Mắt cá ngừ đại dương, đặc sản trứ danh ở Phú Yên
Cá ngừ là nguồn thực phẩm vô cùng bổ dưỡng và được chế biến ra nhiều món ăn phong phú. Đối với các loại cá nhỏ thì phần mắt cá trông cũng bình thường và không có gì đáng sợ nhưng với cá ngừ đại dương nặng 40 - 50kg hoặc hơn thì phần mắt khá to, thường nặng khoảng 100 - 200gr.
Mắt cá ngừ đại dương – món ăn thử thách lòng can đảm của thực khách. |
Tại Việt Nam, mắt cá ngừ còn được xem là một món ăn “độc quyền” của Phú Yên mà du khách nào đến đây cũng mong một lần được thưởng thức. Nếu như người Nhật thưởng thức món ăn độc, lạ này bằng cách đun sôi mắt cá trong nước có sẵn gia vị như đường, nước tương, một ít rượu sake hay biến tấu với món chiên, hầm, luộc thì người dân Hàn Quốc lại có cách ăn khá đặc biệt là ăn mắt cá ngừ sống, tức là không qua chế biến.
Mắt cá ngừ được xem như đặc sản độc nhất vô nhị ở Phú Yên |
Tuy nhiên, họ không ăn cả con mắt mà chỉ tận dụng phần sụn mềm tinh túy bên trong. Họ lấy phần sụn trắng bên trong rồi băm nhuyễn và cho vào cốc nhỏ và thưởng thức.
Tại Việt Nam, đầu bếp Phú Yên lại chế biến theo cách rất riêng là lấy mắt cá cho vào một hũ đất nung nhỏ, thêm vào rau củ, gia vị và một số loại thuốc bắc như táo tàu, kỷ tử... và đặt hũ đất này lên bếp lửa nấu chín.
Tùy vào mắt cá ngừ to hay nhỏ mà một hũ có thể đựng 1 hoặc 2 mắt để phục vụ thực khách.
Ngoài ra, mắt cá ngừ còn được cho vào một cái thố cùng thuốc bắc, gia vị, hành tỏi, ớt... để làm nóng, giúp món ăn thơm ngon và tăng vị đậm đà hơn, ngon miệng đỡ ngấy.
Thắng cố - món ăn trứ danh của ẩm thực Tây Bắc
Thắng cố là món ăn đặc sản có tuổi đời 200 năm, trước đây nó được xem là món ăn truyền thống của riêng người dân tộc H’Mông về sau được du nhập sang các dân tộc khác như: Kinh, Dao, Tày… Nếu như người Hà Nội tự hào với món phở, người Sài Gòn có cơm tấm thì nói không ngoa, thắng cố chính là món ăn đại diện cho ẩm thực vùng cao Tây Bắc.
Món thắng cố là món ăn nổi tiếng ở vùng cao Tây Bắc |
Để chế biến được món thắng cố, các đầu bếp bản địa phải sử dụng rất nhiều loại gia vị đặc biệt của vùng cao. Cách chế biến cũng khác nhau tùy từng vùng. Như vùng Bắc Hà sẽ sử dụng nhiều gia vị, còn vùng Si Ma Cai lại dùng ít gia vị hơn. Vì vậy hương vị thắng cố của từng vùng cũng khác nhau.
Để nấu được một nồi thắng cố truyền thống cần đến 12 loại gia vị khác nhau bao gồm: thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng, và nhiều loại gia vị đặc biệt khác của dân tộc vùng cao. Trong đó, cây thắng cố chính là loại gia vị cuối cùng.
Những nồi thắng cố ở các phiên chợ vùng cao thường rất lớn, đủ cho vài chục người ăn. |
Thịt và nội tạng con vật được rửa sạch, luộc chín, ướp trước với các loại gia vị, sau đó thả vào nồi nước dùng có xương ngựa, nội tạng, tiết và 12 loại gia vị kể trên đã được đun sôi, rồi cứ thế ninh nhừ hàng tiếng đồng hồ cho ngấm đẫm gia vị. Khi ăn, người thưởng thức có thể thêm một chút ớt, tiêu hoặc muối.
Đối với du khách thập phương thưởng thức món ăn này là một trải nghiệm thú vị. Vị ngọt mềm như tan chảy trong miệng của thịt ngựa, vị bùi béo của lòng và hương vị thơm nồng của các loại gia vị hòa quyện với nhau mang đến mùi vị rất đặc trưng mà không món ăn nào có được. Bạn có thể dùng thêm thắng cố với rượu ngô, cơm xôi hoặc ăn cùng với các loại bánh vùng cao cũng khá lạ miệng.
Thịt chuột đồng, món ăn đặc sản gây “nghiền” ở các vùng quê
Tại các tỉnh miền Tây, chuột đồng là món lai rai không thể thiếu bên những bàn nhậu, nhất là vào những ngày vụ mùa, khi những con chuột béo núc và chắc thịt nhất. Giá cho một đĩa thịt chuột đồng ở ngoài quán cũng không hề rẻ, khoảng 70.000 – 80.000 đồng, thế nhưng vẫn thu hút được khá nhiều thực khách.
Ở nhiều vùng quê, vào mùa săn chuột đồng các hàng quán bán loại đặc sản này luôn tấp nập khách mua hàng |
Trong khi đó tại nhiều vùng quê ven Hà Nội, thịt chuột cũng được xem là món ăn khoái khẩu, đặc sản “đắt như tôm tươi”. Ở đây, thịt chuột không chỉ dùng để cải thiện bữa cơm hàng ngày, tiếp khách quý mà còn được xếp vào thực đơn của các đám cưới. Đặc biệt, ở 2 xã Canh Nậu, Dị Nậu của huyện Thạch Thất, người ta cho rằng: cỗ mà thiếu thịt chuột thì không thể gọi là cỗ sang. Tại hai xã này, có thời điểm, thịt chuột lên tới hơn trăm nghìn/kg (thông thường cũng phải từ 80.000 – 100.000 đồng) nên không phải cứ muốn là có thể ăn được. Vào mùa săn chuột đồng từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, tại các khu chợ quê, các gian hàng bán thịt chuột luôn tấp nập khách đến mùa hàng.
Thịt chuột đồng có vị béo, ngọt thơm ngon, vị thịt dai mềm và có hương vị đặc trưng khó lẫn. |
Ngoài các món nướng, chuột đồng còn mê hoặc thực khách bằng hàng chục cách chế biến khác nhau như: hấp lá chanh, áp chảo, rang muối… Thịt chuột đồng có vị béo, ngọt thơm ngon, vị thịt dai mềm và có hương vị đặc trưng khó lẫn. Tuy nhiên, không phải thực khách nào cũng can đảm dám nếm thử các món ăn chế biến từ chuột.
Chả rươi – món ăn trứ danh ở Hải Dương
Sau khi thu hoạch, những mẻ rươi tươi rói được bán lại cho các nhà hàng đặc sản hay khu chợ lớn. Vẻ ngoài xấu xí là vậy, nhưng người ta có thể chế biến rươi thành nhiều món thơm ngon như rươi om nồi đất, nem rươi, mắm rươi, rươi hấp, thậm chí có nơi còn làm canh rươi. Nhưng trên tất thảy, nổi tiếng nhất vẫn là chả rươi.
Những con rươi béo mập, có màu sắc tươi tự nhiên |
Dù mỗi vùng có cách chế biến riêng, nhưng làm theo kiểu nào vẫn có chung các nguyên liệu chính, từ thịt lợn xay nhuyễn, trứng gà, hành hoa, thìa là, chút ớt tươi và không thể thiếu vỏ quýt hôi. Nghe thì đơn giản, nhưng thiếu đi một nguyên liệu cũng coi như “hỏng” cả món ăn tinh túy.
Rươi tươi sống sau khi được sơ chế sạch, nhặt hết rác, sẽ rụng qua nước sôi tầm 90 độ để “làm lông”. Khi trút nguyên liệu chính vào bát, người nấu bếp sẽ cho cùng thịt lợn xay nhuyễn, trứng gà, hành lá, thìa là kèm gia vị nước mắm rồi đánh nhuyễn. Sẽ không đúng vị chả rươi nếu thiếu đi vỏ quýt. Tuy không cho nhiều nhưng tinh dầu của vỏ quýt tăng thêm hương vị đặc biệt, đồng thời giúp món ăn dễ tiêu hơn.
Chả rươi thành phần có màu vàng tự nhiên |
Khi hỗn hợp đủ dẻo, người ta sẽ đưa lên chảo rán. Thông thường, dùng mỡ nước rán chả sẽ cho thành phẩm thơm ngon hơn. Món rươi thành công khi có phần vỏ ngoài vàng ruộm màu cánh gián, ruột mềm ngọt đậm.
Chả rươi ăn kèm cùng rau mùi, húng thơm, chấm trong nước mắm pha chanh ớt đậm đà, quyện chút ớt cay và hạt tiêu bắc thơm lừng. Vào ngày miền Bắc chuyển lạnh, đĩa chả rươi nằm giữa mâm cơm gia đình, gắn kết mọi thành viên bên bữa cơm sum họp, có lẽ, không hạnh phúc nào vẹn tròn hơn.
Tác giả: Hiệp Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí