Trong nước

Cả họ làm lãnh đạo huyện: Con kính thưa bố…

Đọc câu chuyện cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện ở Mỹ Đức (Hà Nội), độc giả VietNamNet gần như đồng thanh “ở địa phương tôi cũng thế”!.

>> Cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện

Mỹ Đức, Hà Nội, nhân sự
Huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội nổi tiếng với lễ hội chùa Hương. Ảnh: Tuấn Vinh

Độc giả Nguyễn Văn Học nhận định việc này phổ biến không riêng gì ở Hà Nội mà ở khắp nơi, nhất là các cơ quan nhà nước: “Chủ yếu là con em trong nhà lãnh đạo, cứ thanh tra thử các cơ quan công quyền thì rõ”.

“Không chỉ ở các cơ quan quản lý nhà nước, các tổng công ty cũng thế thôi!”, là phản hồi của độc giả Nguyen Thanh Binh. Độc giả Anh Phúc ví von tình trạng này là “đồng chí con kính thưa đồng chí bố trong cùng một cơ quan”.

Độc giả Anh Tien thấy công tác cán bộ đang “báo động”, còn độc giả Anh Quang chỉ ra thực tế đang hiện hữu khắp nơi này khiến những người học hành giỏi giang về “chỉ biết đứng nhìn vào cơ quan chính quyền mà khóc” vì ở đó không trọng dụng người có năng lực. “Họ cần người họ hàng, thân thích để ‘dễ bảo’ hơn”, độc giả này viết.

Hậu quả của việc này, như độc giả  Duy Ki Ban chỉ ra là “quê cứ nghèo mãi”, và “bao giờ VN có dân chủ và công bằng như các khẩu hiệu”, theo độc giả Trần Cung. Đối với độc giả DTuan thì đây là nguyên nhân khiến “việc đấu tranh, phê bình, chống quan liêu, tham nhũng của Đảng và nhà nước chẳng đạt được nhiều kết quả”.

Độc giả Chung Nhận cho rằng “đây là chứng minh cho việc đúng quy trình lạm quyền mà Đảng không kiểm soát được, những người có trách nhiệm cứ cố níu giữ cơ chế để hưởng lợi”. “Nhưng nhân dân được gì, đảng viên được gì. Đại hội Đảng lần thứ 12 có bàn khắc phục việc này không?”, độc giả đặt câu hỏi.

Chia sẻ băn khoăn này, độc giả Trần Văn Hoàng phản hồi: “Không biết trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc có đề cập đến chuyện này không? Nếu không loại bỏ được ‘chế độ hậu duệ” này thì đừng hy vọng sự công bằng, dân chủ…”.

Có năng lực thì không sợ

Tuy nhiên, cũng có người đặt vấn đề từ góc nhìn khác. Độc giả Hùng Dũng viết: “Có năng lực trình độ và công tâm thì không sợ, việc ấy trên thế giới các nước tiên tiến cũng làm, như ở Mỹ, Nhật… Bố làm thủ tướng, tổng thống, con sau này cũng làm tổng thống, thủ tướng”.

“Nhưng ở họ công khai, minh bạch nên không vấn đề gì”, độc giả trao đổi thêm.

Độc giả Trần Ngũ có ý kiến tương đồng khi đề nghị “thôi thì họ mạc cũng được nhưng nên thanh kiểm tra nghiêm túc xem các vị này có thực sự đủ tiêu chẩn không?”

Độc giả Hoang Van Tien thậm chí chỉ ra “luật chơi”: Nếu họ làm tốt công việc thì không sao. Nếu làm sai thì cả họ rủ nhau đi tù.

Do đó, giải pháp vẫn nằm ở việc thực hiện các quy định của pháp luật. Độc giả Hung phân tích: “Đây là lỗ hổng rất lớn trong luật Công chức, Viên chức. Không chỉ ở huyện này mà còn rất nhiều nơi mang tính ‘gia đình trị’, lý do rất đơn giản là luật không cấm”.

“Cần có quy định rõ ràng, trong một đơn vị, người đứng đầu không được có người ít nhất là ba đời thân thích làm cùng, kể cả bên nội và bên ngoại”, độc giả viết.

Độc giả Dũng Phan hưởng ứng, chỉ ra “từ thời nhà Nguyễn, luật đã không cho phép quan đứng đầu địa phương là người của địa phương”. “Ta có cần học lại ông cha không?”, độc giả này nêu quan điểm.

Chung Hoàng (tổng hợp)/ VNN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP