Lộc Hà

Xóm Nam Hà – Lộc Hà: Ốc đảo bình yên

Nằm sát TP.Hà Tĩnh nhưng xóm Nam Hà (xã Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) được ví như một "ốc đảo”, bởi nơi đây có những đặc thù không giống ai và điều đặc biệt là dù khó khăn bộn bề song cuộc sống của người dân trong xóm hết sức bình yên.

Tình đoàn kết keo sơn của những con người bình dị nơi “ốc đảo” này đã làm nên nhiều điều mà khiến chính quyền xã Hộ Độ phải công nhận rằng: “Nếu xóm nào cũng được như Nam Hà thì Hộ Độ nay đã khác”.

Con đường mơ ước

Con đường nhỏ chỉ có người đi bộ và xe thô sơ mới lọt dưới chân cầu Hộ Độ đưa chúng tôi về xóm Nam Hà. Nhìn tổng thể thì “tường bao” của xóm là những ao, hồ, đầm tạo thành một khu biệt lập với những ngôi nhà mọc khá thưa thớt. Khác xa với sự ồn ào, náo nhiệt của chốn đô thị, nơi đây ẩn chứa sự thanh bình, yên ả và hơn hết thảy là sự gắn bó thân thiết của những người dân vùng nước mặn, có lẽ chính hoàn cảnh khó khăn đã đưa họ đến với nhau bằng tình cảm chân thành và làm nên những kỳ tích trước sự nghiệt ngã của thiên nhiên.

Nam Hà có vẻn vẹn 87 hộ dân, họ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, thế nhưng cả xóm chỉ có 7 hộ nghèo chiếm 6,7% – thấp nhất xã. Điều này sẽ dễ hiểu nếu như Nam Hà không đặc biệt như những thôn khác. Trước đây, thôn Nam Hà nằm trơ trọi trên một vùng đất nhô lên giữa mặt nước, các hộ dân phải dùng thuyền, bè làm phương tiện đi lại, giao thương với đất liền. Năm 1974, nhân dân đã phối hợp với nhau cùng đắp lên một con đường nhỏ để đi lại, đồng thời là con đê để ngăn nước. Hằng năm khi mùa bão, lũ đến Nam Hà lại ngập sâu trong nước, chỉ cần báo động có mưa lớn hay bão nhỏ là cả làng lại bắt đầu “tay xách, nách mang” rủ nhau đi lánh nạn. Sau mỗi đợt sơ tán, con đường nhỏ ấy lại bị vơi đi ít nhiều đất và nhân dân lại đào, đắp thêm. Sau đó, mỗi hộ gia đình đã tự nguyện đóng góp từ 1 đến 2 triệu đồng để làm đường bê tông nên hiện nay mới đi lại được dễ dàng, tuy nhiên ô tô vẫn chưa thể vào thôn được.

Đối với mỗi đời người thì làm một ngôi nhà để ở có lẽ là một việc làm quan trọng và khó nhọc nhất, với dân Nam Hà thì điều đó lại tăng lên gấp bội khi họ phải chở vật liệu bằng xe máy. Vật liệu mua về phải tập kết bên lề Quốc lộ 1A, sau đó cho vào bao tải rồi đưa lên xe máy chở vào làng.

Ông Trương Khắc Hộ – Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Nam Hà kể: “Mỗi khi có nhà nào trong thôn xây dựng một công trình nào đó thì anh em, bà con, làng xóm tập trung xe máy vận chuyển phụ giúp. Công vận chuyển vật liệu là điều lo ngại nhất đối với người dân trong thôn, chính vì phải vận chuyển bằng cách đó nên giá mỗi ngôi nhà đội lên gấp rưỡi, gấp đôi so với những ngôi nhà bình thường khác. Thế nhưng được cái bà con thương yêu, tương trợ lẫn nhau có truyền thống nên dù vất vả nhưng vẫn vui vẻ và qua đó càng thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Tuy nhiên, cả thôn đang mơ ước có một con đường đi lại thuận tiện hơn, nếu có con đường tốt thì thôn Nam Hà nay đã đông đúc hơn, cuộc sống đã khấm khá hơn”.

Xứng đáng là “Làng văn hóa”

Nhiều năm liền Nam Hà được công nhận là Khu dân cư (KDC) tiên tiến nhưng vẫn chưa đạt danh hiệu “KDC văn hóa”, đó là điều đáng tiếc đối với một địa phương xuất sắc như vậy.

Nhân dân Nam Hà có tinh thần đoàn kết rất lớn, các tổ chức đoàn thể trong thôn luôn phát huy tốt vai trò của mình. Đặc biệt, Ban công tác Mặt trận đã khéo léo lồng ghép CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” vào tất cả các phong trào hoạt động của địa phương, nên mọi mặt đời sống của nhân dân đều có những thành tích đáng ghi nhận. Tất cả các kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ cũng như các CVĐ từ cấp trên truyền đạt xuống đều được địa phương thực hiện nghiêm túc, không có một nhiệm vụ nào không hoàn thành. Tinh thần “tương thân tương ái”, “nhường cơm sẻ áo” thể hiện rõ rệt trong CVĐ “Ngày vì người nghèo” ở thôn Nam Hà dù người dân nơi đây đang rất khó khăn, mỗi khi CVĐ gây quỹ phát động thì nhân dân tự nguyện đem tiền đến nhà bí thư để quyên góp. Hay như gia đình bà Lê Thị Chắt đã nhường suất hộ nghèo của mình cho nhà khác, vì con trai của bà là anh Trần Đình Sở cho rằng “không sung sướng gì khi là hộ nghèo”.

“Mọi khoản đóng góp, ủng hộ hay công việc nào chỉ cần lên loa phát thanh thông báo là bà con chúng tôi đến tận nhà ban chỉ huy xóm để đóng nộp. Có việc gì quan trọng thì đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai nên dân ở đây rất đồng tình. Trong thôn không xảy ra tình trạng gây mất trật tự, không có tệ nạn, đoàn thanh niên các nơi khác thì khó tập hợp nhưng xóm Nam Hà thì lại rất đoàn kết. Mỗi khi có đám ma chay thì dân Nam Hà dù ở xa mấy cũng về phúng viếng đàng hoàng và không tổ chức ăn uống, không rải vàng mã như những nơi khác…Chúng tôi rất yêu cuộc sống ở đây nhưng đất ít mà ao hồ nhiều, đường sá khó khăn nên không thu hút được con em ở lại nhiều để gây dựng quê nhà”, ông Trần Văn Niêm – một người dân trong thôn Nam Hà chia sẻ.

Mặc dù mọi phong trào ở Nam Hà rất tốt nhưng vẫn không được công nhận “Làng văn hóa”, lý giải cho điều này ông Nguyễn Xuân Tương – Chủ tịch MTTQ xã Hộ Độ cho biết: “Nam Hà có truyền thống đoàn kết mà không một đơn vị nào so sánh được, tinh thần nội lực phát huy rất khá, hoàn thành xuất sắc tất cả các CVĐ, các phong trào thi đua. Nếu có nhà văn hóa thì xóm Nam Hà đã được công nhận làng văn hóa lâu rồi”. Ông Trương Bá Khanh – Bí thư Đảng ủy xã Hộ Độ cũng công nhận: “Thôn Nam Hà là một thôn đặc thù của xã Hộ Độ, sống biệt lập nhưng lại có tinh thần đoàn kết rất cao. Nếu xóm nào cũng được như Nam Hà thì xã Hộ Độ nay đã khác”.

Hiện nay, nhà văn hóa kiêm nhà tránh lũ đang được đầu tư xây dựng ở Nam Hà, và như thông tin từ ông Khanh thì con đường nối liền xóm Nam Hà với Quốc lộ 1A đã được phê duyệt, chỉ còn một thời gian ngắn nữa sẽ thi công. Sự quan tâm của chính quyền các cấp ở huyện Lộc Hà và tỉnh Hà Tĩnh đang dần nhen nhóm một cuộc sống tốt đẹp cho người dân ở xóm Nam Hà, góp phần làm cho “ốc đảo” này thêm bình yên và phát triển.

Hạnh Nguyên

ĐĐK

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP