Truyền thống - Phát triển

Hà Tĩnh: Trăn trở chợ truyền thống

Nguy cơ “lép vế”

Chợ truyền thống là điểm mua sắm đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân bởi tính tiện lợi. Thế nhưng, theo thời gian, các kênh bán hàng hiện đại, chuyên nghiệp cùng sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng đã trở thành đối thủ “nặng ký” của một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh…

Với việc tập trung nguồn hàng phong phú, đa dạng, chợ truyền thống lâu nay vẫn được xem là nơi phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự xuất hiện ngày càng nhiều siêu thị, cửa hàng tự chọn…, chợ truyền thống đang mất dần ưu thế, sức mua giảm rõ rệt. Ngoại trừ nhóm hàng thực phẩm tươi sống, rau – củ… chợ truyền thống vẫn giữ được lượng khách hàng khá ổn định, các nhóm khác như hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm khô, quần áo may sẵn… ngày càng vắng khách.

Hàng thực phẩm vắng khách trong những ngày nghỉ lễ

Với việc tập trung nguồn hàng phong phú, đa dạng, chợ truyền thống lâu nay vẫn được xem là nơi phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân

Chị Hương – chủ quầy hàng quần áo (chợ TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi bán ở đây gần 15 năm, nhưng 3 năm gần đây, hàng lượng hàng bán ra giảm đáng kể. Trước đây, hàng bán chạy lắm nhưng nay thì ngày bán được vài cái, thậm chí không có khách mở hàng”.

Trong thời điểm người tiêu dùng quan tâm đặc biệt đến vấn đề sức khỏe, ATVSTP, văn minh thương mại thì phần lớn tại các chợ truyền thống lại chưa đảm bảo được các điều kiện này. Mặc dù, tình trạng hàng kém chất lượng được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết khó thực hiện, khiến người tiêu dùng có tâm lý e ngại. Trong khi đó, các loại hình kinh doanh hiện đại mà đi đầu là hệ thống siêu thị lại đặt sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh (người tiêu dùng) cho biết: “Để yên tâm về chất lượng hàng hóa và nguồn gốc sản phẩm, tôi vào siêu thị mua, giá cao hơn nhưng đảm bảo”. Ông Nguyễn Duy Hòa – Trưởng ban quản lý (BQL) chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài yếu tố khách quan là sự phát triển của hệ thống mua sắm hiện đại thì nguyên nhân chủ quan từ thái độ bán hàng, thói quen nói thách, chưa chú trọng đến ATVSTP… là những điểm trừ, khiến nhiều người tiêu dùng không còn mặn mà với chợ truyền thống”.

Ngoài ra, trước tình hình kinh tế khó khăn, khách hàng dè dặt mua sắm, các kênh bán hàng hiện đại đang đẩy mạnh các gói kích cầu tiêu dùng như khuyến mãi giảm giá, tri ân khách hàng, giao hàng tận nhà… thì chợ truyền thống vẫn “giẫm chân tại chỗ”, chưa để người tiêu dùng có cảm giác được là “thượng khách”.

Tiếp sức cho chợ truyền thống

Nhìn ở góc độ khác, chợ truyền thống vẫn là nơi mua sắm gần gũi, mang đậm nét văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, hàng hóa ở chợ có ưu điểm là giá rẻ, phong phú, đặc trưng cho vùng miền; người dân giao dịch tự do, thuận mua, vừa bán. Đồng thời, đây cũng là kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm tươi sống, đặc biệt đóng vai trò quan trọng đối với người tiêu dùng có thu nhập thấp. Vì thế, dù chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ mô hình bán lẻ hiện đại thì chợ truyền thống vẫn có “vị thế” đặc biệt trong thói quen tiêu dùng của một bộ phận không nhỏ khách hàng.

Trăn trở chợ truyền thống

Chương trình “Niêm yết giá và bán theo giá niêm yết” góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của chợ truyền thống với khách hàng.

Thời gian qua, các hoạt động hiện đại hóa chợ truyền thống đã được cơ quan hữu quan triển khai thực hiện. Trong đó, công tác niêm yết giá và bán theo giá niêm yết phần nào giúp người tiêu dùng tránh bị “hớ” khi tham gia trao đổi hàng hóa. Hoạt động truy xuất sản phẩm bằng hóa đơn mua hàng đang được siết chặt để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, ATVSTP, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng.

Để giữ chân và thu hút khách hàng tìm đến chợ truyền thống, ông Nguyễn Duy Hòa – Trưởng BQL chợ TP Hà Tĩnh cho biết thêm: “Thời gian tới, BQL chợ tích cực phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động cân, đo, nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng ATVSTP. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho các tiểu thương về văn minh ứng xử với khách hàng, giữ gìn vệ sinh môi trường…”.

“Lộ trình xây dựng chợ truyền thống phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế hiện nay đã được các cấp, ngành quan tâm đặc biệt. Trong đó, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, Sở Công thương phối hợp với địa phương mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ kinh doanh, kỹ năng bán hàng để các tiểu thương hiểu và làm tốt hơn công việc kinh doanh của mình”, ông Trần Nhật Tân – Giám đốc Sở Công thương cho biết.

An Nhiên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP