Cộng đồng mạng

Chàng trai xứ Nghệ phục dựng ảnh các liệt sỹ: Câu chuyện xúc động và xoa dịu nỗi đau người ở lại

Nhóm chàng trai trẻ đã cùng nhau làm "sống dậy" chân dung các liệt sỹ. Những tấm ảnh nhuốm màu thời gian, được phục dựng phần nào xoa dịu nỗi đau người ở lại.

Anh Lê Quyết Thắng kể, vào đêm muộn ngày 30/4 năm trước, khi đang lướt trên mạng thấy một đoạn comment của một người cháu muốn phục dựng cho người bác liệt sỹ. Sau khi xem lại kỹ thông tin, mới thấy phía sau bức ảnh phác thảo bằng bút chì ấy là câu chuyện của người bác liệt sỹ đó, hy sinh tại chiến trường trước ngày giải phóng, giờ chỉ còn một bức ảnh đen trắng vẽ phác chì này làm ảnh thờ. Anh mong muốn được hỗ trợ để có một bức ảnh “thật” hơn về bác của mình. Ngay trong đêm, Thắng đã hoàn thành phục dựng bức ảnh màu của liệt sỹ và quyết định đến tận nhà để trao cho gia đình. “Khi phục dựng xong, đăng bức ảnh này lên mạng xã hội. Câu chuyện về bức ảnh này được lan truyền nhanh chóng, tôi nhận được vô số lời khen và nhờ giúp đỡ từ cộng đồng mạng…” – Thắng chia sẻ.

Nhóm TeamLee đã phục dựng miễn phí hàng trăm bức ảnh liệt sĩ
và nhóm vẫn đang tiếp tục thực hiện công việc ý nghĩa này

Khi chia sẻ ý tưởng này - Thắng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ những người cùng làm thợ ảnh và học trò của mình. Rất nhanh chóng, nhóm “TeamLee” được thành lập. Và chỉ 2 tháng sau, chúng tôi cho ra đời dự án vào đúng 27/7/2022 nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ.

"Mẹ ơi, hôm nay chúng con đưa chị Nhân, anh Chân về với mẹ đây...”

Lê Quyết Thắng – một người trẻ sinh năm 1991 ở huyện Hưng Nguyên – tỉnh Nghệ An hiện đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội chính là người khởi xướng ý tưởng phục dựng ảnh liệt sỹ miễn phí cho các gia đình liệt sỹ để bày tỏ tình yêu thương, sự kết nối của mình đối với các thế hệ cha anh.

Công việc chính của Thắng là thiết kế nội thất nhưng anh có niềm đam mê đặc biệt với làm ảnh. Tranh thủ thời gian rảnh, anh chỉnh sửa ảnh miễn phí cho mọi người qua mạng xã hội, thường ghép ảnh cho thân nhân người đã khuất qua các bức ảnh đoàn viên và phục dựng những tấm ảnh cũ kỹ - việc phục dựng ảnh các anh hùng liệt sỹ đến với anh như một cơ duyên.

Những bức ảnh phục chế xong được nhóm in, đóng khung, trao tận tay các gia đình liệt sỹ. Tấm lòng và tài năng của các chàng trai trẻ khiến nhiều người cảm phục

Dịp tháng 7 này, chúng tôi may mắn theo chân nhóm TeamLee của Lê Quyết Thắng đến với các gia đình ở Nghệ An – Hà Tĩnh để trao những tấm ảnh thờ cho các gia đình liệt sỹ.

Hôm nay, mẹ Nguyễn Thị Ba đã 96 tuổi được nhận món quà đặc biệt, đó là bức chân dung phục dựng ảnh màu của con trai - liệt sỹ Nguyễn Văn Đồng (SN 1957, quê Thanh Lương, Thanh Chương) và bức ảnh anh Đồng - vẫn nguyên bộ quân phục màu xanh lá, ngồi bên mẹ. Ngắm bức ảnh, mẹ ngậm ngùi: “Ôi, thằng Đồng đây mà, hắn ngồi bên này này, tay ôm vai mẹ đây này. Hắn đẹp trai, học giỏi lắm, mỗi tội đi sớm quá. Mẹ thì ở đây mà con không còn nữa...” - Mẹ nâng niu tấm ảnh màu của con, luôn miệng khen “cái thằng đẹp trai và giỏi”, cười mà như khóc. Mẹ bảo, bức ảnh này phải bỏ đầu giường, để mẹ ôm đi ngủ...

Mẹ nhiều khi quên quên nhớ nhớ, nhưng có một việc không bao giờ mẹ quên là sáng nào ngủ dậy mẹ cũng nhìn lên bàn thờ, nơi đặt ảnh anh, rồi thì thầm cả buổi nói chuyện với anh Đồng. Bức ảnh của anh chỉ có 2 màu đen trắng, mà mắt mẹ thì mờ rồi...”, ông Nguyễn Văn Tình - con trai thứ của mẹ Ba, kể.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Thành năm nay đã 94 tuổi, mẹ có hai con là liệt sỹ. Dẫu nước mắt đã cạn, nhưng hôm nay tiếng khóc của mẹ Thành một lần nữa khiến những người có mặt không thể cầm lòng. Nhận 2 bức ảnh của 2 người con liệt sỹ, chị là thanh niên xung phong, anh là Bội đội biên giới Tây Nam từ nhóm TeamLee trao tặng, mẹ nghẹn ngào ôm vào lòng như từng ôm những đứa con bé bỏng của mình… Nhận lại những tấm hình rõ nét, sinh động của các con, mẹ Thành vừa buồn vừa vui. Buồn vì nỗi đau mất con vẫn còn đó, nhưng vui vì từ đây, mẹ có những tấm ảnh thờ tử tế cho hai đứa con của mình.

Anh Lê Quyết Thắng trao tận tay bức ảnh đã phục chế cho mẹ Nguyễn Thị Ba (96 tuổi)
ở huyện Thanh Chương, Nghệ An

"Mẹ ơi, hôm nay chúng con đưa chị Nhân, anh Chân về với mẹ đây” , Lê Quyết Thắng - trưởng nhóm Team Lee, ôm khung ảnh được bọc trong lá cờ Tổ quốc, đặt vào tay mẹ. Mẹ Thành run run: “Nhân ơi, Chân ơi, về với mẹ các con ơi...”. Chính sự nâng niu, niềm vui của người thân các liệt sỹ là động lực để nhóm của Lê Quyết Thắng dành thời gian và công sức phục dựng những tấm ảnh những người đã ngã xuống.

Những bức ảnh không nguyên vẹn, rách nát thậm chí chỉ còn vài chi tiết đã bị phủ mờ bởi thời gian, nhưng giờ đây đã được phục dựng rõ nét. Đây là dự án mà Lê Quyết Thắng cùng những người bạn của mình ấp ủ thực hiện hơn 1 năm trước vào dịp 27/7 Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ. Hàng trăm bức ảnh liệt sỹ đã được hoàn thành bởi những tâm sức của những chàng trai trẻ trong TeamLee trao tặng đến từng gia đình.

Những con người đã hy sinh xương máu cho hòa bình, nay lại trở về với gia đình trong dáng hình tuổi thanh xuân. Họ đã được gặp lại những người con, người vợ, người mẹ, mòn mỏi đợi trông. Qua những hành trình diệu kỳ của công nghệ và tấm lòng tha thiết của những chàng trai trân trọng quá khứ của dân tộc. Mỗi hành trình trao gửi tận tay gia đình những bức ảnh thân nhân là cơ hội để người trẻ tri ân quá khứ, kết nối hiện tại với niềm tự hào sâu sắc.

Sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện

Qua lời kể của Thắng: Mục tiêu ban đầu chỉ là 75 bức ảnh, vì thời điểm đó rất khó để tiếp xúc gia đình thân nhân liệt sỹ, đa phần họ đều là những người có tuổi rồi. May mắn là chúng tôi được sự ủng hộ của cộng đồng mạng, sau 1 tháng chạy đua với “chiến dịch”, đọc hết comment của mọi người, chúng tôi đã nhận đặt trên dưới 200 bức là con số không thể tưởng. Tuy nhiên, niềm vui tự hào chỉ diễn ra trong chốc lát và thay vào đó là cảm giác hổ thẹn vì chưa làm được trọn vẹn, vẫn còn rất nhiều các gia đình liệt sỹ chưa có tấm ảnh trọn vẹn.

Nhóm Lê Quyết Thắng gửi tặng chân dung 2 liệt sỹ cho mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Thành ở phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò (Nghệ An)

Một trong những động lực để nhóm của Thắng cuốn vào dự án ý nghĩa này đó là câu chuyện đằng sau những bức ảnh. Qua lời kể của Thắng, ban đầu mọi người chỉ có ý định phục dựng những bức ảnh của các liệt sỹ, đóng khung và gửi đến tận tay người nhận. Thế nhưng sau khi lắng nghe, tìm hiểu về câu chuyện đằng sau những bức ảnh, cả nhóm đã đi đến quyết định: "Sẽ đi đến tận nhà người thân của liệt sỹ, trao tặng tận tay bức ảnh đó. Gần 2 năm nay, kể từ khi thực hiện “chiến dịch” này, cứ đến tháng 7 là cả nhóm gác lại hết những công việc thường nhật để dành trọn thời gian phục dựng và đi trao những món quà tinh thần tới tận tay những gia đình liệt sỹ"…

"Chúng tôi không muốn chỉ làm việc đó như một động tác khô khan về kỹ thuật, chúng tôi còn muốn nghe những câu chuyện thực về liệt sỹ. Điều đó đáng lắm, có những người ở tuổi của tôi, họ hy sinh để cho chúng ta có ngày hôm nay” - Thắng nói.

Thắng kể cho tôi nghe và đưa cho tôi xem một bức ảnh khi cả nhóm đến trao bức ảnh cho người thân một liệt sỹ. Có người khi nhìn tấm ảnh người thân của mình là liệt sỹ được phục chế đã không kìm được nước mắt. Có những lần đi trao ảnh mà tất cả lặng đi, thế rồi nước mắt cứ thế lăn dài trên gương mặt mỗi người.

“Mẹ ơi, hôm nay chúng con đưa chị Nhân, anh Chân về với mẹ đây”, Lê Quyết Thắng -trưởng nhóm TeamLee, ôm khung ảnh được bọc trong lá cờ Tổ quốc, đặt vào tay mẹ

Trong những gia đình mà TeamLee đến trao ảnh tận nơi có gia đình mẹ liệt sỹ tuổi đã cao, cả nhóm phải làm nhanh sợ không kịp trao, phải làm ngày làm đêm. Có bức ảnh người liệt sỹ trong bức ảnh mà nhóm của Thắng phục chế đã hy sinh trên đất Campuchia, chưa tìm thấy hài cốt. Gia đình chỉ còn một bức ảnh cũ của liệt sỹ đã mờ nhòa. Thông tin trên được người cháu của liệt sỹ nhắn tin cho Thắng với mong muốn nhóm phục hồi giúp ảnh cho người cậu của mình để đem lại sự bất ngờ cho mẹ.

Ngày bức ảnh hoàn thành, nhóm của Thắng đã phải cuốc bộ, dò dẫm giữa những bạt ngàn đồi núi của tỉnh Thái Nguyên để tìm đến gia đình người thân liệt sỹ. Cầm trên tay bức ảnh em trai mình, chị của liệt sỹ đang phải ngồi trên xe lăn chỉ biết lấy khăn để thấm nước mắt cứ thế chảy trào ra từ khóe mắt.

Qua những chuyến đi không thể kể hết những cảm xúc, nhưng qua đây nhắc cho chúng tôi hiểu thêm một phần của lịch sử dân tộc và điều này cho chúng tôi nhiều năng lượng, đến thời điểm này chúng tôi vẫn mạnh mẽ, vẫn có lửa trong người để có thể duy trì công việc này và có thể làm được nhiều hơn, vì công việc này không thể chờ lâu hơn nữa.

Cần chung tay để lan tỏa…

Nguyễn Quốc Anh (26 tuổi, quê Hà Tĩnh) - thành viên nhóm TeamLee chia sẻ, điều mà anh và cả nhóm cảm thấy hài lòng nhất đó là việc phục dựng ảnh liệt sỹ không chỉ là làm cho bức ảnh đẹp lên: “Làm cho ảnh đẹp lên, tôi nghĩ nhiều người làm được nhưng để cho bức ảnh đó có hồn, sinh động thì đòi hỏi nhiều hơn thế. Có bức ảnh, chỉ cần một buổi hay một ngày để làm xong nhưng cũng có nhiều “ca khó” anh em phải mất từ 2 đến 3 ngày để hoàn thành…”, Quốc Anh nói.

Bức chân dung liệt sỹ trước và sau khi được nhóm Team Lee phục dựng

Khi nhóm chúng tôi nhận được những bức ảnh cũ, mờ, hỏng bong tróc mất đi nhiều chi tiết, đặc biệt là đôi mắt, đến nỗi không thể làm được nữa. Lúc này, cả Team phải xem lại ảnh người thân, dựng lại qua hình ảnh chắp vá của người thân, lắng nghe mô tả để phục dựng cho sát nhất với thần thái của các anh, các chị.

Không chỉ làm cho bức ảnh đẹp lên, mà còn thổi hồn vào đó nên dự án của Thắng đã được nhiều người biết đến và lan tỏa. “Có những livestream trên nền tảng tick tock chia sẻ về quá trình phục dựng ảnh truyền thần liệt sỹ của tôi có hàng triệu view (người xem) và hàng ngàn tin nhắn. Đó là những nguồn động viên rất lớn để nhóm tiếp tục hành trình chưa có hồi kết của mình” - Thắng chia sẻ.

Lê Quyết Thắng cho biết, hiện nay số lượng tin nhắn nhờ phục chế ảnh liệt sỹ mà nhóm nhận được mỗi ngày rất nhiều, nhưng do nhân lực có hạn nên vẫn chưa thể đáp ứng được hết. Vì thế, anh hy vọng những người làm nghề ảnh trên cả nước cùng bắt tay vào tham gia, chia sẻ với nhóm, một công việc tuy nhỏ nhưng ý nghĩa.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương - Thắng kể, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Dự án phục dựng miễn phí ảnh giúp các gia đình có liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh tại Việt Nam, nhóm TeamLee có 12 thành viên nhưng 9 thành viên phụ trách việc phục dựng ảnh, 3 thành viên khác phụ trách truyền thông và hậu cần đã tiến hành phục dựng khoảng 300 bức ảnh chân dung liệt sỹ. Riêng trong hành trình tri ân tháng 7 này, nhóm sẽ trao 17 bức ảnh phục dựng chân dung liệt sỹ ở Nghệ An và Hà Tĩnh… đó cũng là nén tâm nhang mà TeamLee nói riêng, thế hệ trẻ nói chung tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của tổ quốc.

“Sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ để đổi lấy hòa bình, độc lập cho dân tộc khiến lớp trẻ chúng tôi luôn cảm thấy trân trọng, biết ơn. Mọi người trong nhóm sẵn sàng dành thời gian để phục dựng miễn phí các bức ảnh như một cách tri ân đến các anh hùng liệt sỹ và phần nào đó xoa dịu nỗi đau người ở lại...” - Lê Quyết Thắng chia sẻ.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP