Giáo dục

Việt Nam có 4 trường Đại học lọt top 350 trường tốt nhất châu Á

4 đại diện Việt Nam xuất hiện trong top 350 trường hàng đầu trong số 12.000 trường Đại học châu Á được tổ chức Quacquarelli Symonds xếp hạng, tương đương với tỉ lệ 3% trường tốt nhất khu vực.

Theo bảng xếp hạng trường Đại học của QS, một trong những bảng xếp hạng có uy tín nhất thế giới của Anh, 4 đại diện đến từ Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách Khoa Hà Nộ và Đại học Cần Thơ.

Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội dẫn đầu các trường ĐH Việt Nam để xếp thứ hạng 139. Đại học Quốc gia TP.HCM cải thiện 5 bậc và vẫn là trường tốt thứ hai tại Việt Nam (tăng từ vị trí 147 lên 142), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (tăng từ nhóm 301-350 lên nhóm 291-300), Trường ĐH Cần Thơ (từ nhóm 251-300 xuống nhóm 301-350)

Ngoài ra, năm 2017, Việt Nam còn có thêm Đại học Huế lọt danh sách xếp hạng của QS, thuộc nhóm 351-400.

Bảng xếp hạng các trường Đại học ở Việt Nam.

Như vậy, hai trường ĐH Quốc gia của Việt Nam đều nằm trong top 150 trường ĐH hàng đầu châu Á theo bảng xếp hạng này.

So với năm ngoái, những trường đại học trên vẫn là đại diện của Việt Nam lọt danh sách tốt nhất khu vực nhưng có sự thay đổi về thứ hạng.

ĐHQG Hà Nội.

ĐHQG TP.HCM

Trong tốp 10 của bảng xếp hạng đại học châu Á năm nay, ngoài hai trường dẫn đầu của Singapore và 1 trường của Hàn Quốc (Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc - KAIST), có 3 trường của Trung Quốc, 4 trường của Hong Kong - Trung Quốc. ĐH Công nghệ Nanyang- Singapore đã lần đầu tiên soán ngôi quán quân của ĐH Quốc gia Singapore. Điều này đang cho thấy Singapore tiếp tục khẳng định là một trong những quốc gia có chất lượng cơ sở đào tạo tốt nhất khu vực.

Tiêu chí xếp hạng của QS tính trên thang điểm 100 và dựa vào một số chỉ số như danh tiếng của trường, danh tiếng của người lao động là sinh viên trường, sinh viên quốc tế, trao đổi trong nước/quốc tế hay số lượng giảng viên/giáo viên có bằng tiến sĩ.

Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, trong 5 năm (2011-2015), mỗi giảng viên châu Á công bố trung bình khoảng 4,5 bài báo trong hệ thống tạp chí Scopus, trong khi đó chỉ số cao nhất của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, mới vào khoảng 0,7 bài (mỗi năm trung bình chỉ được 0,14 bài).

Mặc dù vậy, các trường đại học nhóm đầu của Việt Nam đã có bước tiệm cận được với mặt bằng trung bình của các trường đại học trong bảng xếp hạng này.

Trong đó, chỉ số về tỷ lệ sinh viên trên giảng viên đã gần đạt đến mức trung bình (châu Á: 12,5- ĐH Quốc gia Hà Nội: 14,2); chỉ số trích dẫn trung bình của mỗi bài báo thì Việt Nam đã vượt qua được ngưỡng (châu Á: 5,2 lần/bài báo - ĐH Quốc gia Hà Nội: 5,8 lần).

Đặc biệt, đối với tiêu chí do các nhà khoa học và các nhà tuyển dụng trong nước và quốc tế đánh giá trực tiếp (thực hiện qua hệ thống phiếu khảo sát trực tuyến), hai đại học hàng đầu của Việt Nam đều nhận được mức trung bình của châu Á.

Tác giả: Yến Nguyễn

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP