh cũng như gia đình, “báu vật” sẽ được trưng bày tại khu di tích Nguyễn Du trong những ngày diễn ra Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh (1765 – 2015) và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Đại thi hào Nguyễn Du vào dịp cuối năm 2015.
Ông Hồ Bách Khoa, Trưởng ban quản lý khu di tích Nguyễn Du cho biết: “Ngay từ khi có ý tưởng và hoàn thành công trình, Ban quản lý cũng có nghe trao đổi về việc trưng bày bức tượng trong dịp tuần lễ văn hóa về Đại thi hào Nguyễn Du của anh Huy. Thực tế, cái tâm của anh Huy là rất tốt. Nếu anh huy có đơn kiến nghị, đề xuất kèm theo ảnh về bức tượng, Ban quản lý khu di tích sẽ trình với cấp trên để khảo sát, đặt vị trí bức tượng cho phù hợp”.
Hiện, công trình tượng gỗ cụ Nguyễn Du đã hoàn thành được gia đình anh Huy lưu giữ cẩn thận để cuối năm 2015 này sẽ trưng bày tại Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của cụ.
Pho tượng gỗ quý tạc cụ Nguyễn Du đang được gia đình anh Huy lưu giữ cẩn thận,chờ ngày trưng bày. |
“Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có bệ để kê, đó là điều mà tôi đang rất băn khoăn lúc này. Song cái trở ngại lớn nhất không phải ở đó, công trình tượng gỗ Nguyễn Du với mong muốn là đưa hình ảnh đến công chúng nhưng hiện nay vẫn chưa có chỗ phù hợp để đặt lâu dài. Bởi trong khu nhà lưu niệm cụ cũng có một bức tượng khác (tuy nhỏ và bằng chất liệu khác)”, anh Huy trăn trở.
Được biết, vào ngày 25/10/2013, tại phiên họp lần thứ 37 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) cũng đã có Nghị quyết số 37C/15 về việc tổ chức các lễ kỷ niệm với sự tham gia của UNESCO trong niên độ 2014 – 2015, trong đó có nội dung tổ chức Lễ kỷ niệm lần thứ 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, Đại thi hào của Việt Nam vào năm 2015. Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng dự thảo Kế hoạch kỷ niệm 250 ngày sinh và vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thaovà Du lịch phê duyệt chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công sự kiện quan trọng này. Ngày 15/8/2014, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có công văn số 8467-CV/VPTW về việc tổ chức kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Công văn nêu rõ: “Đồng ý chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới trong năm 2015. UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở VHTT&DL và Hội Kiều học sẽ đồng chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự”. |
NGỌC TUẤN/ ĐS&PL