Giáo dục

Nữ tiến sĩ giành qủa cầu vàng: Từng "mù tiếng Anh", cãi thầy hướng dẫn

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy, giảng viên Khoa công nghệ sinh học và kỹ thuật môi trường, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM từng giành giải thưởng Quả cầu vàng 2017 từng cãi lại thầy hướng dẫn do không đồng ý với đề tài ông đưa ra.

Tôi gặp chị Thủy vào ngày cuối cùng của năm 2017. Chị là một trong 8 tiến sĩ được trao tặng giải thưởng Khoa học và Công nghệ thanh niên Quả cầu vàng do Trung ương Đoàn TNCS-HCM và Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng vào cuối năm. Bên trong vẻ nhỏ con, mảnh khảnh là một ý chí mạnh mẽ.

Hoàn thành 5 năm đại học vào năm 2008, khi Thủy nhận học bổng thạc sĩ quản lý và kỹ thuật môi trường tại Viện Công nghệ châu Á (AIT) ở Thái Lan và làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đài Loan.

TS Nguyễn Thị Thủy, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, một trong 8 tiến sĩ giành giải thưởng Quà cầu vàng năm 2017

Trong nghiên cứu khoa học, chị Thủy có 3 bài báo đăng trên tạp chí ISI và 7 bài (2 bài tác giả chính) đăng tại hội thảo quốc tế, đồng tác giả trong chương sách quốc tế về hệ thống xử lý nước, sử dụng màng ứng dụng trong các tình huống khẩn cấp. Đề tài nghiên cứu “Phát triển hệ thống xử lý nước uống trong các tình huống khẩn cấp" của chị cũng đạt giải thưởng President's choice on AITvideo research competition vào năm 2010.

Chị Thủy kể rằng có được kết quả như ngày hôm nay với không dễ chút nào.

Khi bảo vệ luận án tiến sĩ ở Đài Loan chị Thủy từng cãi lại thầy hướng dẫn, nhất quyết không đồng ý làm theo đề tài ông vạch ra mà đi theo hướng riêng.

“Lúc đó, tôi muốn nghiên cứu một đề tài khác và đã vạch ra trong đầu nhưng thầy lại hướng cho tôi làm một đề tài khác. Tôi không hiểu sao năm thứ 3 rồi mà thầy vẫn cố gắng đổi hướng của tôi. Lúc đầu, tôi cố gắng thuyết phục thầy theo hướng mình nhưng thầy không đồng ý”- chị Thủy kể.

Chị Thủy nói rằng là một nghiên cứu sinh chị rất tôn trọng người hướng dẫn vì họ đều là giáo sư hoặc phó giáo sư. Nhưng sau vài lần mềm mỏng thuyết phục không được chấp nhận, chị đã rất cương quyết.

“Thầy đã rất giận và nói rằng "nếu bạn nghĩ rằng mình làm được thì bạn cứ làm thì làm đi, không cần tôi hỗ trợ". Tôi rất hoang mang và tự làm và nhưng rồi thấy ổn. Tôi được ra trường đúng hạn và đạt được chuẩn đầu ra. Tôi thấy mình rất lỳ”- chị nói.

Dù không nhận được sự hướng dẫn của ông, nhưng ngày tốt nghiệp, chị Thủy đã viết thư xin lỗi. Chị kể rằng, thời gian đấy có những áp lực riêng nên bắt buộc phải ra trường và không theo ý thầy. Sau này chị về Việt Nam và vẫn giữ liên hệ với thầy. Năm mới đến thầy trò đều nhắn tin chúc mừng nhau.

Sau sự việc “cãi lại”, chị rút ra bài học cho riêng mình. “Tôi xin lỗi thực lòng. Vì quá áp lực ra trường đúng hạn và dù đã mềm mỏng thuyết phục nhưng vẫn không đạt được sự hài hòa nên tôi mới phản ứng. Tôi đã gạt bỏ tất cả những bảo thủ, chống đối và có lúc nghĩ rằng mình đi đúng hướng không, có hiệu quả không. Còn nếu bảo thủ vì ý kiến của mình thì phải loại bỏ ngay”- chị nói.

Từng khủng hoảng vì không nói được một câu tiếng Anh

Trước khi đi du học, chị Thủy là sinh viên ngành công nghệ môi trường Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Là “dân” kỹ thuật, chị bảo có thời điểm một câu tiếng Anh cũng không thể nói được.

“Thời điểm đó tôi gần như bỏ hoàn toàn môn tiếng Anh vì không nhận ra được tầm quan trọng của nó. Thuần túy học kỹ thuật nên thậm chí tôi không nói được một câu” - chị kể.

Giành được học bổng du học nhưng chị Thủy luôn bị khủng hoảng vì rơi cảnh “hôm nay lên văn phòng khoa, nhà trường giao ngày nay nộp cái này, ngày kia nộp cái kia nhưng tôi thì không hỉểu họ bảo mình nộp vào thứ mấy. Tôi từng không biết họ dặn mình cái gì để làm nên rất khủng hoảng. Trong khi đó học bổng yêu cầu yêu cầu sau 6 tháng tôi phải trình độ tiếng Anh IELTS 6.0”.

Trước mối đe dọa bị đuổi học, chị Thủy lao vào học tiếng Anh "như điên". Chị học ngày học đêm, lúc ăn, lúc chơi đều tranh thủ cầm theo sổ tay học từ vựng rồi tìm cách trò chuyện với bạn bè quốc tế. Chị Thủy cũng chủ động giao tiếp với người nước ngoài, và chủ động trong mọi cuộc giao tiếp.

“Lúc đó tôi như người cuồng tiếng Anh, cả cuộc đời tôi cứ như chỉ có tiếng Anh vậy” – chị kể lại.

Cuối cùng, sau 6 tháng, từ một người không biết gì tiếng Anh, chị Thủy đã đạt được điểm số mong muốn và dần dần coi ngoại ngữ như công cụ hữu ích.

Chị Thủy bảo bản thân lại quá nghiêm túc nên thịệt thòi nhiều thứ. Là phụ nữ mà không chu toàn được gia đình, giỏi nấu ăn hay shopping như người phụ nữ khác. Bây giờ, có gia đình rồi, chị đều có thể thu xếp để cân đối hài hoà.

“Tôi nghĩ ở một môi trường khắc nghiệt những cố gắng sẽ được ghi nhận. Ngày xưa, học đại học, tôi từng ốm và phải nghỉ học 1 năm. Lúc đó mọi người từng rất lo lắng khuyên tôi không nên đầu tư quá nhiều cho học tập, nhưng tôi lại cố gắng để chứng minh cho mọi người thấy. Tôi đã học một cách chăm chỉ và kiên quyết. Khi giành được học bổng, nhiều người bảo tôi rằng học một mạch thì không có kiến thức thực tế. Tôi nghĩ học một mạch giúp kiến thức được thu nạp nhiều hơn nhưng cũng có lúc phân vân không biết được có được ứng dụng hay không. Vì vậy mà phải cân đối và cố gắng hơn nữa”- chị Thủy tâm sự.

Tác giả: Tuệ Minh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP