Máy bay không được hạ cánh, cất cánh
Cục hàng không Việt vừa có thông cáo chính thức cho biết đang tổ chức điều tra, kiểm tra tổng thể, toàn diện hoạt động của Đài kiểm soát không lưu Cát Bi để xử lý lỗi hệ thống và yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện các biện pháp triệt để nhằm ngăn chặn, phòng ngừa sự cố trong tương lai.
Đồng thời, việc này để làm rõ việc hai máy bay của hãng hàng không VietJet không liên lạc được với đài Kiểm soát không lưu sân bay Cát Bi, Hải Phòng, tối ngày 9/3.
Cũng theo Cục hàng không, ngày 9/3, tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã xảy ra sự cố tàu bay VJC921 đường bay Hải Phòng – Hàn Quốc và VJC292 đường bay thành phố Hồ Chí Minh – Hải Phòng không thiết lập được liên lạc với Đài kiểm soát không lưu Cát Bi từ 22h51 (giờ Hà Nội).
Cụ thể, chuyến bay số hiệu VJ 921 từ Hải Phòng đi Seoul (Hàn Quốc) dự kiến cất cánh tại sân bay Cát Bi lúc 23h45 ngày 9-3. Nhưng trong khoảng thời gian từ 22h51 đến 23h24, cơ trưởng liên lạc với đài kiểm soát không lưu 29 lần mà không nhận được trả lời.
Đài Kiểm soát không lưu sân bay Cát Bi |
Đến 23h24, kiểm soát viên không lưu mới trả lời. Chuyến bay này cất cánh an toàn lúc 23h58 (chậm 13 phút so với dự kiến). Như vậy, cơ trưởng chuyến bay không liên lạc được với kiểm soát viên không lưu trong khoảng 32 phút.
Còn chuyến bay số hiệu VJ 292 từ TP.HCM đến Hải Phòng dự kiến hạ cánh tại Cát Bi lúc 23h30. Nhưng từ 23h14 đến 23h38, cơ trưởng chuyến bay đã liên lạc với đài kiểm soát không lưu 10 lần nhưng không nhận được trả lời.
Đến 23h39, kiểm soát viên không lưu mới trả lời. Chuyến bay này hạ cánh an toàn xuống sân bay Cát Bi lúc 23h54 (chậm 24 phút so với dự định). Tổng cộng thời gian cơ trưởng không thể liên lạc với kiểm soát viên không lưu là 23 phút.
Đến 23h24, tàu bay VJC921 mới thiết lập được liên lạc, xin huấn lệnh khởi hành và cất cánh an toàn lúc 23h58. Đến 23h38, tàu bay VJC292 thiết lập được liên lạc và được điều hành hạ cánh an toàn lúc 23h54.
Đây là sự cố gián đoạn dịch vụ không lưu uy hiếp an toàn cao. Nguyên nhân trực tiếp được xác định là kíp trực Đài kiểm soát không lưu đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về giao nhận và duy trì nhiệm vụ ca trực dẫn đến sự cố.
Báo cáo Cục hàng không, Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết thời điểm xảy ra sự việc trên, trang thiết bị của Đài kiểm soát không lưu Cát Bi hoạt động bình thường.
Thời điểm xảy ra vụ việc, ca trực của Đài kiểm soát không lưu Cát Bi có 3 người gồm: 2 kiểm soát viên không lưu (1 người trực chính, 1 người trực hiệp đồng) và 1 nhân viên trực kỹ thuật.
Theo tìm hiểu ban đầu của các cơ quan liên quan, kiểm soát viên không lưu trực hiệp đồng không có mặt tại vị trí trực từ 21h40 ngày 9/3 đến 5h40 phút ngày 10/3. Còn kiểm soát viên không lưu trực chính đã ngủ từ 21h40 đến 23h15, ngày 9/3.
Cục Hàng không Việt Nam đã đình chỉ thực hiện nhiệm vụ của kíp trực, chỉ đạo Cảng vụ hàng không miền Bắc xử phạt hành chính đối với hai kiểm soát viên của kíp trực nêu trên.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã thực hiện xử lý kỷ luật kiểm soát viên vi phạm theo quy định; đình chỉ nhiệm vụ Đài trưởng, cử Phó trưởng Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội có kinh nghiệm thay thế và trực tiếp quản lý, điều hành Đài kiểm soát không lưu Cát Bi, đồng thời tăng cường 02 kiểm soát viên không lưu thay thế cho các kiểm soát viên vi phạm.
Chuyện không tưởng
Trước sự cố trên, tối ngày 21/3, Đất Việt đã liên hệ ngay với PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết:
“Thời gian chuyến bay từ Hải Phòng đi Seoul mất liên lạc với không lưu 32 phút, muốn cất cánh mà không cất cánh được; còn chuyến bay từ TPHCM về Cát Bi phải chờ 23 phút, tất cả các sự chậm trễ này đều chứa đựng sự nguy hiểm.
Vì bình thường trước khi máy bay cất cánh là có dự kiến hạ cánh, các đài kiểm soát không lưu đều được thông báo.
Sự cố dưới mặt đất đã nguy hiểm còn sự cố trên không còn nguy hiểm hơn, vì nhiều máy bay mà bay vòng trên trời bị thiếu xăng thì không lường trước được hậu quả. Chuyện mất liên lạc trên, là do kiểm soát viên ngủ thì đúng là nực cười, chuyện không tưởng.
Bình thường ở các đài không lưu phải có người, thậm chí người theo dõi các kiểm soát viên có làm việc hay không bằng camera. Hơn nữa, một đài không lưu không thể có một người, phải rất nhiều người, nên chuyện không liên lạc được mấy chục phút là hoàn toàn vô lý.
Đặc biệt, thời gian kiểm soát viên này ngủ là ngủ giấc sâu gần 2h chứ không phải ngủ gật”.
Qua sự cố trên, theo ông Tống, nhân lực của ngành hàng không hiện nay chưa theo đúng tiêu chuẩn của nó, đừng nghĩ cứ xây sân bay, huấn luyện là được, vấn đề không chỉ là huấn luyện mà còn là tính chất kỷ luật, nghiêm túc của cả hệ thống.
Tuyển dụng thì toàn con ông cháu cha, chỗ nào điều kiện công tác, lương bổng tốt thì thường quen biết, gửi gắm, quan hệ gửi vào, nên không tuyển dụng đúng người tài năng, thiếu cạnh tranh, công khai, minh bạch. Mà những việc liên quan đến tính mạng của hàng trăm con người lại giao cho người thiếu trình độ chuyên môn là rất nguy hại.
“Ở đây, người kiểm soát viên phải chịu trách nhiệm và người quản lý cao nhất ở sân bay Cát Bi cũng phải từ chức, chứ đừng chỉ rút kinh nghiệm. Phải để người quản lý sân bay trả lời rõ tại sao tuyển dụng kiểm soát viên đó vào làm, rồi xử lý?”, ông Tống nhấn mạnh.
Châu An