Nhân ái

Xót xa cảnh người cha nằm liệt, 5 đứa trẻ chỉ mơ một bữa cơm có thịt

Đứa con trai 5 tuổi của chị H'Ngeng khóc nằng nặc vì cơm chỉ có rau rừng, đắng ngắt. Từ ngày chồng chị H'Ngheng bị tai nạn nằm liệt, cả gia đình chỉ mơ bữa cơm có thịt cho các con.

Về đến buônBu Đắk, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, (tỉnh Đắk Nông), hỏi thăm gia đình anh Y Bi Al (SN 1978, dân tộc M'Nông) thì không ai là không biết. Bởi vì người ta đã quen với hình ảnh người đàn ông nằm liệt giường cùng vợ con sống trong căn nhà gỗ hoang tàn, xiêu vẹo.

Anh Y Bi Al nằm liệt giường gần 1 năm sau khi bị tai nạn lao động

Dáng vẻ gầy còm ốm yếu của người cha thập tử nhất sinh cùng với hình ảnh người mẹ ngày ngày chạy vạy kiếm việc làm để có tiền mua gạo cho con ăn, 4-5 đứa trẻ thơ tội nghiệp gầy ốm, nhem nhuốc không biết đọc chữ, không biết đếm số khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Bao trùm căn nhà lụp xụp nằm giữa buôn của người đồng bào dân tộc thiểu số là vẻ u ám, ảm đạm. Tiếng khóc của mấy đứa trẻ không đủ lấp đi khoảng trống bao lâu nay của căn nhà thiếu bàn tay chăm sóc của người bố. Chị H'Ngeng (40 tuổi, vợ anh Y Bi Al), dỗ dành mãi đứa con chưa tròn 1 tuổi đang địu trên lưng mới chịu nín rồi ngủ thiếp đi vì mệt.

Từ ngày chồng gặp tai nạn, mọi gánh nặng đổ đồn lên vai chị H'Ngeng

Bằng chất giọng rền rền, nói chưa rõ tiếng Kinh, chị H'Ngeng ngập ngừng kể, gia đình đông con nên bao năm nay vẫn chưa thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Vì hoàn cảnh khó khăn nên đứa con đầu sinh năm 2002 chỉ được học tới lớp 6 rồi phải nghỉ học.

"Năm ngoái mới đi nghĩa vụ nên đứa thứ 2 nghỉ học, bây giờ đi làm thuê để nuôi cả gia đình", người phụ nữ 40 tuổi kể.

Từ người đàn ông khỏe mạnh, là trụ cột gia đình trở thành người sống thực vật, nằm liệt trên giường bệnh

Biến cố bất ngờ ập đến với gia đình khi anh Y Bi bị tai nạn lao động đầu năm 2020. Từ người đàn ông khỏe mạnh, là trụ cột gia đình trở thành người sống thực vật, nằm liệt trên giường bệnh.

"Trưa đấy, cả nhà đang ăn cơm thì nhận được tin anh ấy bị nạn. Mình vội vàng bế theo đứa con chưa đầy 1 tháng tuổi tất tả chạy vào viện. Họ bảo anh ấy không may trượt chân, ngã vào máy bào nên bị cuốn gãy xương cột sống, toàn bộ phần lưng, tay, chân… Vào nhìn chồng nằm bất tỉnh trên giường bệnh mà mình tưởng anh ấy mất rồi", chị H'Ngeng nhớ lại.

Trong nhà có bao nhiêu tài sản, đều bán hết để chạy chữa cho anh Y Bi Al

Tình trạng của anh Y Bi rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" khi vết thương nhiễm trùng, hoại tử. Trải qua 5- 6 lần phẫu thuật, đi khắp các bệnh viện, người đàn ông 42 tuổi may mắn sống sót nhưng lại vô tình đưa cả gia đình vào "bước đường cùng" phải chạy bữa từng ngày. Mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai người vợ và đứa con trai thứ 2 đang đi làm thuê.

Từ ngày anh Y Bi gặp nạn, nhà có mấy sào cà phê đang kinh doanh đành phải mang bán cho người ta. Đang thời buổi Covid-19, nông sản mất giá nên người ta trả giá thấp. Số tiền bán đất đủ cho chạy chữa cho Y Bi sau 6 lần phẫu thuật nên khi không còn một đồng nào trong túi, gia đình phải đưa anh về nhà nằm từ tháng 10 tới giờ.

