Trong nước

Hà Tĩnh: Bị ‘truy’ về nạn ‘loạn’ khai thác khoáng sản lậu, GĐ Sở TN&MT Võ Tá Đinh ‘vòng vo’ không thuyết phục

“Tình hình vẫn rất tình hình, nguyên nhân vẫn chưa rõ, trách nhiệm chưa rõ…chất lượng quy hoạch không đảm bảo”, đó là những lời nhận xét không hài lòng của bà Nguyễn Thị Nữ Y, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND), chủ tọa kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI đối với phần trả lời chất vấn của ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh vào sáng 12.12.

Theo đó, cùng với các ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH,  ông Nguyễn Phi Quang – Giám đốc Sở Nội vụ thì ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT cũng đã “đăng đàn” trả lời chất vấn vào sáng 12.12.

Cấp mỏ đá theo nhu cầu doanh nghiệp

Phần chất vấn và trả lời chất vấn của ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT xoay quanh một số vấn đề nóng, đặc biệt nhất là việc xử lý dứt điểm nạn khai thác tài nguyên trái phép. Nhiều câu hỏi đi vào trọng tâm của vấn đề, xoáy sâu vào các nguyên nhân và trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng trên kéo dài năm này qua năm khác đã được các vị đại biểu “quây” hỏi vị giám đốc Sở này. Hầu hết các câu trả lời theo nhiều đại biểu là chưa thỏa đáng.

Hàng chục mỏ đá ở huyện Kỳ Anh đang “ngắc ngoải” chờ chết do ế hàng và các chính sách. Giải thích về việc cấp hơn 60 mỏ đá tại địa bàn một huyện, ông Võ Tá Đinh cho rằng đó là theo nhu cầu của doanh nghiệp, họ xin thì chúng tôi cấp.(Ảnh: Đặng Sơn)

 Trong phần báo cáo, ông Võ Tá Đinh cho biết: thực hiện tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, trong 2 năm gần đây, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 195 vụ việc, xử phạt với số tiền 1,36 tỷ đồng…việc dẫn đến tình trạng khai thác tài nguyên trái phép là do nguồn vật liệu xây dựng, nhất là cát được cấp phép khai thác quá ít, không đáp ứng được nhu cầu thực tế; việc kinh doanh khoáng sản trái phép có lợi nhuận cao; tình trạng khai thác diễn ra vào ban đêm nên khó khăn trong kiểm tra, xử lý; một số địa phương còn buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết trong việc ngăn chặn, thậm chí có dấu hiệu dung túng, bao che; công tác phối hợp, kiểm tra phát hiện, xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép giữa các sở ngành, địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, xử phạt chưa đủ sức răn đe…

Trong phần chất vấn, các đại biểu đều quan tâm đến vấn đề quy hoạch các mỏ đất, cát sỏi và mỏ đá không tốt, không sát và không lường trước được nhu cầu thực tế. Trong đó đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu rất quan tâm đến vấn đề quy hoạch và cấp phép các mỏ đá tại huyện Kỳ Anh (nay là Thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh), rất nhiều các doanh nghiệp được cấp mỏ đá, nhưng hiện lượng tiêu thụ rất hạn chế, không ít các doanh nghiệp lâm vào tình trạng lao đao và buộc  phải ngừng sản xuất.

Cách đây chưa lâu, báo Tầm Nhìn cũng đã có loạt bài phản ánh về tình trạng “ngoắc ngoải” của hàng loạt mỏ đá trên địa bàn Kỳ Anh. Theo đó, nhiều chủ mỏ cho biết, lúc siêu dự án Fomorsa đi vào khởi công nhiều nhà đầu tư đổ xô vào Kỳ Anh làm đá. Quá nhiều mỏ được cấp trên địa bàn Kỳ Anh nhưng ngược lại thực tế Formosa sử dụng khối lượng ít hơn so với nguồn cung rất dồi dào. Hơn nữa, sau thời kỳ “cao điểm” sử dụng đá phục vụ cho xây dựng nền móng cho các công trình thì hiện nay nhu cầu của Formosa cũng đã “giảm nhiệt” mạnh, điều này khiến các doanh nghiệp đá đang lâm vào tình trạng lao đao do chênh lệch cung, cầu.

 Trong phần trả lời của mình, ông Võ Tá Đinh cho rằng quy hoạch mỏ, nhất là các mỏ cát sỏi xây dựng, mỏ đất san lấp mặt bằng đã được ngành thực hiện theo quy định.

Riêng vấn để mỏ đá tại Thị xã Kỳ Anh, ông cũng thừa nhận rằng, thời điểm Dự án Formosa vào nhu cầu quá lớn nên đã dẫn đến việc quy hoạch lớn. Khi đó, nhiều doanh nghiệp đổ xô vào xin làm và được cấp phép mà không lường trước được nhu cầu trước sau nên dẫn đến tình trạng tiêu thụ khó khăn hiện này.

Và chính ông Đinh cũng thừa nhận, việc quy hoạch  và cấp phép các mỏ đá là “theo nhu cầu của doanh nghiệp”.

Trước các câu trả lời này, các đại biểu cho rằng chưa thỏa đáng, khâu quy hoạch không đảm bảo chất lượng.

Có ý kiến cho rằng, với tư cách là cơ quan tham mưu của tỉnh về vấn đề này, để dẫn đến tính trạng như trên, trách nhiệm của  Sở TN&MT, mà người đứng đầu là ông Võ Tá Đinh ở đâu? Đáng ra Sở phải có tầm nhìn xa hơn, phải chủ động, tính toán và lường trước được nhu cầu xây dựng trong từng thời điểm để quy hoạch và cấp phép sao cho hợp lý chứ không thể cứ chiều theo nhu cầu của các doanh nghiệp, và như vậy là đã buông lỏng và chưa thực hiện đầy đủ vài trò và trách nhiệm của mình trong vấn đề quản lý. Và hậu quả là ai cũng đã thấy rõ vào thời điểm này.

Phạt dân, sao không phạt “quan”?!

Trước tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn đang diễn ra tràn lan mà chưa có biện pháp xử lý hiệu quả và dứt điểm, đại biểu Bùi Trí Lạc (đoàn đại biểu Đức Thọ) đặt câu hỏi: việc để ra tình trạng khai thác trái phép thì trách nhiệm thuộc về quản lý nhà nước. Hiện nay đã xử phạt thì phải nói phạt được bao nhiêu cán bộ? trong báo cáo không có phần xử lý cấp quản lý nào?

Tình trạng khai thác cát lậu diễn biến phức tạp tại huyện Đức Thọ, Hương Sơn… (Ảnh: Lê Thông)

“Thời gian qua, nhiều người dân vi phạm đã bị xử lý nhưng chưa thấy nhắc tới xử phạt cán bộ hoặc tổ chức có thẩm quyền? Vì sao dân sai thì xử phạt, còn “quan” thì xử lý qua loa?”, vị đại biểu hỏi.

Trả lời vấn đề này, ông Võ Tá Đinh cho biết: Chính quyền cấp xã có dấu hiệu dung túng, bao che. Ngoại trừ huyện Đức Thọ tiến hành xử lý, kiểm điểm khá nghiêm túc thì các địa phương khác chưa có sự chấn chỉnh kịp thời, xử lý mang tính hình thức, chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt, việc xử lý cán bộ sai phạm chưa nghiêm, chỉ mới dừng lại ở hình thức phê bình, kiểm điểm, cảnh cáo…

Không hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Bùi Trí Lạc cho rằng, việc để dân sai thì trách nhiệm phần lớn thuộc về “quan”. Theo ông, thì “quan” ăn lương, phạt nhưng lại vẫn được làm việc, trong khi đó đáng ra phải phạt “quan”, truy trách nhiệm người đứng đầu mới là mấu chốt để giải quyết được tình trạng này. Và nếu mình xử lý nghiêm người để xảy ra sai phạm thì mới có thể quản lý tốt được.

Và ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của đại biểu Bùi Đức Hạnh (đoàn đại biểu Lộc Hà).

“Để xảy ra tình trạng khai thác trái phép thì nhắc nhở 1 lần, 2 lần, sau đó phải rút “ấn triện”…phải truy trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với cá nhân”, ông Hạnh phát biểu.

Rồi ông Hạnh so sánh với việc xử lý xe quá tải trước đây, đích thân ông Võ Kim Cự, chủ tịch UBND tỉnh thời điểm đó phải ra đường, quyết liệt, quyết tâm xử lý thì mới chấm dứt được tình trạng trên.

“Kém”

Nhận xét về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép sau khi nghe các câu trả lời chất vấn của ông Võ Tá Đinh, bà Nguyễn Thị Nữ Y, phó chủ tịch HĐND, chủ tọa kỳ họp lắc đầu: “Tình hình vẫn rất tình hình, nguyên nhân chưa rõ, trách nhiệm chưa rõ, thanh tra nhưng lại chưa xử lý triệt để… chất lượng quy hoạch không đảm bảo chất lượng, không lường trước nhu cầu thực tế, cấp mỏ đá theo nhu cầu của doanh nghiệp”.

Phần trả lời của ông Định bị các đại biểu và cử tri đánh giá là kém thuyết phục nhất. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Riêng đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu bức xúc: đã trả qua 4 kỳ họp Hội đồng nhưng qua cách trả lời của giám đốc Sở TN&MT thì vẫn không thể giải quyết được vấn đề gì.

 “Đây là vấn đề đã được đưa ra chất vấn, bàn bạc ở nhiều kỳ họp nhưng tình hình vẫn không chuyển biến. Và tại kỳ họp này, cách ứng xử vấn đề cũng như thái độ nhìn nhận trách nhiệm của ngành TN&MT như thế là chưa thỏa đáng và tình trạng này sẽ khó mà xử lý đứt điểm, hiệu quả”, ông nói.

Ông Nhiệu cho rằng, trong cuộc họp Hội đồng này là để nói về trách nhiệm của Sở, không phải là nơi nói về trách nhiệm của huyện và xã. “Kém từ quy hoạch, quản lý, xác định trách nhiệm…Sở TN&MT đã tham mưu như thế nào? Cách xử lý như thế này không được…”, ông Nhiệu bức xức trước Hội đồng.

Có thể thấy, từ lâu nay, vấn đề khai thác khoáng sản trái phép luôn là đề tài “nhức nhối”, “nóng” trên các mặt báo; là vấn đề mà người dân, nhất là những người sống ở khu vực có tình trạng trên vô cùng bức xúc, khổ sở khi phải “sống chung với lũ”.

 Tuy nhiên, qua bao nhiêu cuộc họp, qua bao nhiêu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, qua bao nhiêu lời “hứa lên, hứa xuống”  qua các năm của ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT, dường như tình trạng trên vẫn “dậm châm tại chỗ”. Tình trạng trên không hề có dấu hiệu chuyển biến, các giải pháp đã thực hiện vẫn không hiệu quả.

Dù biết rằng đây là một tình trạng khó khăn trong quá trình xử lý, nhưng có thể nói phần lớn là do sự yếu kém trong công tác quản lý, chưa có tầm nhìn xa của lãnh đạo Sở trong nắm bắt và nhìn nhận thực tiễn, chưa quyết liệt trong xử lý trách nhiệm…với những tồn tại “kém” như vậy không ít ý kiến đã đặt câu hỏi “nghi ngờ” về năng lực trong công tác quản lý của vị giám đốc Sở này? Và cũng không khó hiểu khi vì sao phần trả lời chất vấn của ông Võ Tá Đinh lại nhận được sự “đặc biệt quan tâm” của các đại biểu trong cuộc họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh lần này như vậy.

Mai Nguyễn – Hà Vy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP