Trong nước

Nhân ngày 14 tháng 3, nghĩ về đất nước và con người

Những bài học giữ nước của cha ông ta để lại là hết sức quý giá với chúng ta ngày nay. Những cảnh báo của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) về những nguy cơ làm mất nước: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham nhũng tràn lan; năm, sỹ phu ngoảnh mặt” là điều chúng ta cần phải suy ngẫm;

Dã tâm, hành động cậy đông hiếp yếu của phương Bắc đã được Nguyễn Trãi chỉ rõ trong bản Đại cáo bình Ngô hùng tráng – Tuyên ngôn độc lập thứ 2 của nước Việt ta sau “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt. Và đến tận hôm nay dã tâm đó, hành động bất chấp đạo lý đó vẫn được những kẻ cầm quyền ở Bắc Kinh tự vẽ lên một đường lưỡi bò bá quyền rồi xua giàn khoan 981 cùng hàng ngàn tàu lớn nhỏ hò nhau vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta để vơ vét tài nguyên và hải sản, xâm phạm chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hành động ngang ngược đó đã làm chúng ta thiệt hại vô cùng lớn về mặt kinh tế, gây ra biết bao nhiêu hệ lụy cho bà con ngư dân của chúng ta. “Ngàn cơn sóng trùm lên thềm lục địa, hỏi lòng người có ngọn sóng nào không”. Đổi lại những thiệt hại to lớn ta nhận ra rõ hơn bạn – thù, đối tác – đối tượng trong quan hệ với người láng giềng của mình. Trong những lúc như thế chúng ta lai nhớ đến câu nói của Bác Hồ: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Đất nước đang nan nguy, bóng giặc đã thấp thoáng ngoài khơi còn bên trong những con sâu đã béo và đẻ ra cả một bầy sâu mất rồi. Người đã nhắn nhủ ta rằng đối mặt với ngoại xâm – lũ cướp nước không sợ bằng nội xâm- lũ bán nước. Chúng ta phải nhấn chìm trước tiên là lũ bán nước – nội xâm.

Nghị quyết Trung ương 4 đã vạch ra và chỉ rõ tham nhũng là mối họa cho dân tộc. Trong bài viết gần đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Thời nào cũng thế, nhân dân ta không dung thứ bất cứ ai, bất cứ hành động nào làm xâm hại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Đó chính là đạo lý thiêng liêng nhất và là pháp lý công minh nhất! Ai vi phạm hoặc làm vấy bẩn điều vô giá đó, người ấy không xứng đáng là người con đất Việt. Điều nhân dân ta cần và tôn vinh là những người yêu nước chân chính, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của mình vì lợi ích chung của đất nước, thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm thiết thực, cụ thể có lợi cho dân, cho nước như lời Bác Hồ dạy: Cái gì có lợi cho dân, cho nước thì cố hết sức làm, cái gì có hại cho dân, cho nước thì cố hết sức tránh. Mỗi người chúng ta, dù làm gì, ở bất kỳ vị trí làm việc, công tác nào, cũng phải làm hết sức mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, chức trách của mình, tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các thói hư, tật xấu, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm. Chúng ta không thể chấp nhận những người miệng nói yêu nước, vì Đảng, vì Dân nhưng thực là vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” mà tham nhũng, lãng phí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước, làm nghèo, suy yếu đất nước. Đây là “giặc nội xâm”, là những “khối u” trên cơ thể đất nước cần phải cắt bỏ.

Những bài học giữ nước của cha ông ta để lại là hết sức quý giá với chúng ta ngày nay. Những cảnh báo của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) về những nguy cơ làm mất nước: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham nhũng tràn lan; năm, sỹ phu ngoảnh mặt” là điều chúng ta cần phải suy ngẫm;

Tham nhũng làm xói mòn lòng tin, làm những công trình vừa xây xong đã hỏng. Nội bộ cơ quan, đơn vị nghi kỵ nhau; râm ran câu chuyện sếp ăn hoa hồng không chia cho mình; râm ran câu chuyện chia đều “quả thực”, ngậm miệng ăn tiền, cả nhà đều vui. Chúng ăn tất, tất tần tật, tuốt tuồn tuột: đường, rãnh, cầu, cống, bùn ao (đáng nhẽ phải vét chúng không vét nhưng vẫn tính tiền)… vân vân và vân vân. Và cái chúng ăn nhiều nhất đó là đất. Chúng biết đâu rằng ăn của đời rưng rưng nước mắt.

Bởi “Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất/Đêm đêm thì thầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về”. “Xưa yêu quê hương vì có chim , có bướm/Có những ngày trốn học bị đòn roi/Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em” – người du kích năm nao. Những kẻ “ăn” đất hãy nhớ rằng mỗi nắm đất trên dải đất Việt này đều có linh hồn trong đó có hương hồn và anh linh của những anh hùng liệt sỹ. Hãy nhớ rằng: Ăn của đời rưng rưng nước mắt. Đừng có mang quyền lợi của người dân khốn khó để về xây những căn hộ riêng mà tầng nào cũng có buồng tắm xông hơi từ những đồng tiền bóp nặn, gây khó dễ, móc hầu, móc họng nhân dân.

Thật buồn khi càng tiếp xúc nhiều với người dân, tôi phát hiện ra một điều cái áo không làm lên thầy tu. Vị trí không làm con người mà chỉ có con người mới mang vinh quang, điều tiếng tốt cho vị trí mà họ đảm nhiệm. Ta lại nhớ đến Bác với lời căn dặn trong di chúc trước lúc đi xa: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”.

Nhớ đến Bác lòng ta trong sáng hơn. Nhớ đến Bác ta cũng không thể quên lời dặn đinh ninh “quét sạch bè lũ bán nước và cướp nước”. Chống giặc nội xâm là cơ hội để tập trung nguồn lực tốt nhất cho phát triển, đẩy mạnh nguồn lực bảo vệ an ninh Tổ quốc, không chỉ công khai mà còn cần phải đảm bảo tính minh bạch trong mọi việc, phải dân chủ không được mập mờ trong đền bù đất đai để người dân thấy rõ lợi ích và quyền lợi của mình được đảm bảo để thay vì mất thời gian đi khiếu kiện thì tập trung vào phát triển kinh tế cho gia đình và đất nước.

Chống tham nhũng rất đơn giản: Đối với người đảng viên là thực hiện tốt Nghị quyết trung ương 4, Nghị quyết trung ương 3.

Đối với người đại biểu nhân dân thì trước mắt là chúng ta giám sát thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở bảo đảm công khai đi liền với minh bạch được thực hiện ở cấp cơ sở nơi ta được bầu, ở cấp quận mà chúng ta đang là đại biểu. Bảo đảm sự giám sát cộng đồng là thực chất, không phải là hình thức, bắt tay nhau dối trên lừa dưới. Không để tình trạng giám sát cộng đồng hay trưởng thôn, đại biểu HĐND cầm tiền của bên thi công. Không để cho tình trạng công trình điều chỉnh một cách vô lý, mới làm xong đã hỏng cứ đương nhiên tồn tại mà không có ý kiến gì. Chúng ta phải có chính kiến suy nghĩ bằng cái đầu chứ không phải bằng những cánh tay vô cảm.

Đấu tranh với cái xấu, đấu tranh với Trung Quốc, chúng ta có chân lý, có cái đúng nhưng phía bên kia họ có tiềm lực, thế lực và lại đông hơn ta. Về trước mắt có thể ta chưa hoàn toàn áp đảo, điều tốt, chân lý nhiều khi vẫn phải từng bước đẩy lùi cái xấu vì chúng đông, tham lam và có nhóm lợi ích. Nhưng tôi vẫn tin rằng chân lý và lẽ phải sẽ chiến thắng như ánh mặt trời sẽ xua tan bóng đêm. Nhưng để có thời gian chờ đến khi trời sáng thì chúng ta hãy là người thắp lên những ánh đèn sáng trong đêm để giữ lại và nhân lên niềm tin cho mọi người chờ tới một buổi rạng đông: khi cái tốt chiến thắng hoàn toàn và ngay từ đầu cái xấu. Trong buổi rạng đông đó sẽ có đóng góp của chúng ta. Ngay từ bây giờ, hãy đẩy lùi và tiễu trừ tham nhũng bằng việc giám sát và thực hiện triệt để Pháp lệnh 34 dân chủ ở cơ sở. Và điều này càng có thêm cơ sở khi Thông tư về khen thưởng với mức lên đến 5 tỷ đồng cho những người tố giác và chống tham nhũng sẽ được xem xét ban hành trong năm nay.

Nguyễn Kiên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP