Địa Chí Hà Tĩnh

Bài 2: Những linh hồn “mắc kẹt” dưới lòng hồ Kẻ Gỗ

Mùa hè năm nay do điều kiện thời tiết mưa nhiều, mực nước lòng hồ Kẻ Gỗ  giảm không đáng kể nên việc cất bốc không thể thực hiện được. Tuy vậy, một số người dân làm nghề đánh cá trong lòng hồ đã phát hiện được thêm một số ngôi mộ ở khu vực khe Veng. Ông Nguyễn Phi Danh – cán bộ Ban QLKBTTN Kẻ Gỗ, người có nhiều năm gắn bó tại trạm số Một (rào Trường), đồng thời là con em địa phương khẳng định: Dưới khe Veng đoạn Km 8 mặc dù đã có nhiều ngôi mộ được cất bốc, nhưng còn có nguyên cả nghĩa trang liệt sĩ mà không thể xác định được danh tín, vì bia mộ chủ yếu bằng gỗ đã bị biến dạng.

Công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ ra đời ngay sau khi chiến tranh chống Mỹ vừa kết thúc, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong công cuộc tái thiết đất nước. Vậy nhưng, vô hình chung lòng hồ mênh mông lại dìm xuống bao phần mộ liệt sỹ hy sinh ở đây trong thời kỳ chống Mỹ, khiến cho việc tìm kiếm cất bốc càng thêm khó khăn.

 >>  Bản tráng ca bất tử giữa đại ngàn Kẻ Gỗ


Gần bốn mươi năm trôi qua, với những ai đã từng chứng kiến cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử dân tộc diễn ra tại vùng đại ngàn Kẻ Gỗ, một địa chỉ đỏ ở Trường Sơn nằm ngay giữa hai tuyến huyết mạch  quan trọng nhất thời bấy giờ gồm Quốc lộ 21A và  Quốc lộ 22A với sân bay quân sự Ly Bi và hệ thống các kho hậu cần lớn… sẽ không khỏi ngậm ngùi trước cảnh tượng đìu hiu, hoang lạnh khi mà nơi khói hương thờ cúng ở đây chưa thể xứng một chút so với sự hy sinh mất mát quá lớn của quân dân ta. Họ cần có một sự quan tâm đúng mực.Lời thỉnh cầu đó càng thống thiết hơn bao giờ hết, bởi công việc tìm kiếm, cất bốc các hài cốt liệt sỹ nằm lại nơi đây ngày càng trở nên khó khăn. Dưới lòng hồ Kẻ Gỗ và cả một vùng rừng núi rộng lớn bao quanh là cả một “tọa độ chết” trong chiến tranh vẫn còn rải rác vô số những nấm mồ liệt sỹ, thậm chí có cả những nghĩa trang dã chiến. Cho tới nay, khi những ngày hè mực nước lòng hồ Kẻ Gỗ cạn, chúng ta dễ dàng nhìn thấy chi chít hố bom, chi chít hệ thống giao thông hào, những hầm pháo, bếp Hoàng Cầm và khu lán trại của bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến, công nhân quốc phòng cùng với những nấm mộ đang bị phong hóa trước thời gian…


Khu vực cửa Rào Veng còn có rất nhiều nấm mồ liệt sỹ bị chìm dưới nước hồ kẻ Gỗ.
Nhiều người dân, cán bộ bảo vệ rừng trong khu vực này thường ngày vẫn phát hiện thấy những hiện tượng tâm linh rất khó có thể giải thích, nhưng có một điều rất lạ là những hiện tượng ấy rất ứng với những sự trùng lặp ngẫu nhiên trong đời sống sinh hoạt của họ, nên càng cuốn họ vào những cuộc tìm kiếm các nấm mồ và khói hương một cách tự phát nhưng rất chu đáo.Không thể phủ nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương, Ban chỉ huy quân sự huyện Cẩm Xuyên, đặc biệt là lực lượng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Trạm Kiểm lâm Kẻ Gỗ và người dân trong vùng. Tính từ năm 1997, năm bắt đầu tiến hành công việc tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ khu vực lòng hồ Kẽ Gỗ tới nay, đội quy tập hài cốt liệt sĩ huyện Cẩm Xuyên đã cất bốc được 103 ngôi, quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cẩm Xuyên. Riêng mùa hè năm 2013 vừa qua, phóng viên đã cùng tham gia chuyến cất bốc các hài cốt liệt sỹ tại thượng ngàn Kẻ Gỗ trong thời gian 4 ngày, đã tận mắt chứng kiến 7 phần mộ liệt sĩ được cất bốc rất thiêng liêng.

Ban chỉ huy quân sự huyện Cẩm Xuyên cùng chính quyền địa phương và Ban QLKBTTN Kẻ Gỗ cất bốc hài cốt liệt sĩ khu vực lòng hồ Kẽ Gỗ.
Nói đến sự tàn khốc trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ diễn ra tại nơi này, chỉ cần nhắc lại sự kiện ngày 2/9/1969, mặc dù có lệnh ngừng bắn nhưng giặc Mỹ vẫn huy động một lực lượng máy bay phản lực hùng hậu trút bom vào trận địa pháo cao xạ Trung đoàn Thép thủ đô làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Ly Bi khiến 34 chiến sĩ hy sinh tại chỗ và 18 chiến sĩ khác bị thương nặng. Ngày 7/01/1973, chúng huy động hàng loạt máy bay B52 rải thảm bom xuống khu vực này khiến cho hơn 400 chiến sĩ đồng bào ta bị thương vong, trong đó có nhiều người mất cả xác không thể tìm kiếm được.Phải nhìn nhận một cách hết sức công bằng thì trong thời kỳ chống Mỹ, mất mát của quân dân ta ở đây là quá lớn, nhưng cả một giai đoạn dài ta không dám nhìn vào thực tế đó. Theo ghi nhận của những người trong cuộc thì giai đoạn ấy tại đây có các đơn vị đóng quân gồm: Trung đoàn Thép thủ đô, Trung đoàn tên lửa (Bộ tư lệnh PKKQ), Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân (QK 4), Tiểu đoàn 8 (Bộ CHQS Hà Tĩnh), Tổng đội TNXP 353 và 355 chủ yếu TNXP Hà Tĩnh, Nam Hà, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa; Công nhân quốc phòng, Xí nghiệp gạch ngói Cẩm Thành, công nhân Ty Kiến trúc Hà Tĩnh, Lâm trường Cẩm Xuyên, dân quân tự vệ…

Ông Dương Danh Trành (75 tuổi) ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên nguyên là công nhân Xí nghiệp gạch Cẩm Thành tham gia xây dựng công trình 723 sân bay Ly Bi, thuộc đơn vị 1610 Bộ tư lệnh Công binh bị thương đúng vào ngày 7/1/1973 cho biết: Đơn vị của ông có 32 người, hôm đó có ba đồng chí đi công tác đột xuất, số còn lại bị chết tại chỗ 21 người, còn lại đều bị thương nặng.


Giấy chứng thương của ông Dương Danh Trành
Còn bà Nguyễn Thị Đàn (72 tuổi) ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên cùng đơn vị ông Trành bị cụt mất một tay nói: “Đơn vị có 16 chị em phụ nữ ăn ở cùng nhau trong hai lán sát nhau thì chết mất 11 người mà hầu hết chưa có gia đình,  thậm chí có nhiều chị chưa được ai ngỏ lời yêu”.Như thường lệ, nhân ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ hàng năm, vào những ngày mùa hè như thế đội công tác đặc biệt của huyện Cẩm Xuyên thường tiến hành cất bốc các ngôi mộ liệt sĩ đã được xác định, nhưng năm nay nước lòng hồ vẫn duy trì ở mức tương đối cao nên công việc tạm hoãn, tập thể cán bộ công nhân viên Ban QLKBTTN Kẻ Gỗ và nhiều người dân vẫn thường xuyên tập trung ở  miếu thờ Ly Bi phát quang thu dọn vệ sinh khu vực xung quanh và quét dọn, lau chùi bàn thờ chuẩn bị cho dịp lễ 27/7.

Dẫu sao, khi đã tới đây không ai có thể thoát khỏi tâm trạng buồn phảng phất trước không gian tĩnh mịch của ngôi miếu thờ nhỏ bé tọa lạc bên cửa rào Ly Bi trầm mặc! Ngôi miếu là nơi thờ cúng vong hồn các liệt sĩ từng hơn một phần ba thế kỷ và có thể sẽ mãi mãi đang nằm lẫn khuất dưới những tán cây rừng, dưới mặt nước lòng hồ, hay giữa những ngọn cù lao quanh năm đơn lạnh… được tập thể cán bộ công nhân Ban QLKBTTN Kẽ Gỗ quyên góp và phát động quyên góp từ những tấm lòng thiện nguyện khắp nơi xây nên, để cầu nguyện cho các linh hồn được siêu thoát.

Chúng ta đang cần một tượng đài chiến thắng, một ngôi miếu thờ để ghi công và nguyện cầu cho các liệt sĩ. Sự  hy sinh mất mát và chiến công của quân dân ta ở đây có thể lớn hơn bất cứ một địa danh lịch sử chiến tranh chống Mỹ nào trên đất nước Việt Nam, nhưng chúng ta không coi đó làm một phép tính so sánh nào. Vậy mà lẽ nào vào những ngày này, chính những người từng chứng kiến cuộc chiến đó đến với Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Đường Chín… dâng hương mà không khỏi chạnh lòng xa xót trước hình ảnh mất mát của bao đồng đội, đồng bào nơi chốn đại ngàn Kẻ Gỗ này?

Có lẽ những linh hồn liệt sỹ đã ngã xuống nơi này cũng không bao giờ so sánh sự hy sinh của họ với bất cứ một sự hy sinh nào của đồng chí, đồng bào ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Điều mà chúng ta cần nhất lúc này là phải khôi phục lại những diễn biến lịch sử dù bi thương tới đâu, trong đó có các hồ sơ tài liệu, các hiện vật và bằng nhân chứng lịch sử… Nếu không, rồi đây thế hệ của những người từng trong cuộc sẽ nối nhau qua đời, thì mọi thứ rất dễ chìm vào lãng quyên.


Miếu thờ các anh hùng liệt sỹ tại vùng lòng hồ Kẻ Gỗ
Ngày 11/3/2014 Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã ban hành Công văn số 1153-CV/TU gửi Bộ quốc phòng về việc đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến sân bay Ly Bi ( Hà Tĩnh). Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các cơ quan tham mưu Bộ tư lệnh QK4 sưu tầm các tài liệu liên quan, để xây dựng Đài tưởng niệm tri ân cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đã hy sinh vì nền độc lập tự do của tổ quốc tại Kẻ Gỗ.Đến Kẻ Gỗ vào dịp này chúng ta có thể du thuyền vào tận thượng nguồn với chiều sâu hàng chục ki lô mét, tha hồ ngắm cảnh đẹp thiên nhiên hết sức kì vỹ nhưng cũng vô cùng kỳ bí.

Bao nhiêu câu chuyện về một thời khói lửa đạn bom, bao nhiêu câu chuyện liên quan đến suốt cả một thời như thế cho tới tận bây giờ, dường như cứ văng vẳng đâu đó giữa chốn đại ngàn và sông nước mênh mông càng khiến cho lòng ta thêm bùi ngùi.

(Còn tiếp)

Nguyễn Ngọc Vượng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP