Kinh tế

Tạm ứng 1.700 tỷ đồng cho nhân viên, công ty của ông Đặng Thành Tâm nói gì?

Đại diện Kinh Bắc cho biết việc tạm ứng cho cán bộ, nhân viên hoàn toàn đúng quy định nhằm phục vụ giao dịch bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân.

Lãnh đạo Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) vừa lên tiếng về khoản chi tạm ứng cho nhân viên lên tới hơn 1.700 tỷ đồng xuất hiện trên báo cáo tài chính quý II vừa qua.

Theo số liệu hợp nhất, tại thời điểm ngày 30/6, số tiền công ty của Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm tạm ứng cho nhân viên là 1.744 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Trong đó, riêng số tiền công ty tạm ứng cho Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thu Hương là hơn 3 tỷ đồng.

Trong văn bản gửi cổ đông, đại diện Kinh Bắc cho biết việc tạm ứng cho cán bộ, nhân viên công ty dựa trên cơ sở quy định của pháp luật và quy chế quản trị nội bộ của tổng công ty. Các giao dịch này nhằm thực hiện các nghiệp vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân tại các địa phương mà Kinh Bắc thực hiện dự án.

Nghiệp vụ này theo Kinh Bắc diễn ra thường xuyên, phục vụ hoạt động của công ty, được thực hiện theo quy định của pháp luật và tuân thủ quy chế của doanh nghiệp.

Song song đó, công ty của ông Đặng Thành Tâm cũng giải thích về khoản lợi nhuận đột biến hơn 1.900 tỷ đồng trong quý II. Cụ thể, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty quý vừa qua chỉ đạt vỏn vẹn 62 tỷ đồng. Tuy nhiên, Kinh Bắc lại hạch toán một khoản "thu nhập khác" lên tới 1.918 tỷ đồng.

(Biểu đồ: Việt Đức).


Trong phần thuyết minh báo cáo tài chính, đây là khoản lãi từ chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của công ty mà Kinh Bắc mua lại so với số tiền giao dịch. Giải thích kỹ hơn cho nhà đầu tư, Kinh Bắc cho biết trong nửa đầu năm nay đã mua thêm 28,5% vốn của Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN) để tăng tỷ lệ sở hữu lên 48%.

Do đó, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng trở thành công ty liên kết của Kinh Bắc. Theo chuẩn mực kế toán hiện hành, phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư và phần sở hữu của nhà đầu tư trong giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được ghi nhận ngay là thu nhập khi xác định phần sở hữu của nhà đầu tư trong kết quả kinh doanh của công ty liên doanh, liên kết phù hợp với kỳ mua khoản đầu tư.

Kinh Bắc cho biết đã căn cứ vào kết quả các báo cáo định giá giá trị doanh nghiệp của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng "từ các tổ chức định giá uy tín". Trên cơ sở thận trọng, Kinh Bắc đã ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất quý II khoản thu nhập từ giao dịch này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Kinh Bắc đạt doanh thu gần 1.100 tỷ đồng, sụt giảm tới 60% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chính nhờ thương vụ mua cổ phần "giá rẻ" nói trên, lợi nhuận sau thuế của Kinh Bắc lên tới 2.457 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ 2021. So với kế hoạch kinh doanh năm nay, công ty mới chỉ hoàn thành hơn 10% chỉ tiêu doanh thu nhưng đã vượt 50% mục tiêu lợi nhuận.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu KBC đang được giao dịch ở vùng giá 37.500 đồng. Vốn hóa doanh nghiệp tương ứng đạt hơn 29.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu KBC sụt giảm 17% giá trị, tương đương mức suy giảm của thị trường chung.

Tác giả: Việt Đức

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP