Gần đây xảy ra nhiều vụ tạt axit thương tâm khiến nạn nhân bị phỏng nặng dẫn đến thương tật vĩnh viễn và tàn phế. Điển hình như cách đây 3 năm, một thanh niên do thù oán đã hất ca axit vào 5 người trong một gia đình làm tất cả bị bỏng từ 5 đến 44%. Một vụ tạt axit khác khiến đứa trẻ 5 tuổi mù cả 2 mắt. Mới đây nhất là ngày 30/3, hai nữ sinh đi xe máy bị hai thanh niên tạt axit vào mặt. Cô gái cầm lái dính nhiều axit nên bỏng nặng, có nguy cơ mù mắt trái, hoại tử da mặt. Người ngồi sau bị cháy quần áo, bỏng nhẹ.
Axit có nhiều loại, trong đó có 3 loại axit vô cơ mạnh thường gây bỏng đó là axit sunfuric (H2SO4), axit nitric (HNO3) và axit clohidric (HCl). Đây đều là các axit có tính oxy hóa mạnh, nhất là ở nồng độ đậm đặc sẽ gây bỏng và tổn thương nhanh chóng khi tiếp xúc trực tiếp qua da.
Theo các chuyên gia, do tính chất oxy hóa mạnh nên khi tác động lên cơ thể, axit sẽ phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ, gây hoại tử từ ngoài vào trong theo cơ chế đông vón protein của cơ thể. Chất này tác động rất nhanh đến da, chỉ cần dính vào chưa đầy 5 giây có thể khiến nạn nhân bỏng nặng. Nếu không được sơ cứu kịp thời, axit sẽ tiếp tục làm cháy da, tổn thương xương và các bộ phận khác
Có thể phân biệt được một số vết bỏng do các loại axit khác nhau gây nên dựa vào hình dạng vết thương. Axit sunfuric làm da bị xám màu rồi chuyển sang nâu, vảy kết khô chắc, lõm so với da lành. Axit nitric gây vết thương màu vàng rồi chuyển thành sẫm. Vết thương do axit clohidric có màu vàng nâu. Một điểm chung đó là các vết bỏng sau khi lành lại sẽ gây ra di chứng sẹo lồi, sẹo co kéo, đặc biệt ở trẻ em.
Hầu như bất cứ bộ phận nào của cơ thể tiếp xúc trực tiếp với 3 loại axit trên đều bị tổn hại. Nếu bị tạt axit đậm đặc vào phần đầu có thể gây bỏng sâu, ăn mòn và phá hủy một phần hộp sọ, tóc biến mất và phần da đầu đó không bao giờ mọc lại nữa. Đối với tai, mũi, tiếp xúc với axit có thể gây điếc, mũi teo tóp, biến dạng, lỗ mũi đóng kín hoàn toàn do lớp sụn ở tai, mũi có thành phần chính là nước, protein và collagen.
Axit đậm đặc, nhất là axit sunfuric đặc rất háo nước sẽ nhanh chóng hút nước của sụn, ngưng kết lõi protein bên trong, phá hủy sụn hoàn toàn và gây biến dạng bộ phận tiếp xúc. Trường hợp axit bắn vào mắt, miệng, nạn nhân có thể mất hoàn toàn đôi môi, mí mắt bị đốt cháy hay biến dạng. Lúc này, việc ăn uống, sinh hoạt trở nên vô cùng khó khăn. Nếu axit bị bắn trực tiếp vào mắt sẽ gây bỏng võng mạc, nguy cơ mù lòa rất cao.
Một giả thuyết đề cập đến trường hợp nạn nhân vô tình hít phải hơi axit đậm đặc trong quá trình bị bỏng trực tiếp do axit. Hơi này gây tổn thương đường hô hấp, nếu nồng độ cao có thể gây phù phổi, thậm chí tử vong. Tình huống nặng nhất là nạn nhân uống hay nuốt phải các axit mạnh như axit sunfuric (H2SO4) và axit nitric (HNO3). Khi đó axit đi tới đâu sẽ phá hủy bộ phận cơ thể đó bởi 2 loại axit này háo nước cực mạnh, chúng sẽ hút sạch nước, ngưng kết lõi protein từ vòm họng cho tới thực quản, dạ dày…
Trong cuộc sống, có thể vì bất cẩn hoặc lý do không may nào đó khiến bạn rơi vào tình trạng bỏng axit hoặc hóa chất. Vết bỏng nhẹ thường liền tự nhiên mà không cần điều trị gì thêm. Trường hợp axit hoặc hóa chất gây bỏng da gây tổn thương nặng, hãy làm theo các bước sau:
– Khi hóa chất còn lưu trên da, cần loại bỏ nguyên nhân gây bỏng bằng cách rửa sạch hóa chất ra khỏi bề mặt da dưới vòi nước lạnh trong 15 phút trở lên. Chú ý khi rửa dưới vòi nước cần giữ tư thế sao cho không để axit chảy vào các vùng khác của cơ thể. Nếu hóa chất gây bỏng ở dạng bột như vôi, hãy chải sạch nó khỏi da trước khi rửa.
– Không cởi quần áo người bị bỏng vì như thế rất dễ gây lột da. Các vùng hoá chất hoặc axit chỉ mới bám vào quần áo thì cần nhẹ nhàng cắt bỏ, không tiếp xúc bằng tay không.
– Che phủ vùng bị bỏng bằng băng gạc khô vô trùng hoặc quần áo sạch.
– Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu ngay.
Minh Đức – Thi Trân – Lê Phương