Dự án đầu tư

Vụ việc BOT Bến Thủy: Cần xem xét có không chuyện “sân sau”

Theo GS.TS Đặng Đình Đào, nhiều dự án BOT có thông tin là ‘sân sau’ của các lãnh đạo địa phương. Do đó, vụ việc BOT Bến Thủy cũng nên xem xét đến nội dung này.

Vụ việc Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa phản ứng trước đề xuất của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về việc giảm phí và di dời trạm BOT Bến Thủy khiến dư luận đặc biệt xôn xao trong mấy ngày qua. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân về vấn đề này.

Theo giáo sư (GS), hình thức đầu tư BOT hiện nay của chúng ta đã hợp lý hay chưa, có những tồn tại nào cần phải khắc phục?

Hình thức đầu tư BOT là tốt thật nhưng hiện nay, công tác kiểm soát chưa thật sự chặt chẽ nên bị một số doanh nghiệp đẩy chi phí lên. Các dự án bị đẩy giá lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Lại còn có tình trạng, đường nhà nước đầu tư xây dựng tốn hàng ngàn tỷ, anh xin dự án rồi chỉ làm vỉa hè, trồng thêm vài cái cây, thế là lại dựng thêm một cái trạm BOT. Như vậy thì cuối cùng, tiền cũng chỉ đổ lên đầu dân, lên ngân sách, chỉ có các doanh nghiệp là có lợi. Lợi lớn như thế, ai chẳng ham.

Việc thu phí ở các nơi cũng chưa hợp lý, thiếu khoa học. Tôi đi khảo sát, nghiên cứu ở nhiều nơi, chưa thấy nước nào như ở mình cả. Ví dụ như ở Nhật Bản từ Tokyo đến Kobe, ở Châu Âu thì từ Đức sang Thụy Sỹ,… cứ tầm 50-60km mới có 1 trung tâm logistic (trạm cung ứng dịch vụ – PV) để kết nối tất cả phương tiện để người dân đi lại, lưu thông hàng hóa một cách thuận tiện nhất, giảm chi phí nhất. Trong khi đó thì mình lại làm ngược lại, chưa đầy 50km đã có 1 trạm để thu tiền.

GS.TS Đặng Đình Đào

Vấn đề giảm mức phí, di dời trạm thu phí BOT Bến Thủy mà chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất đang gặp phản ứng ngược chiều của PCT tỉnh Nghệ An là ông Lê Ngọc Hoa, GS đánh giá như thế nào về việc này?

Đường đường là một lãnh đạo tỉnh lại phát biểu như vậy để bảo vệ 1 trạm BOT thì phải xem lại nhiều vấn đề. Hiện nay, nhà nước đang có chủ trương giảm phí, sắp xếp lại các trạm BOT, do đó, chuyện Hà Tĩnh đề nghị giảm phí BOT Bến Thủy là đúng đắn, cần phải di dời khi không hợp lý. Thậm chí, phải dẹp trạm BOT này đi chứ không chỉ di dời, nếu thấy mật độ dựng BOT quá dày.

Đề xuất giảm phí và di dời trạm BOT Bến Thủy bị ông Lê Ngọc Hoa, PCT tỉnh Nghệ An cho là vớ vẩn

Theo tìm hiểu của PV, cuối năm 2015, ông Hoa cũng là người đang có cổ phần trong công ty Cienco 4, vợ ông lại là Phó Chủ tịch HĐQT, đồng thời là một cổ đông lớn với 9.586.870 cổ phần, tương đương tỷ lệ 13,32% tại Cienco 4, GS. nghĩ sao?

Việc vị lãnh đạo tỉnh này có cổ phần trong đó, một điều dễ hiểu là, khi đưa ra quan điểm, đánh giá sẽ rất khó khách quan. Anh có nói là anh không vì lợi ích cá nhân, gia đình thì người ta liệu có tin anh không?

Đây là một vấn đề cũng cần phải làm rõ. Hiện nay, nhiều dự án BOT, đơn vị trúng thầu dính phải nghi án là “sân sau” của các lãnh đạo địa phương, tôi nghĩ không phải không có lý.

Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An, ông Lê Ngọc Hoa

Theo GS, có nên kiểm soát việc lãnh đạo các địa phương, ban ngành có cổ phần trong BOT?

Rõ ràng nên thế. Đã là lãnh đạo thì không thể tham gia kiểu mập mờ, gia đình trị như vậy dễ làm méo mó chính sách, làm méo mó tính minh bạch trong đó.

Qua vụ việc này cũng cần phải xem lại, liệu trong quá trình làm lãnh đạo vừa qua của ông Hoa, có sự dung dưỡng nào với Cienco 4 hay không? Một người đang làm doanh nghiệp, đột nhiên đảm trách chức phó chủ tịch tỉnh không phải đơn giản.

Xin cảm ơn GS!

Đỗ Huệ ( thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP