>> Hội đồng BTGPMB huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh bị tố có nhiều sai phạm
Ông Vũ Trung Tiến – Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng
Ngày 27/11/2016, Tạp chí Điện tử Tri ân đăng tải bài viết phản ánh những sai phạm của Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khiến nhiều hộ dân ở xã Kỳ Thượng không được hưởng tái định cư theo quy định.
Sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương và sai phạm của Hội đồng BTGPMB huyện Kỳ Anh đã rõ. Thế nhưng, những tập thể này không tập trung giải quyết những vướng mắc tồn đọng mà còn chuyền bóng trách nhiệm cho nhau. Biện minh vòng vo một cách vô lý là cách trả lời trước dư luận của vị cán bộ phụ trách BTGPMB huyện Kỳ Anh.
Đơn xác nhận của cán bộ xã Kỳ Thượng qua các thời kỳ từ 1996 đến 2013
Ông Trần Bá Tình – tổ trưởng kiểm kê thuộc Hội đồng BTGPMB huyện Kỳ Anh cho rằng, số diện tích 1516.4 m2 đất trồng cây hàng năm của chị Nguyễn Thị Xuyến, được thể hiện tờ bản đồ số 8 thửa 114 A nằm trong tổng diện tích 9031,3m2, chỉ được đền bù 30% là đúng vì diện tích này vượt qua hạn mức giao đất nông nghiệp theo luật đất đai. Tuy nhiên, trong khi bảo “người dân tự mở luật đất đai ra để kiểm chứng”, thì vị cán bộ này lại không hiểu rõ luật.
Tại điểm b, khoản 1, điều 129 luật đất đai năm 2013 nêu rõ: “Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau: a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác”.
Như vậy, diện tích 1516.4 m2 trong tổng 9031,3 m2 của chị Xuyến chưa đến 1 hecta nhưng Hội đồng BTGPMB huyện Kỳ Anh chỉ đền bù 30% là chưa đúng quy định.
“Việc các hộ dân này không được cấp tái định cư là vì trong diện tích đất thu hồi không có đất nhà ở, đất nằm trong ranh giới đất của công ty Cao su Hà Tĩnh. Với các diện tích của chị Xuyến bị nhầm lẫn với các hộ dân đứng tên nhận đền bù, chúng tôi sẽ rà soát thu hồi trả lại cho chị Xuyến” – ông Tình nói.
Anh Nguyễn Văn Hiếu, một trong những chủ hộ không được cấp tái định cư tại xã Kỳ Thượng, thắc mắc: “Đất của người dân khai hoang và sử dụng hàng chục năm nay nhưng chính quyền không bóc tách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân. Nay thu hồi đất, dân không được cấp tái định cư thì lấy đất đâu mà ở?”.
Hồ sơ bồi thường thể hiện rõ nguồn gốc đất sử dụng ổn định trước khi tỉnh giao đất cho công ty Cao su
“Hầu hết những hộ dân khác ở thôn Phúc Thành 2 (thuộc xã Kỳ Thượng – PV) cũng đều không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và cũng có đất nằm trong ranh giới của Công ty Cao su nhưng vẫn được hưởng tái định cư hoặc tái định cư tự do. Chỉ riêng vài hộ chúng tôi là không. Trong khi chúng tôi cũng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với đất đai, đối với nhà nước. Chúng tôi cũng không thuộc đối tượng di chuyển và tiếp nhận vào vùng quy hoạch sắp xếp dân cư theo quyết định 2776 của UBND tỉnh” – anh Hiếu tiếp tục nói trong sự bức xúc.
Ông Lê Văn Thọ – Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng khẳng định: “Trong công tác đền bù không tránh khỏi sai sót, vừa rồi anh em mới kiểm tra về tuy chưa có kết quả nhưng cũng tiến hành giải quyết cho bà con đúng theo quy định của pháp luật. Để thực hiện cho thấu đáo, Hội đồng đền bù đã soát xét lại hồ sơ từ kiểm kê đến đo vẽ bản đồ của đơn vị tư vấn Hồng Linh để có cơ sở, căn cứ xác định để đền bù cho bà con. Đối với hộ của chị Xuyến đang kiến nghị một số vấn đề, hiện nay chúng tôi cũng đang tập trung giải quyết”.
“Đặc biệt khi tách huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, nhân sự cán bộ Hội đồng BTGPMB hỗ trợ tái định cư có sự xáo trộn, một số cán bộ sai phạm bị xử lý, còn những cán bộ mới lên chưa quen việc nên thiếu sót là không thể tránh khỏi” – ông Thọ cho biết thêm.
Quang Toản – Đình Xuân