Tin Hà Tĩnh

Nỗi buồn cổng làng

Phía dưới cổng làng (Bắc Bình, xã Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) lẽ ra phải là con đường thì lại là ruộng lúa và mương thuỷ lợi.

Đen: Về quê, nhìn cái cổng làng ngạo nghễ… giữa ruộng, thấy chương chướng thế nào.

Đá: Có tiền, làm gì chẳng được. Nhưng sao cổng ở ruộng?

Đen: Thế mới lạ. Quê nghèo, dân lam lũ, đua nhau cổng to, cổng đẹp, khó coi.

Đá: Nhưng kể ra làm cái cổng đàng hoàng dân qua lại cũng oai đấy chứ.

Đen: "Chướng mắt" là đằng khác. Chưa kể nó ngốn gần trăm triệu.

Đá: Đẹp làng, sang xóm, phải vui mới phải chứ?

Đen: Đáng nói, phía dưới cổng làng (Bắc Bình, xã Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) lẽ ra phải là con đường thì lại là ruộng lúa và mương thuỷ lợi.

Đá: Đi mà hỏi “ông quy hoạch”!

Đen: Phong thủy chăng?

Đá: Khang trang, sặc sỡ, mái trụ uy nghi, giữa cổng có mương thủy lợi chảy qua…

Đen: Hai cột trụ nằm bên mép tường rào nhà dân, hai cột còn lại nằm sát mép ruộng. Chuyện chỉ có ở Hà Tĩnh.

Đá: Xây bằng ngân sách hay xã hội hóa?

Đen: Kinh phí xây dựng cổng là người dân đóng góp, đường là xã đầu tư.

Đá: Hiểu rồi. Nguồn tiền nào về sớm thì làm trước, khỏi cần đồng bộ.

Đen: Họ bảo đã họp dân, bà con ô kê rồi mới triển khai cổng. Thắc mắc gì?

Đá: Chắc có lý do gì đấy mới có sự “ngược đời” như vậy.

Đen: Ông “xã” lý giải, cổng đặt giữa mương thuỷ lợi và lấn sang ruộng lúa là để “đón trước quy hoạch”!

Đá: Dư luận cho rằng cổng làng đặt không đúng hướng, mất mỹ quan.

Cổng làng Bắc Bình (Hà Tĩnh). (Ảnh: Vnexpress).

Đen: Lãnh đạo thừa nhận, cổng xong mà đường chưa hoàn thiện thì đúng là nhìn vào rất khó coi, không hài hòa…

Đá: Nhận thiếu sót, sửa sao đây?

Đen: Sao phải sửa. Chờ xong đường thì công trình coi như hoàn thiện chứ sao. Chuẩn bị vỗ tay “khánh thành”.

Đá: Được biết cổng nằm trong quy hoạch xây dựng đường liên xã. Hoàn tất cổng, sẽ khởi công xây dựng tuyến đường liên xã, chịu khó chờ đi.

Đen: Cổng đã xong, chỉ chờ đường là chúng ta tha hồ tung tăng.

Đá: Tôi liên tưởng “sinh con rồi mới sinh cha…”.

Tác giả: Đ.Đ

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP