Trong nước

2018: BHXH tăng 'sốc', ai được lợi?

Mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2018 sẽ căn cứ vào lương và các khoản phụ cấp cố định của người lao động. Vậy mức đóng tăng như vậy, người lao động được hưởng?

Tăng mức đóng, giảm thu nhập thực tế

Anh Lê Văn Giáp, công nhân công ty sản xuất phụ tùng ô tô cho một DN ở Hà Nội cho biết, nếu từ năm 2018 mức đóng BHXH tính cả các khoản phụ cấp thì anh sẽ phải đóng tăng lên, tiền lương thực lĩnh sẽ giảm xuống.

Anh Giáp cho biết, kể từ 2016, một số khoản phụ cấp của anh đã được tính vào lương để đóng BHXH như phụ cấp thâm niên làm việc, phụ cấp độc hại.

Do vậy, nếu từ đầu năm 2018, một số phụ cấp nữa được cộng vào lương tính đóng BHXH thì mức lương thực lĩnh của anh có thể còn giảm tiếp.

Hiện công ty anh Giáp có khá nhiều khoản phụ cấp như: phụ cấp lái xe cho người lái xe đưa đón, phụ cấp đi lại, hỗ trợ nhà ở, nuôi con nhỏ, phụ cấp ngoại ngữ cho nhân viên phiên dịch và công nhân viên sử dụng ngoại ngữ … Trong số này chưa biết những khoản nào sẽ phải cộng vào lương để đóng BHXH.

Ảnh minh họa

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân cho hay, phụ cấp và các khoản tăng thêm ngoài lương có 2 loại. Một nhóm phụ cấp được chi trả cố định, thường xuyên hàng tháng theo lương sẽ phải tính vào lương để đóng BHXH.

Ngoài ra, khoản không tính vào lương đóng BHXH là các khoản không cố định hàng tháng, không chi trả thường xuyên, như tiền tăng ca, làm thêm giờ, tiền thưởng, các khoản phúc lợi (như tiền tăng ca, ăn trưa, thưởng sáng kiến, thưởng lễ tết, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, nuôi con nhỏ…).

Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), trong thông tư 59 đã hướng dẫn rất rõ: Không phải tất cả các khoản phụ cấp lương cũng như không phải tất cả các khoản bổ sung khác đều làm căn cứ tính đóng từ ngày 1/1/2018.

Thông tin từ ngày 1/1/2018 đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập là chưa chính xác. Thực tế chủ chỉ đóng trên mức lương, một số khoản phụ cấp lương và một số khoản bổ sung khác.

Về những khoản bổ sung và khoản phụ cấp sẽ được tính đóng BHXH từ 1/1/2018, ông Nguyễn Duy Cường nói rõ, chỉ những nhóm phụ cấp lương xác định được cùng mức lương, có tính thường xuyên và ổn định sẽ được tính đóng BHXH. Còn những khoản phụ cấp lương gắn với kết quả làm việc của người lao động và có tính biến động sẽ không tính đóng BHXH.

Tương tự với khoản bổ sung khác, chỉ những khoản được xác định cùng với tiền lương, có tính ổn định thì sẽ được làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội.

Với các khoản bổ sung khác không xác định được ngay với mức lương và phụ thuộc vào kết quả lao động thì không tính đóng BHXH.

Tăng mức đóng, người lao động chỉ có lợi

Việc mở rộng các khoản thu nhập làm cơ sở tính đóng BHXH là một trong những giải pháp nhằm ứng phó với nguy cơ mất cân đối thu - chi Quỹ BHXH (nguy cơ “vỡ” Quỹ).

Ở góc độ chuyên môn, ông Điều Bá Được - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH ( BHXH Việt Nam) khẳng định, với việc tăng mức đóng BHXH, người lao động chỉ có lợi chứ không thiệt hại gì.

Ông Được nêu ví dụ thực tế, nếu lao động nữ có thu nhập 10 triệu đồng/tháng, nhưng chỉ đóng BHXH dựa trên mức 6 triệu đồng, đến khi nghỉ thai sản sẽ mất mỗi tháng 4 triệu đồng do nghỉ thai sản được hưởng 100% tiền lương.

“Lao động đóng bao nhiêu thì được hưởng bấy nhiêu chứ không mất đi đâu cả. Nhất là trong khi quỹ thai sản tất cả DN đóng, người lao động không phải đóng”, ông Được nói.

Ông cũng cho biết thêm, việc điều chỉnh cho mức đóng và mức hưởng tiệm cận với nhau sẽ tạo thu nhập ổn định cho người lao động kể cả sau khi về hưu.

Bởi, nếu mức đóng không tiệm cận với mức hưởng sẽ xảy ra thực tế khi đang đi làm người lao động được hưởng mức lương cao, nhưng khi nghỉ hưu người lao động bị “sốc” do mức hưởng lại rất thấp do mức đóng BHXH thấp.

Tác giả: Vũ Điệp

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP