Chương trình nhằm tạo không gian để các bố mẹ tương tác và chia sẻ cùng nhau và cùng với chuyên gia về các vấn đề thường gặp khi dạy con về chủ đề giới tính và phòng tránh xâm hại tình dục. Tham gia chương trình có Đại diện tổ chức phi chính phủ Fontana, MSD, chuyên gia về trẻ em và các bậc phụ huynh.
60% số trẻ bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm
Theo Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Tuy nhiên, những con số được nêu ra này có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm - bởi vì trên thực tế, hầu hết những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý chỉ khi đã chạm ngưỡng hình sự.
Thống kê trên cũng cho thấy rằng trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao với 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Ước tính, khoảng 68,4% số trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững chia sẻ: “Trong 2 năm trở lại đây, với sự vào cuộc của báo chí truyền thông và các cơ quan chức năng, chúng ta đã thảo luận rất nhiều đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, các gia đình đã quan tâm nhiều hơn tới vấn đề này. Tuy nhiên, chủ yếu nhận thức đã có, nhưng thực hành của cha mẹ về vấn đề này, đặc biệt là vấn đề giáo dục và đồng hành cùng con là chuyện “tưởng dễ mà không dễ chút nào”.
Nhiều phụ huynh tâm sự không biết bắt đầu từ đâu và thế nào để nói với con về những vấn đề tình dục “nhạy cảm”, chứ chưa nói đến việc thực hành, giả định tình huống để hướng dẫn con cách xử lý. Chiến dịch truyền thông xã hội "Đồng hành bảo vệ con khỏi xâm hại tình dục" với chủ đề “Con an toàn, bố mẹ ở ngay đây!” do MSD và NGO Fontana phối hợp thực hiện nhằm truyền thông nâng cao nhận thức, vừa thử thách và hướng dẫn cha mẹ và cộng đồng trong phương pháp giáo dục con, đồng hành cùng con hàng ngày.
Hy vọng, qua chiến dịch này, với các phương pháp sáng tạo, phù hợp, thân thiện với trẻ em được các chuyên gia và được chính các kinh nghiệm của cha mẹ đưa ra, các phụ huynh sẽ tìm được giải pháp để bắt đầu “câu chuyện” với con cái của chúng ta, đảm bảo con được an toàn và cha mẹ là chỗ dựa vững vàng của con”.
Các chuyên gia nhận định, rất nhiều bậc phụ huynh vẫn ngại ngùng khi nói chuyện với con về giới tính và phòng tránh xâm hại tình dục. |
Tại buổi nói chuyện, các bố mẹ có cơ hội tham gia vào các tình huống tương tác để xử lý các tình huống thường gặp với các con khi nói về những vấn đề liên quan đến giới tính và phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em; tiếp cận với các tài liệu cung cấp kiến thức cơ bản về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em do MSD biên soạn và thảo luận về các phương pháp dạy trẻ để phòng tránh xâm hại tình dục ở những độ tuổi khác nhau...
Đa phần phụ huynh tham dự đều chưa tìm được cách phù hợp trong cách dạy con về các chủ đề vốn vẫn được xem là nhạy cảm này nên sẽ thường có cách trả lời giữa chừng hoặc bỏ qua các câu hỏi của con như "con được sinh ra qua đường nào?", "sao con trai và con gái lại khác nhau ở chỗ đó?", "sao ngực mẹ to hơn bố?", "sao con không nên ngồi lên đùi khách đến chơi nhà?" , v.v.
Để dạy con về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, bố mẹ cũng cần học cùng con
Nói về những lý do khiến bố mẹ vẫn có tâm lý ngại ngùng khi chia sẻ với các con về chủ đề giới tính hay phòng tránh xâm hại tình dục, bà Lê Thị Khánh Vân - chuyên gia về trẻ em nhấn mạnh: “Bản thân các phụ huynh vẫn chưa được dạy một cách hệ thống và khoa học về những nội dung này nên chưa có phương pháp dạy con một cách phù hợp.
Bên cạnh đó, các phụ huynh thường có tâm lý e ngại, tránh nhắc đến những chủ đề nhạy cảm trước mặt con trẻ cho đến khi con đến tuổi dậy thì. Nhưng đến lúc đó thì cũng đã quá muộn bởi kẻ xâm hại tình dục trẻ em có thể là bất kỳ ai và không ai lường trước được thời gian và thời điểm xảy ra”.
Bố mẹ cần học để hiểu hơn về tâm sinh lý của con trẻ ở những độ tuổi khác nhau. Thông qua đó bố mẹ sẽ tìm được cách phù hợp để giao tiếp, chia sẻ với trẻ và quan trọng hơn là có thể làm bạn với con và đồng hành cùng con giải quyết các vấn đề mà con gặp phải.
Bố mẹ cần học cũng để lấp đầy những “lỗ hổng” kiến thức về giáo dục giới tính và phòng tránh xâm hại tình dục. Và đây là một quá trình dài, liên tục và cần nỗ lực của bố mẹ.
Bên cạnh tài liệu, sách liên quan đến chủ đề, việc học trực tiếp từ kinh nghiệm của nhau ở các buổi nói chuyện, câu lạc bộ cha mẹ hay từ chuyên gia cũng sẽ hỗ trợ các bố mẹ trong việc tìm kiếm phương pháp dạy con để phòng tránh xâm hại tình dục.
Tác giả: Lệ Thu
Nguồn tin: Báo Dân trí