Có được thành công như vậy là nhờ Nguyễn Du đã chuyển thể Truyện Kiều từ một tiểu thuyết của người Trung Quốc sang chữ Nôm – ký tự của người Việt và bằng thơ lục bát – thể thơ của người Việt một cách sống động nhất. Những câu thơ lục bát hay nhất trong kho tàng thi ca Việt Nam đều có trong Truyện Kiều và mỗi nhân vật trong ấy đều hiện thân cho những phận người, giai tầng trong xã hội phong kiến đầy đau khổ, bất công nhưng vẫn hiện hữu những tình cảm đẹp.
Ghi nhận những giá trị to lớn của Truyện Kiều cũng như công lao của Nguyễn Du đối với nền văn hóa Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung, cuối năm 2013, UNESCO đã công nhận Đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới.
Sự công nhận đó là minh chứng cho sức sống trường tồn, mãnh liệt củaTruyện Kiều và Nguyễn Du trong lòng dân tộc và sự ảnh hưởng đối với thế giới. Sự kiện này cũng đã, đang và sẽ đặt lên vai người dân Việt trách nhiệm bảo tồn và phát huy những tinh hoa mà Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du để lại, bởi những di sản đó không chỉ của riêng Việt Nam mà còn của toàn nhân loại.
Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhân kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Đại thi hào.
Qua các hoạt động này, Truyện Kiều được vinh danh, quảng bá và lan tỏa. Hai hội thảo khoa học lớn đã được tổ chức vào năm 2005, 2010; nhiều câu lạc bộ Trò Kiều do các nghệ nhân dân gian chủ trì tổ chức đã được hỗ trợ bảo tồn, phục dựng. Các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều được tổ chức và thu hút sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các em học sinh. Nhiều ấn phẩm như sách, băng đĩa về Nguyễn Du, Truyện Kiều cũng đã được xuất bản.
Ý thức được trách nhiệm bảo tồn di sản của thế hệ trẻ, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã triển khai sâu rộng trong các cấp bộ Đoàn nhiều hoạt động thiết thực thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên.
Đến nay, các cơ sở Đoàn đã tổ chức hơn 280 diễn đàn, tọa đàm “Nguyễn Du với Truyện Kiều”, “Thanh niên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”. Các hội thi tìm hiểu được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa nhận được nhiều sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Tổ chức 46 buổi sinh hoạt các câu lạc bộ hát Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, ngâm Kiều, vịnh Kiều.
Ban thường vụ Đoàn các cấp cũng tổ chức nhiều chuyến hành hương về thăm quê hương Đại thi hào Nguyễn Du và huy động 350 lượt đoàn viên thanh niên ra quân làm vệ sinh môi trường tại quần thể Khu di tích họ Nguyễn Tiên Điền và các địa chỉ đỏ, khi di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Đặc biệt, cuộc thi “Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều” đã tạo sức lan tỏa đặc biệt trong thế hệ trẻ, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia tìm hiểu, làm bài dự thi. Tác phẩm dự thi của nhiều bạn trẻ thể hiện rõ tâm huyết, trách nhiệm và những tình cảm sâu sắc đối với Danh nhân văn hóa thế giới – Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.
Hầu hết các tác phẩm được dày công nghiên cứu về mặt nội dung; phong phú về thông tin, tư liệu và đa dạng, sáng tạo về hình thức thể hiện. Điều đặc biệt là cuộc thi này không chỉ bó hẹp trong phạm vi nội tỉnh mà còn thu hút sự tham gia của lực lượng đoàn viên, thanh niên ở các địa phương khác trong cả nước. Quá trình chỉ đạo, triển khai cuộc thi của các cấp bộ Đoàn và chất lượng bài dự thi của lực lượng đoàn viên, thanh niên được Ban Tổ chức cấp tỉnh ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ tính riêng số bài thi của đoàn viên, thanh niên qua kênh Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã có 11 bài đoạt giải trong tổng số 22 giải của tỉnh Hà Tĩnh (chiếm 50%).
Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng đã chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh triển khai cuộc thi làm Báo tường về Nguyễn Du và Truyện Kiều trong khối trường học nhằm phát huy giá trị giáo dục của tác phẩm Truyện Kiều, khơi dậy trong thanh thiếu niên tình yêu đối với Tiếng Việt – ngôn ngữ của dân tộc.
Các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du được tổ chức Đoàn các cấp triển khai hiệu quả gắn với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng của cán bộ đoàn viên, thanh niên, qua đó tạo thành một đợt sinh hoạt văn hóa sâu rộng trong tuổi trẻ.
Trải qua hơn 200 năm, Truyện Kiều vẫn đi vào lòng mỗi người dân Việt dù ở nơi đâu. Bằng cách này hay cách khác, việc bảo tồn và gìn giữ những di sản mà Nguyễn Du thể hiện phần nào tinh thần yêu nước của mỗi người dân. Như học giả Phạm Quỳnh đã từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!..”.
Hoàng Ngà / TĐHT