Tài sản còn lại là căn nhà gỗ lụp xụp và chiếc ti vi quá cũ

"Bây giờ đưa nó về nhà để tự chăm sóc. Khổ nhất là những chỗ vết thương nhiễm trùng, mưng mủ, cứ 1 tiếng là phải lật người lên để lau chùi không là vết loét cứ lan rộng ra. Bây giờ nó sống như người thực vật, cho ăn cái gì thì ăn cái đấy, đi vệ sinh ngay ra chỗ nằm vì không kiểm soát được", bà H'Ngai, mẹ vợ của anh Y Bi cho biết.

Lặng người đi một lát, chị H'Ngeng kể rằng, bao nhiêu tài sản đều đổ dồn vào chạy chữa cho chồng. Đến ngày đưa chồng trở về nhà nằm, chợt nhìn lại thì tài sản gia đình chẳng còn gì ngoài ngôi nhà cũ nát để chui ra, chui vào cùng khoản nợ lên đến gần trăm triệu đồng.

Đứa nhỏ nhất còn chưa đến 1 tuổi nên phải nhờ người trông coi giúp

"Đứa nhỏ nhất còn chưa đến 1 tuổi nên mùa hái cà phê, phải nhờ bà ngoại sang bế giúp rồi mình đi hái thuê cho người ta. Mỗi ngày kiếm được hơn 100 ngàn đồng, cũng chỉ đủ mua bông băng, thuốc thang cho chồng chứ làm gì đủ tiền mua thịt cá cho con ăn. Ở nhà có sao thì ăn vậy, ngày nào cũng cá khô với đọt mây rừng", chị H'Ngeng nói và chỉ về phía góc tường, nơi bỏ đồ ăn của gia đình.

Cũng vì bữa cơm gia đình nay chủ yếu chỉ còn cơm trắng cá khô, rau rừng nên nhiều bữa, đứa con trai 5 tuổi của chị khóc nằng nặc, bỏ ăn vì không chịu nổi vị đắng của đọt mây. Có hôm cá khô cũng hết, cả nhà chỉ ăn cơm với rau và muối ớt.

Còn đứa trẻ 5 tuổi thì đã quá chán với cá khô, rau rừng nên chỉ đòi mẹ bữa cơm có thịt

Từ ngày bố nằm liệt giường, những đứa trẻ trong nhà tự phải chăm sóc lẫn nhau

"Thương nó lắm nhưng chồng mình cũng không có thịt ăn, làm sao mà mua nổi cho con. Có hôm hàng xóm thấy thương quá, mang sang cho ít thịt hoặc cá tuơi thì nó vui lắm. Bọn trẻ ngày nào cũng ước có thịt mà khổ quá rồi, không có tiền mua thịt cho nó", người phụ nữ nói giọng tủi hờn, đưa mắt nhìn 5 đứa trẻ nheo nhóc, lấm lem mặt mũi.

Theo chính quyền địa phương, hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị H'Ngeng cần sự giúp đỡ của mọi người

Trao đổi về hoàn cảnh gia đình chị H'Ngeng, ông Lê Xuân Đông, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, trước đây khi còn khỏe mạnh, anh Y Bi Al là trụ cột của gia đình. Tai họa ập xuống, từ chỗ khá giả gia đình anh Y Bi Al đã rơi vào cảnh túng quẫn. Thời gian qua, địa phương thường xuyên vận động giúp đỡ anh Y Bi Al về các mặt nhu yếu phẩm, một ít tiền bạc nhưng chủ yếu chỉ là động viên tinh thần.

"Trước hoàn cảnh éo le của gia đình anh Y Bi Al, địa phương mong muốn các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm hãy chung tay giúp đỡ, tạo điều kiện giúp gia đình không thiếu cái ăn, cái mặc và đặc biệt là có "cần câu" để vượt qua khó khăn, nuôi dạy các cháu nhỏ ăn học nên người", ông Đông mong mỏi.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Chị H'Ngeng

Địa chỉ: Buôn Bu Đắk, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông

SĐT: 0388.363.650

Hoặc Đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Trưởng ban Dân vận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông

SĐT: 0975.467.711

Tác giả: Dương Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP