Tin Hà Tĩnh

Hương Khê - Hà Tĩnh: Dân tố chính quyền sai phạm về quản lí đất rừng ở xã Phú Gia

Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam nhận được đơn kiến nghị của ông Phan Đình Thủy (thôn Phú Yên, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) về việc chính quyền sai phạm trong quản lí đất rừng, tạo đà cho một số hộ dân lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Đơn kiến nghị của ông Thủy.


Theo đơn thư kiến nghị của ông Thủy, ngày 15/3/2010 do nhu cầu cần đất rừng để sản xuất, ông Phan Đình Thủy nhận chuyển nhượng hồ sơ giao khoán số 25, với tổng diện tích 22ha rừng và đất lâm nghiệp tại các lô: 9, 12, 13 (khoảnh 2, tiểu khu 229); thời gian giao khoán là 50 năm từ ông Lê Hải Lý thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm.

Kể từ khi nhận chuyển giao đất rừng, gia đình ông Thủy đã tiến hành trồng khoảng 10-12ha keo, số diện tích còn lại ông Thủy khoanh nuôi, chăm sóc bảo vệ cây rừng tự nhiên đúng với quy định. Tuy nhiên, vào những năm 2013-2014, số diện tích đất rừng khoanh nuôi của tôi đã bị nhiều hộ dân vào xâm chiếm, tranh chấp để trồng keo. Mặc dù ông đứng ra can ngăn, đồng thời trình báo lên Ban phòng hộ yêu cầu xử lý nhưng các hộ lấn chiếm trên vẫn ngang nhiên lấn chiếm.

Đến năm 2015, thực hiện chủ trương mới, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định 3952 cắt chuyển toàn bộ đất rừng thuộc tiểu khu 229 do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm quản lý về UBND xã Phú Gia quản lý. Trước khi chuyển về địa phương, ông Thủy cùng các hộ dân nhận rừng khác đã được BQLRPH Sông Tiêm mời tham gia nhiều cuộc họp giữa BQLRPH Sông Tiêm, UBND xã Phú Gia phổ biến, giải thích về quyết định 3952 là thay đổi chủ quản lý và chuyển nguyên hiện trạng. Theo đó, UBND Xã Phú Gia có trách nhiệm xây dựng hồ sơ cấp đất cho các hộ nhận khoán với BQLRPH Sông Tiêm theo Nghị định 135 của Chính phủ.

Thế nhưng, sau khi BQLRPH Sông Tiêm chuyển quyền quản lý cho UBND xã Phú Gia thì Hội đồng cấp đất xã Phú Gia đã tự ý xây dựng hồ sơ cấp đất cho một số hộ dân khác trên diện tích ông Thủy đang quản lý.

Điều đáng nói hơn, những người được chính quyền xã Phú Gia xây dựng hồ sơ cấp đất rừng chính là đối tượng tham gia sẻ phát, lấn chiếm trái phép đất rừng của hộ ông Thủy trước đó, đã bị xã xử phạt hành chính từ 200 – 500 nghìn đồng.

Cũng theo đơn ông Phan Văn Thủy, ngoài vụ việc trên, tháng 5/2007, gia đình ông còn ký kết hợp đồng nhận khoán 8,7 ha đất, rừng sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh lâm nghiệp bền vững với Ban quản lý rừng phòng hộ sông Tiêm tại khoảnh 2, Tiểu khu 229 theo hợp đồng số 49 ngày 10/7/2007. Sau khi nhận khoán, gia đình ông đã bỏ nhiều công sức, cải tạo, sẻ phát thực bì. Quá trình canh tác tôi sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch và đóng nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính, chấp hành tốt các quy định, khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

"Tuy nhiên, vào năm 2013, ông Phan Văn Long và Phan Văn Thủy (2 anh em ruột) cùng trú trên địa bàn đã ngang nhiên vào sẻ phát, trồng cây lên 1,5 ha thuộc thửa đất nhận khoán của gia đình tôi. Quá trình ngăn chặn việc làm trái phép nói trên, ông Long còn đánh đập, gây thương tích đối với một số người lao động làm công cho gia đình tôi", ông Thủy cho hay.

Bức xúc trước những sự việc trên, nhiều năm qua ông Phan Đình Thủy đã dày công gõ cửa các cấp chính quyền, ngành chức năng nhưng các vụ việc vẫn không được giải quyết một cách thấu đáo. Từ đó, làm cho tình hình tranh chấp đất rừng trên địa bàn ngày càng phức tạp và gay gắt hơn.

Tòa soạn sẽ tiếp cận sự việc, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này một cách thấu đáo và khách quan nhất có thể trong thời gian tới.

Tác giả: Anh Bình

Nguồn tin: Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP