Truyền thống - Phát triển

Hồ sơ Công an Hà Tĩnh: 60 năm cống hiến thầm lặng

Cách đây 60 năm, ngày 27/3/1957, Bộ Công an ban hành Nghị định 430/NĐ về việc thành lập phòng Hồ sơ, trực thuộc Văn phòng CAND. Từ đó đến nay, ngày 27/3 được xác định là ngày truyền thống của lực lượng Hồ sơ CAND.

Ngày 27/3/1957 là thời điểm đánh dấu sự ra đời của một đơn vị chuyên trách đầu tiên của lực lượng hồ sơ CAND, nhưng thực chất công tác hồ sơ đã có ngay từ khi lực lượng CAND mới được thành lập (19/8/1945). Trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH lực lượng CAND đã lập nhiều chiến công xuất sắc như vụ án Ôn như hầu, vụ án C30, vụ án CM12, … tất cả những vụ án đó vẫn còn được thể hiện đậm nét trên mỗi trang hồ sơ lưu trữ, để lại cho chúng ta ngày nay những bài học kinh nghiệm quý báu. Lực lượng hồ sơ CAND được hình thành và tôi luyện trong cuộc đấu tranh bảo vệ ANCT, giữ gìn trật tự ATXH, từng bước trưởng thành qua các giai đoạn cách mạng đáp ứng mọi yêu cầu của các lực lượng nghiệp vụ và phục vụ nhân dân.

Cùng với quá trình ra đời và phát triển của lực lượng Hồ sơ CAND, lực lượng Hồ sơ Công an Hà Tĩnh không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Trong những năm kháng chiến chống pháp, mặc dù trong điều kiện khó khăn, nhưng CBCS lực lượng Hồ sơ quan tâm và có ý thức thu thập tích lũy tài liệu, giữ gìn bảo vệ bảo quản an toàn hồ sơ tài liệu, vận chuyển hàng trăm tấn hồ sơ tài liệu từ các nơi bị địch tạm chiếm về căn cứ an toàn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch đánh phá ác liệt, lực lượng Hồ sơ đã thực hiện nhiệm vụ thầm lặng nhưng cao cả, quyết tâm bảo vệ tuyệt đối an toàn hồ sơ, tài liệu, khai thác kịp thời thông tin phục vụ cho các yêu cầu. Góp phần phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ ANCT, TTATXH, góp phần đảm bảo ổn định tình hình ở hậu phương, tăng cường chi viện cho tiền tuyến, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam. Trong khói lửa của cuộc chiến tranh, lực lượng Hồ sơ vừa chiến đấu, vừa bảo vệ an toàn hồ sơ, tài liệu. Cung cấp thông tin về hàng vạn đối tượng phục vụ cho công tác nghiệp vụ, tập trung cải tạo, cải tạo tại chỗ, xác lập hiềm nghi, chuyên án; đồng thời phục vụ các yêu cầu khác, trả lời hàng triệu yêu cầu cho các lực lượng trinh sát phục vụ công tác chống gián điệp, biệt kích. Nhiều kế hoạch tấn công chính trị được thực hiện đạt hiệu quả cao, để lại nhiều kinh nghiệm quý trong công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V đã ban hành Nghị quyết về hợp nhất một số tỉnh, trong đó tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An được sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Công an Nghệ Tĩnh ra đời, gồm 22 phòng, trong đó có phòng Hồ Sơ. Sau khi được kiện toàn, tổ chức bộ máy hồ sơ đã làm tốt công tác thu hồi, bảo quản, khai thác hồ sơ thu được của địch, tăng cường chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn các đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác hồ sơ, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị trên quê hương Xô viết anh hùng.

Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh thành, tỉnh Nghệ Tĩnh được chia tách thành Nghệ An và Hà Tĩnh. Theo đó, Công an Hà Tĩnh được tái lập. Lực lượng Hồ sơ được tách từ phòng hồ sơ Công an Nghệ Tĩnh, là một bộ phận thuộc phòng Tham mưu Công an Hà Tĩnh. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác mới, năm 1992, phòng Hồ sơ Công an Hà Tĩnh chính thức được thành lập. Những ngày đầu mới thành lập, đơn vị được phát triển trên cơ sở phát triển bộ phận hồ sơ trực thuộc phòng Tham mưu và điều động một số đồng chí từ các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố, thị xã để bổ sung cho quân số, nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Trên trận tuyến thầm lặng, lực lượng Hồ sơ đã thực hiện tốt công tác tham mưu, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai công tác hồ sơ nghiệp vụ. Tổ chức tiếp nhận đăng ký, lưu trữ các loại hồ sơ đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định. Đến nay phòng Hồ sơ đã thu thập, đăng ký và tổ chức lưu trữ gần 18.000 tập hồ sơ nghiệp vụ an ninh, trên 34.000 hồ sơ cảnh sát đảm bảo khoa học và khai thác thông tin trong hồ sơ lưu để phục vụ các mặt công tác theo yêu cầu của Công an các đơn vị, địa phương đạt hiệu quả. Thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác hồ sơ của các đơn vị, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, hướng dẫn nghiệp vụ và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, góp phần đưa công tác hồ sơ ngày càng có chất lượng.

Là trung tâm thông tin, lực lượng Hồ sơ luôn bám sát nhiệm vụ và thực hiện tốt công tác tra cứu và cung cấp thông tin nghiệp vụ. Từ năm 1992 đến nay, phòng đã tiếp nhận, tra cứu hàng trăm ngàn lượt yêu cầu phục vụ công tác nghiệp vụ. Thông tin nghiệp vụ do lực lượng Hồ sơ cung cấp, phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu, quản lý đối tượng, đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo yêu cầu chính xác, kịp thời, phục vụ có hiệu quả công tác nghiệp vụ của ngành, góp phần quan trọng giúp lực lượng trinh sát thu thập thông tin về đối tượng, tính toán các yêu cầu nghiệp vụ, đấu tranh đảm bảo ANTT trong tình hình mới.

Để phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, trong các kỳ Đại hội Đảng, Bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, lực lượng Hồ sơ đã tiếp nhân, tra cứu hàng trăm lượt nhân sự tham gia bầu cử, ứng cử; góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và làm trong sạch nội bộ Đảng. Cùng với công tác bảo vệ chính trị nội bộ, lực lượng hồ sơ luôn quan tâm thực hiện cải cách hành chính để giải quyết tốt các thủ tục hành chính thuôc chức năng, nhiệm vụ, ngày càng đáp ứng yêu cầu, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, công dân. Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay, lực lượng Hồ sơ đã trực tiếp cấp trên 24.000 Giấy xác nhận không có tiền án cho công dân, phối hợp tra cứu cung cấp trên 60.000 thông cá nhân để Sở Tư pháp tỉnh cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân đảm bảo đúng quy định.

Xác định việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào hồ sơ là nhiệm vụ cần thiết trong thời đại công nghệ thông tin, lực lượng Hồ sơ Công an Hà Tĩnh đã tham mưu tập trung triển khai ứng dụng KHCN vào công tác hồ sơ nghiệp vụ, đưa các thông tin trên thẻ nghiệp vụ, danh bản, chỉ bản của đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật, xây dựng và hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ an ninh, cơ sở dữ liệu nghiệp vụ cảnh sát. Triển khai và hoàn thành việc nhập chỉ bản đối tượng phạm tội, người vi phạm pháp luật vào hệ nhận dạng vân tay tự động, xây dựng tàng thư tờ khai CMND điện tử và thường xuyên xây dựng, củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực cho Trung tâm thông tin tội phạm và tin học. Đến nay, toàn bộ công tác tra cứu, tra tìm, trả lời các yêu cầu và thống kê nghiệp vụ đã được xử lý trên máy tính, thay thế cách làm thủ công truyền thống, kịp thời tra cứu, khai thác các công tác thông tin phục vụ có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý các hành vi, vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, lực lượng Hồ sơ đã đăng ký kịp thời gần 17.600 hồ sơ hiện hành và lưu trữ. Tiếp nhận, tra cứu trả lời trên 120.000 lượt yêu cầu nghiệp vụ, yêu cầu của các ngành, yêu cầu Bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp và yêu cầu khác của công dân. 8 hồ sơ làm chế độ cho người có công, gần 400 hồ sơ xác minh xuất cảnh.

60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Hồ sơ Công an Hà Tĩnh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, cùng các đơn vị nghiệp vụ khám phá, đập tan những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm, giữ vững ANTT được tặng thưởng Huân chương chiến công, Bằng khen của Bộ Công an, UBND tỉnh, nhiều cá nhân được các cấp khen thưởng, nhân dân gửi thư khen. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, lực lượng Hồ sơ Công an Hà Tĩnh cần tiếp tục tham mưu chỉ đạo thực hiện đổi mới công tác hồ sơ nghiệp vụ, tiếp thu những kinh nghiệm quý về công tác hồ sơ trong 60 năm qua để áp dụng, cải tiến, nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí, tác dụng của công tác hồ sơ phục vụ lãnh đạo, chỉ huy và các yêu cầu của các đơn vị và yêu cầu khác của nhân dân và các cấp, các ngành. Thực hiện tốt công tác đăng ký, lưu trữ, khai thác hồ sử và xử lý cung cấp thông tin nghiệp vụ, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, phục vụ công tác chiến đấu, công tác chỉ huy chỉ đạo của lãnh đạo Công an các cấp, góp phần thực hiện tốt công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT. Tập trung đổi mới, xây dựng lực lượng Hồ sơ cả về tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học cho cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ hồ sơ có phẩm chất đạo đức, tác phong và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua Vì ANTQ, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, Khóa XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và khẩu hiệu hành động của toàn lực lượng “Đổi mới, Chủ động, Kỷ cương, Trách nhiệm, Hiệu quả”.

ĐẠI TÁ VÕ TRỌNG HÙNG, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP