Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Dự án "huyết mạch" hơn 400 tỷ đồng bộc lộ nhiều dấu hiệu bất thường

Dự án đường trục chính vào Trung tâm đô thị mới Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) được đầu tư trên 400 tỷ đồng, tuy nhiên trong quá trình triển khai xây dựng, đã bộc lộ nhiều dấu hiệu bất thường khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về chất lượng công trình.

Đường trục chính vào Trung tâm đô thị mới Kỳ Đồng được khởi công xây dựng vào đầu năm 2017, dự kiến hoàn thành vào năm 2020, do UBND huyện Kỳ Anh làm chủ đầu tư, Công ty Vinashin làm Tư vấn giám sát. Giai đoạn I thi công 2,9 km với gần 180 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Hùng Cường, trú tại thị xã Kỳ Anh là đơn vị thi công.

Khối lượng vật liệu rất lớn, có màu mun đen được đơn vị thi công sử dụng để đổ nền đường.

Công trình có tổng giá trị dự toán gần 410 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 – 2020, và chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng; ngân sách tỉnh hỗ trợ và chủ đầu tư huy động từ các nguồn vốn hợp pháp.

Tuyến đường có tổng chiều dài L=5.365,69m. Điểm đầu Km0+00 giao với Quốc lộ 1A; điểm cuối Km5+365,69 giao đường quy hoạch tại xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, thuộc trình giao thông cấp III.

Đây là loại đá non, dạng vỉ, độ cứng vừa phải, có thể tách theo từng lớp, dùng tày vò mạnh thì bị vỡ nát thành bột, có trộn lẫn rất nhiều hòn đá có khối lượng lớn.

Theo Quyết định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình thì đoạn từ Km0+00 đến Km2+835.71 có bề rộng nền đường Bnền = 70,0m; bề rộng mặt đường Bmặt = 2x7,5m; bề rộng vỉa hè Bvỉahè = 2x12,0m; bề rộng giải phân cách giữa BPCG = 31,0m. Đoạn từ Km2+835.71 đến Km5+365,69 có bề rộng nền đường Bnền = 9,5m; bề rộng mặt đường Bmặt = 7,5m; bề rộng lề đất Blề = 2x1m.

Kết cấu mặt đường bao gồm lớp bê tông nhựa chặt BTNC19 dày 7cm; lớp nhựa thấm bám tiêu chuẩn nhựa 1,0kg/m2; lớp móng CPĐD loại I (Dmax = 25mm) dày 15cm; lớp móng CPĐD loại II (Dmax = 37,5mm) dày 30cm. Kết cấu vỉa hè bao gồm lớp gạch Terrazo, dày 3,0cm, lót vữa xi măng mác 75 dày 2cm; lớp bê tông xi măng mác 100, đá 4x6 dày 10cm.

Một khối lượng không nhỏ các loại đất đá hỗn hợp, nhìn giống vật liệu thải, trộn lẫn với các loại rác như bao bì, cành gỗ, gốc cây… những loại vật liệu này có thể được chở đến từ các công trình xây dựng khác.

Nền đường được đắp bằng đất đồi đầm chặt K=0,95, CBR=4. Riêng 50cm tính từ đáy kết cấu áo đường có độ đầm chặt K=0,98, CBR=6; Taluy nền đường đào có mái dốc 1/1, nền đường đắp có mái dốc 1/1,5. (Hệ số nén chặt K còn gọi là hệ số đầm chặt của đất. Là tỷ số khối lượng thể tích đơn vị đất khô của đất đắp đạt được khi đầm nén tại hiện trường và khối lượng thể tích đơn vị đất khô lớn nhất của đất đó đạt được khi thí nghiệm đầm nén trong phòng thí nghiệm. Thông thường thì hệ số K nhỏ hơn hoặc = 1. Nếu > 1 thì cần phải xem xét lại. Hệ số nén chặt K98 nghĩa là độ chặt thực tế đạt 98% độ chặt tiêu chuẩn)

Đây là tuyến đường huyết mạch vào Trung tâm hành chính của huyện Kỳ Anh. Sau khi hoàn thành, sẽ góp phần hết sức quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại, đồng thời góp phần vào sự phát triển đời sống kinh tế, xã hội của huyện nhà.

Tuy nhiên, ngay từ thời gian đầu triển khai xây dựng, dự án đã bộc lộ những dấu hiệu “bất thường” khiến dư luận không khỏi lo ngại về chất lượng công trình. Hiện tại, phần móng đường cơ bản đã hoàn thành, một số đoạn đã được đổ cấp phối và lu lèn theo từng lớp.

“Đất lạ” được đổ trực tiếp làm nền đường.

Tại hiện trường, đơn vị thi công đang tập kết một khối lượng vật liệu rất lớn, có màu mun đen dùng để đổ nền. Theo quan sát của PV, đây là loại đá non, dạng vỉ, độ cứng vừa phải, có thể tách theo từng lớp, dùng tay vò mạnh thì bị vỡ nát thành bột. Trong đống vật liệu này còn trộn lẫn rất nhiều hòn đá có khối lượng lớn.

Điều quan ngại là khối lượng vật liệu nói trên đã được đưa vào sử dụng hầu hết cho công trình, có đoạn đã được đắp trực tiếp làm nền đường. Quan sát dọc tuyến, chúng tôi còn nhìn thấy một khối lượng không nhỏ các loại đất đá hỗn hợp, nhìn giống vật liệu thải, trộn lẫn với các loại rác như bao bì, cành gỗ, gốc cây… những loại vật liệu này có thể được chở đến từ các công trình xây dựng khác.

Vì không có độ liên kết, khi bị xói lở, trơ lòi những hòn đá lớn.

Trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật, ông Võ Xuân Thành - Trưởng Ban Quản lý dự án huyện Kỳ Anh chia sẻ: “Theo hồ sơ dự toán, nguồn đất sử dụng vào công trình được lấy từ mỏ Kỳ Hưng hoặc mỏ Kỳ Phong, tuỳ theo vị trí của công trình mà chỉ định”.

Ông Thành cũng cho biết, nguồn đất được quản lý theo hồ sơ dự toán. Chất lượng đầu vào thì vừa lấy ở mỏ, vừa lấy ở hiện trường để thí nghiệm trước khi đem vào đắp. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, các đơn vị vận tải họ lấy đất ở đâu thì Ban cũng không quản lý hết được.


Lớp “đất lạ” bị phơi bày khi đào lắp hệ thống cống ngầm.

Cũng theo ông Thành, nguồn gốc đất thì có những cái không kiểm soát được và đã giao tư vấn giám sát, kỹ thuật Ban ghi chép, theo dõi hàng ngày. Nếu như có một khối lượng đất nhất định nào đó không đúng nguồn gốc mỏ, thì khi thanh toán, chúng tôi sẽ căn cứ thực tế để có những điều chỉnh nhất định.

Khi được hỏi về việc tại hiện trường có một khối lượng lớn đất màu mun đen có nguồn gốc từ đâu? Vị trưởng Ban chia sẻ: “Tôi có thấy màu đất đen, qua báo cáo thì lấy ở mỏ Kỳ Phong nhưng không biết ở vị trí nào cả. Tuy nhiên chất lượng thì đạt vì đã kiểm tra rồi”.

Nền đường khi đã được lu, lèn cơ bản bởi nghi vấn "đất lạ"

Chúng tôi đề xuất được xem biên bản làm việc của các cơ quan chức năng về kết quả kiểm định nguồn gốc đất nói trên nhưng ông Thành từ chối: “Cái này thì chúng tôi có nhưng để cung cấp thì các anh thông cảm, phải có sự chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan mới được phép, đó là quy định”.

Từ thực tế hiện trường, đối chiếu với chia sẻ của ông Trưởng ban quản lý dự án, dư luận không khỏi băn khoăn về vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát và các cơ quan chuyên môn. Câu hỏi đặt ra là, với các vật liệu nói trên khi được đưa vào sử dụng cho công trình có được đảm bảo chất lượng hay không? Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về những hậu quả nếu xảy ra.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh đến quý bạn đọc trong bài viết tiếp theo.

Một số hình ảnh mà PV ghi nhận được tại hiện trường:

Trục đường chính của dự án đường hơn 400 tỷ được xem là huyết mạch vào trung tâm huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Nghi vấn “đất lạ” được khai thác từ một ngọn đồi cách công trường khoảng hơn 1km.

khối lượng không nhỏ các loại đất đá hỗn hợp, nhìn giống vật liệu thải...

Tác giả: Trần Anh

Nguồn tin: Báo Bảo vệ Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP