Tin Hà Tĩnh

Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh: Vẫn nhiều vướng mắc

Chưa được bàn giao 100% mặt bằng cùng với việc thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) đang đẩy các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trước nguy cơ chậm tiến độ.

Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh vẫn nhiều vướng mắc. Ảnh: TQ


Trên địa bàn Hà Tĩnh có 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng với tổng chiều dài 107,22km đang được tiến hành thi công.

Trong 4 dự án thành phần, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; 3 đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng thuộc giai đoạn 2021 - 2025.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3km, trong đó, đoạn qua huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) dài 4,84km, có tổng số vốn đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 22/5/2021 và dự kiến hoàn thành vào 22/5/2024.

Thời gian thi công các dự án thành phần qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh của 2 giai đoạn (2017 - 2020 và 2021 - 2025) khác nhau. Theo lộ trình đề ra, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ hoàn thành vào tháng 5/2024; 3 đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng hoàn thành vào tháng 10/2025.

Theo ghi nhận của PV, đến đầu tháng 9/2023, đối với 4,84km chạy qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thuộc dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và 12,9km chạy qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thuộc dự án thành phần Vũng Áng - Bùng đã cơ bản đảm bảo nguồn VLXD.

Liệu các dự án có đảm bảo tiến độ, chất lượng? Ảnh: TQ


Đối với 02 dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng, theo đại diện chủ đầu tư - Ban Quản lý Dự án Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đang vướng mặt bằng và VLXD.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Hà Tĩnh phải bàn giao mặt bằng cho dự án trước ngày 30/6/2023 nhưng đến nay mới bàn giao được 97,81%. Báo cáo của Sở GTVT - Cơ quan Thường trực giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các dự án thành phần cao tốc đi qua địa bàn Hà Tĩnh cho thấy, đến ngày 31/8/2023, công tác áp giá, phê duyệt phương án bồi thường mới đạt 98,85%, trong đó, một số địa phương đạt thấp như: Huyện Thạch Hà (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi mới đạt 93,47%; TP Hà Tĩnh 93,34%.

Đến ngày 31/8/2023 mới bàn giao được 97,81%, trong đó, một số địa phương đạt thấp như: Huyện Thạch Hà (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi mới đạt 91,51%); TP Hà Tĩnh 83,04%; huyện Cẩm Xuyên 97,28%; huyện Kỳ Anh (đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng 98,6%).

Đối với 404 hộ phải tái định cư (TĐC), đến nay vẫn còn 27/404 hộ chưa phê duyệt; 83/404 hộ chưa nhận tiền; 267/404 hộ chưa di dời. Đối với 746 hộ bị ảnh hưởng một phần tài sản, vật kiến trúc, cây cối (không phải TĐC) vẫn còn 27/746 hộ chưa phê duyệt; 61/746 hộ chưa nhận tiền và 95/746 hộ chưa bàn giao mặt bằng.

Đối với xiệc xây dựng 26 khu TĐC và 04 khu nghĩa trang, đến nay mới có 08/30 khu đạt 100%, còn lại 22/30 khu mới đạt từ 15 - 88%.

Các công hạ tầng kỹ thuật như, hệ thống đường dây 220kV, 500kV, 110kV, 35kV trở xuống và hệ thống viễn thông vẫn chưa được di dời.

Về khai thác các mỏ khoáng sản làm VLXD, ông Hoàng Chiến Thắng - Giám đốc Quản lý Dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi cho biết, đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận bản xác nhận 11/11 mỏ theo đề xuất của chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng; HĐND tỉnh đã quyết định chủ trương sử dụng rừng 7/7 mỏ.

Tuy nhiên, chưa thể khai thác vì còn vướng nhiều thủ thục. Về GPMB, đã thỏa thuận GPMB 03/11 mỏ; 8/11 mỏ đang thực hiện GPMB, tuy nhiên, nhiều hộ dân chưa đồng thuận với giá đền bù nên chưa thể GPMB.

Về trồng rừng thay thế, chưa hoàn thành, vì Hà Tĩnh không còn đất trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Tĩnh đã có Văn bản số 2217/SNN-KL ngày 10/8/2023 gửi các sở NN&PTNT các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế về việc đề nghị giúp đỡ, cung cấp thông tin về nhu cầu trồng rừng thay thế.

Đến nay Sở NN&PTNT các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế đã có văn bản trả lời; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đã liên lạc trực tiếp thì tất cả các tỉnh không có nhu cầu đăng ký tiếp nhận trồng rừng thay thế giúp cho tỉnh Hà Tĩnh.

“Đối với 03 mỏ đã hoàn thành GPMB, nhưng chưa trồng rừng thay thế và đang thực hiện chuyển đổi mục đích đất rừng nên chưa thực hiện khai thác. Ban Quản lý Dự án Thăng Long kiến nghị cho khai thác trên phần diện tích đã xong GPMB để đáp ứng tiến độ dự án” - ông Thắng cho biết.

Cần có các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Ảnh: TQ


Theo ghi nhận của PV tại công trường vào ngày 31/8/2023, trên toàn tuyến của Dự án Bãi Vọt - Hàm Nghị có 25 mũi thi công, trong đó, 13 mũi thi công đường và 12 mũi thi công cầu với gần 320 thiết bị và ô tô vận chuyển (148 thiết bị thi công và 171 ô tô vận chuyển); tổng số nhân sự 614 người (115 kỹ sư và 499 công nhân kỹ thuật, lái xe lái máy).

Cũng theo ông Thắng, mặc dù chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu thi công bố trí nhân lực, vật lực để triển khai dự án, thế nhưng, do vướng mắc về mặt bằng cũng như VLXD nên đến nay dự án mới đạt khoảng 6% khối lượng.

Tương tự, dự án thành phần đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng do Ban Quản lý Dự án Thăng Long làm chủ đầu tư cũng gặp những khó khăn tương tự. Ông Vũ Anh Thái, Phó Trưởng ban điều hành gói thầu XL12 đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng cho biết, dự án có 02 gói thầu (gói thầu XL11 và XL12) đều do Liên doanh Nhà thầu Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng Xuân Trường và một số đơn vị khác thi công. Do vướng mắc về mặt bằng cũng như nguồn cung VLXD nên dự án cũng đang thi công cầm chừng.

Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Phúc - Giám đốc Điều hành gói thầu XL11 và XL12 cho biết, do còn một số vướng mắc, nên đến nay, dự án mới triển khai được 4% khối lượng.

Như vậy, sau 8 tháng khởi công xây dựng, tiến độ thực hiện các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang bị chững lại, nếu các cơ quan chức năng không khẩn trương có các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu thì dự án khó đạt được tiến độ đề ra.

Tác giả: Trần Quý

Nguồn tin: thanhtra.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP