Người đương thời

Cựu chiến binh Hoàng Trọng Cường: Người biến ước mơ thành hiện thực

“Ngày ấy, nhà ai cũng nghèo, cũng khổ lắm nhưng tôi luôn tin là chỉ cần mình cố gắng làm lụng chăm chỉ, thì chẳng mấy chốc sẽ khá thôi… Mình là thương binh nhưng nghĩ lại mình vẫn may mắn hơn rất nhiều đồng đội khác. Nỗi đau chiến tranh không thể trốn tránh được, nhưng tôi không vì thế mà chịu cảnh đói nghèo, các con không có tương lai…”- ông Cường chia sẻ.

hatinh24h
Cựu chiến binh Hoàng Trọng Cường giới thiệu những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho ông.

Vượt qua số phận…

Những ngày đầu tháng tư lịch sử, chúng tôi tìm về nhà cựu chiến binh Hoàng Trọng Cường ở thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông được mọi người biết đến là một thương binh hạng ¼ (tỷ lệ thương tật 95%) hiền từ, có nghị lực và lòng khát khao làm giàu cho quê hương.

Trước mặt chúng tôi là một người đàn ông khoảng 55 – 57 tuổi với nước da ngăm đen, khuôn mặt hiền hậu, dù tóc đã điểm bạc nhưng giọng nói vẫn hào sảng, đúng chất bộ đội cụ Hồ.

Niềm nở rót chén trà mời khách, ông kể cho chúng tôi nghe về ký ức đời lính và công việc hiện tại của mình. Trong sâu thẳm đôi mắt người cựu binh này luôn toát lên niềm tin yêu, hy vọng về cuộc sống.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ mất sớm. Năm 1977, thời điểm cả nước đang sục sôi đánh giặc, ông tình nguyện gia nhập vào hàng ngũ quân đội khi vừa tròn 18 tuổi. Sau một trận đánh ác liệt ở chiến trường Campuchia năm 1979, ông bị thương, sau đó được đưa về đoàn 200 Quân khu 4 điều trị. Năm 1996, ông được chuyển về đoàn điều dưỡng của Bộ Lao động. Đến năm 2008, ông được theo chính sách đón thương binh nặng về quê, ông Cường được chính quyền địa phương cấp cho một mảnh đất làm nhà ở xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc (nay là xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).

Sau hơn 30 năm trong quân đội, trở về quê hương khi còn mang bên mình những vết thương nặng nề của chiến tranh, nhìn làng quê nghèo, người dân lam lũ kiếm sống qua ngày trên mảnh đất hoang hóa, cát phủ trắng đồi, ông không khỏi chạnh lòng. Mặc dù sức khỏe không còn như trước, nhất là mỗi khi trái gió trở trời, những cơn đau do vết thương tái phát hành hạ làm ông tưởng như kiệt sức. Mỗi khi khỏe lại, ông cố gìm nén nỗi đau thì một nỗi lo khác lại đến. Đó là làm sao lo toan cho cuộc sống gia đình, cho các con ăn học nên người, có việc làm ổn định.

Ông ngày đêm suy nghĩ: Bắt đầu từ đâu để xóa đói giảm nghèo trong khi chỉ có đôi bàn tay trắng??? Ông đã đi khắp nơi, học hỏi nhiều cách làm hay của các mô hình kinh tế về áp dụng ở địa phương. Nhận thấy vùng đất nơi mình sinh sống toàn cát bao phủ, nghề trồng trọt không phát huy được hiệu quả, ông đã mạnh dạn thành lập hợp tác xã 27/7 (HTX của những thương bệnh binh) với quy mô hơn 2 ha chăn nuôi lợn trên vùng “sa mạc cát”.

Nhấp ngụm trà nóng, ánh mắt ông Cường nhìn về hướng xa xa, ông chia sẻ: Từ khi có ý tưởng ấy, việc vận động anh em tham gia ủng hộ rất khó khăn, bởi nhiều người không hiểu được thế nào là hợp tác xã (HTX) kiểu mới.

“Ban đầu, do nguồn vốn không có nhiều, nên vợ chồng tôi đã bàn nhau cắm sổ đỏ để vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngày ấy, chúng tôi phải chạy ngược, chạy xuôi để vận động anh em thương binh, kêu gọi họ tham gia HTX. Khó khăn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân xung quanh để xây dựng trang trại. Người được đền bù thường gây khó dễ, đòi giá cao, cố tình trì hoãn thời gian, trong lúc đó, HTX tiền không có nhiều, thời gian đòi hỏi phải khẩn trương…Nếu quyết tâm không cao, không có bạn bè, gia đình động viên, chia sẻ thì khó mà bước tiếp được…”, ông Cường nói.

…để làm giàu

Nhìn vào qui mô và hiệu quả mà HTX 27/7 mang lại, không ai nghĩ rằng đây là thành quả của sự quyết đoán, “chiến đấu” không mệt mỏi của cựu chiến binh Hoàng Trọng Cường. Với một người thương binh nặng, sức khỏe yếu nhưng ông đã khiến mọi người xung quanh phải khâm phục.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng khu vực chăn nuôi, vừa đi ông vừa kể về cách chăm sóc, tiêm phòng bệnh cho hơn 600 con lợn giống ngoại; rồi cách cho ăn; công nghệ xử lý chất thải để bảo vệ môi trường…với một sự say sưa mãnh liệt.

Hiện tại, HTX có 20 thành viên, chủ yếu là thương binh và con em của các liệt sỹ, vốn điều lệ hơn 3,5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của các cổ đông từ 8 – 9 triệu đồng/người, công nhân có mức lương từ 3 – 3,5 triệu đồng/người. Ông Cường cho biết, năm 2013, khi trang trại của HTX đã đi vào hoạt động, xuất được lứa lợn đầu tiên hơn 1.200 con.

“Cầm đồng tiền đầu tiên trên tay, một số anh em trong HTX đã không giấu được niềm xúc động. Ngày qua ngày, HTX khấm khá dần, xã viên đã có của ăn, của để. Chúng tôi quyết định hàng năm sẽ tham gia vào công việc từ thiện, giúp đỡ gia đình đồng đội khó khăn và những hoàn cảnh éo le của địa phương.

Mặc dù sức khỏe ngày càng yếu đi, một tuần phải chạy thận đến 3 lần, không biết sẽ sống được bao lâu nữa, nhưng tôi không bao giờ để mình là một gánh nặng của gia đình và xã hội. Tôi dự định mở rộng thêm qui mô HTX để anh em kiếm thêm thu nhập và gây quỹ từ thiện giúp đỡ người nghèo, xây nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng – Chắc chắn tôi sẽ cố làm cho bằng được!”, ông Cường chia sẻ.

Càng tiếp xúc với ông, nghe ông nói về những dự định, những khát khao làm đẹp cho cuộc sống, chúng tôi lại càng cảm thấy yêu quý thêm những người thương binh, bệnh binh đã cống hiến một phần xương máu để đổi lấy nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Những tưởng họ sẽ mãi chìm sâu trong sự tuyệt vọng vì những hậu quả quá nặng nề của chiến tranh. Thế nhưng, chính họ lại có sức mạnh phi thường vượt lên số phận để tỏa sáng giữa đời thường, tự mình viết nên truyện cổ tích!

Nhiều cá nhân và tập thể ở địa phương và các vùng lân cận đã học tập theo cách làm của HTX 27/7, một số mô hình, tổ hợp tác sản xuất mới ra đời. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, chính những điển hình này đã góp phần cùng quê hương thay đổi bức tranh kinh tế – xã hội.

Hoàng hôn về trên vùng quê Lộc Hà thật đẹp Những tia nắng cuối ngày hắt qua những đồi cát, chiếu vào những rặng cây phi lao rì rào gió. Làm khung cảnh nơi đây nhuốm một màu đỏ lung linh, như muốn níu giữ bước chân người lữ khách.

Tạm biệt người cựu chiến binh có tấm lòng nhân hậu và sự quyết đoán của người lính, tôi thầm chúc ông và đồng đội của ông có thêm thật nhiều sức khỏe để thực hiện ước mơ, khát vọng của mình. Tin tưởng rằng, rất nhiều vùng đất ở đây sẽ không ngừng trỗi dậy, thay da đổi thịt từng ngày dưới nghị lực của những người thương binh “tàn” mà quyết “không phế”.

Minh Hà- Khắc Hiển

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP