Chùa Hương Tích thiếu nhiều hạng mục phục vụ du khách
Nhiều hạng mục công trình đang xuống cấp
Toạ lạc tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh - Di tích chùa Hương Tích là điểm du lịch văn hoá tâm linh đã không còn xa lạ với du khách thập phương. Hàng năm ngôi chùa này thu hút hàng chục vạn lượt du khách thập phương đến chiêm bái và lễ phật, nhưng những gì đang diễn ra tại chùa Hương Tích hiện nay thật khiến người ta thất vọng.
Nhiều hạng mục tại Chùa Hương Tích sơ sài, xuống cấp. |
Theo phản ánh Pháp Luật Plus nhận được, tiền ngân sách thu từ các loại phí, lệ phí, tiền công đức…. tại Chùa Hương Tích chưa có chế tài quản lý và sử dụng rõ ràng nên việc tái đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được thực hiện. Chính từ đó, đã dẫn đến những hạng mục công trình xuống cấp mà không được tu sửa.
Khung cảnh nhếch nhác trước của Chùa. |
Theo ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều công trình tại Chùa hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của du khách đến tham quan. Hệ thống nhà vệ sinh, bể chứa, các đường ống dẫn nước sinh hoạt không đảm bảo cho du khách sử dụng.
Cùng với đó vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, rác thải, văn hóa kinh doanh tại các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, các điểm lưu trú vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều người dân cho biết, cứ đến Chùa vào dịp lễ tết là thấy tình trạng “chặt chém” du khách khắp nơi. Xe ôm, thầy cúng hoạt động không có quản lý gây phiền toái cho du khách.
Cột đèn bị bão quật đổ từ nhiều tháng nay nhưng không được tu sửa. |
Để làm rõ hơn vấn đề này, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vỵ - Trưởng ban quản lý khu di tích Chùa Hương Tích. Ông Vỵ cho biết:
“Những cái như phản ánh trên thì không đúng, từ đầu mùa lễ hội này thì chẳng có vấn đề gì cả. Có thể trong lễ hội, những cao điểm đông người bên ban quản lý chưa xử lý kịp, những ngày sau thì đã xử lý luôn. Còn việc rác thải tràn lan thì không có. Năm nay bên ban quản lý sẽ chuyển giao toàn bộ phần dịch vụ cho bên doanh nghiệp. Ban quản lý chỉ quản lý nhà nước tổng thể. Không quản lý vệ sinh môi trường hàng quán nữa mà chuyển sang cho doanh nghiệp..!
Toàn bộ phí, lệ phí thu được thù ban quản lý nộp về ủy ban huyện và sau đó họ tái đầu tư lại bộ máy và chỉnh sửa các hạng mục ở trên chùa. Vì tiền thu được rất ít nên là thời điểm này vẫn chờ nguồn vốn ADB vào để đầu tư các hạng mục hạ tầng khác. Vừa có đoàn khảo sát đến họ trả lời là nguồn vốn ADB thì trong quý 1 2018 thì sẽ triển khai.”
Dù cho rằng hoàn toàn không có những hiện trạng như phản ánh, thì những hình ảnh thực tế mà chúng tôi ghi nhận được lại không giống với những gì vị trưởng ban quan lý này trả lời.
Với hiện trạng thực tế, những hình ảnh xấu xí tại di tích Chùa Hương Tích hiện nay đã làm ảnh hưởng đến toàn cụm du lịch tâm linh Chùa Hương Tích, làm mai một đi giá trị của một ngôi Chùa linh thiêng, đầy tiềm năng về kinh tế và phát triển du lịch.
Bất cập trong công tác quản lý
Di tích - Danh thắng chùa Hương Tích được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 1990. Đến năm 2007, được UBND tỉnh công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh.
Ngày 14/3/2002, UBND huyện Can Lộc đã có quyết định thành lập Ban quản lý khu di tích chùa Hương Tích theo Quyết định số 163/QĐ-UBND.
Ngày 13/02/2009, UBND tỉnh thành lập Ban quản lý Khu Du lịch chùa Hương với chức năng nhiệm vụ là quản lý giữ gìn và phát huy giá trị di sảnvăn hóa chùa hương Tích theo Quyết định số 376/QĐ-UBND.
Chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh uy nghiêm cổ kính. |
Mặc dù là chức năng, nhiệm vụ là quản lý giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa chùa Hương Tích nhưng từ khi được thành lập cho đến nay, việc hoạt động của Ban quản lý với mô hình tổ chức quản lý bảo vệ di tích gắn với thu phí, lệ phí và ghi nhận công đức để trùng tu tôn tạo di sản… lại chưa thực sự hiệu quả, chưa khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế mà các di sản tại quần thể chùa Hương Tích mang lại.
Theo nhiều số liệu thống kê cho thấy, từ sau khi Công trình Cáp treo được đưa vào vận hành từ tháng 11/2011 số lượng du khách trẩy hội tăng nhanh thì càng thấy rõ sự yếu kém trong công tác quản lý của Ban quản lý di tích chùa Hương Tích.
Bên cạnh đó, ngoài Ban quản lý thì chính mối liên hệ giữa các cấp chính quyền có liên quan, nhà chùa cũng chưa thống nhất được cách quản lý chung, cách phân quyền chưa rõ ràng.
Theo tìm hiểu được biết, từ năm 2013 đến nay, mọi công trình trong chùa Hương Tích đều chờ đầu tư từ nguồn vốn ADB. Trong khi đó công tác chuẩn bị chuyển đổi để giải ngân nguồn ADB lại diễn ra quá chậm, kéo dài khiến việc xây dựng, trùng tu di tích tại chùa Hương Tích lại càng trở nên trì trệ. Doanh nghiệp đầu tư đã nhiều lần gửi kiến nghị đề xuất đến Ban quản lý, các ban ngành liên quan về các vấn đề còn tồn tại để giải quyết, tuy nhiên lại không nhận được phản hồi rõ ràng, tích cực.
Có thể thấy, với thực trạng hiện nay thì vấn đề cấp thiết cần làm là các cơ quan chính quyền liên quan, cũng như Ban quản lý khu di tích chùa Hương Tích cần có sự thay đổi, khắc phục để lấy lại hình ảnh của một ngôi chùa linh thiêng, xứng đáng với xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia.
Tác giả: Diệp Châu - Phú Đô
Nguồn tin: Báo Pháp luật Plus