Các Sở - Ban - Ngành

Bộ trưởng GTVT: Mong làm rõ vụ Chủ tịch Bắc Ninh kêu cứu

Bộ trưởng GTVT mong muốn làm rõ có gì tiêu cực trong cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến các dự án nạo vét sông mà nhiều địa phương kêu cứu lên Thủ tướng vừa qua.

Giải trình về việc cấp phép quản lý việc nạo vét luồng lạch lòng sông tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng sáng nay, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết ông đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng.

Ủng hộ địa phương quản lý

Theo Bộ trưởng Nghĩa, việc khai thác cát theo hình thức tận thu sản phẩm để làm luồng, dẫn đến bất cập trong quản lý của địa phương.

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa

“Tôi nghĩ nên giao địa phương chủ động cấp phép, Bộ phối hợp với địa phương quản lý luồng của mình thôi, còn tận thu để địa phương căn cứ theo yêu cầu của mình và như vậy địa phương mới quản được”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng GTVT kể ông đi công tác từ Nam ra Bắc thấy mỗi nơi có một loại hình nhưng đều có ý phàn nàn “ở địa phương bao nhiêu thứ thiệt hại mà chả được quyền lợi gì”.

“Bộ hoàn toàn ủng hộ đề xuất địa phương cấp phép. Riêng Bộ chỉ đạo đường thuỷ nội địa dừng hết và kiểm điểm, đánh giá lại”, ông Nghĩa nhấn mạnh,

Ông cũng cho biết hướng của Thủ tướng chỉ đạo cần nghiên cứu đối với những dự án vẫn phải nạo vét, vẫn phải tận thu để có nguồn nạo vét nhưng phải thông qua địa phương.

Bộ trưởng GTVT cho rằng địa phương nói đúng: “Chỗ nạo không nạo mà toàn nạo vào bờ. Tàu đứng một chỗ nhưng cái vòi chui tận đâu. Đấy là thực tế”.

Năm 2016, Bộ giao thanh tra phải xử việc này. Riêng trường hợp Bắc Ninh, Thủ tướng đã chỉ đạo và Bộ Công an vào cuộc, Bộ rất mong có gì tiêu cực trong cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Cục Đường thuỷ nội địa, thì làm rõ.

Ông cũng cho biết vừa rồi Bộ đã dừng 3 thanh tra của Cục để xem xét. Các tiêu cực khác qua đợt này quyết liệt chỉ ra: một là cơ quan nhà nước, hai là xã hội đen trong hoạt động này.

Báo cáo tình hình cấp phép quản lý các dự án nạo vét luồng sông, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa cho biết Bộ quản lý 137 tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia với chiều dài 7.000km.

“Nguyên tắc là ngân sách nhà nước đầu tư nạo vét tuyến luồng này hàng năm nhưng trên thực tế do điều kiện ngân sách hạn chế nên mỗi năm Chính phủ chỉ bố trí cho ngành đường thủy nội địa 50 tỷ đồng để nạo vét 40/7.000km”, ông Giang giải thích.

Cục trưởng thông tin, thời gian qua bộ đã chấm dứt nhiều dự án. Cuối 2016 chấm dứt tiếp 16 dự án hết hạn hợp đồng và không gia hạn. Sau khi chấm dứt dự án sông Cầu chỉ còn 14 dự án và kết thúc cuối 2017, sang 2018 còn 2 dự án.

Về tình hình khai thác khoáng sản trên sông, ông Giang cho hay hiện có 14 dự án do Bộ cấp, 600 mỏ khai thác cát trên các tuyến sông do địa phương cấp, trong đó có 166 cấp song song tuyến đường thuỷ nội địa.

“Điều nay gây bất cập lớn trong công tác quản lý”, ông Giang nói.

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT)

Ông Giang cũng thông tin thêm, ngành giao thông chỉ quản lý rộng nhất là 80m lòng sông và 20m gần hành lang, còn lại đến bờ các địa phương quản lý. Đây cũng là bất cập để các đối tượng lợi dụng chồng lấn giữa các bên khai thác cát vi phạm.

Bộ phối hợp với địa phương

Nghe vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cắt ngang: “Quy trình, quy định đúng rồi, vấn đề về thông luồng nội địa để tàu đi là đúng rồi nhưng 80m Bộ quản lý hiện nay đang chồng lấn các dự án khai thác mỏ. “Chưa nói việc ‘thò vòi’ lung tung. Quan trọng là cái vòi nằm ở đâu chứ không phải cái đầu nằm ở đâu”, Chủ nhiệm VPCP lưu ý.

Bộ trưởng Dũng cũng lưu ý quy định như vậy nhưng thực tế lại khác. “Hôm vừa rồi tôi về quê, dân xung quanh sông Hồng mang cuốc xẻng đánh nhau với những người khai thác cát, không khéo đánh nhau đổ máu, năm 2014 đã đánh đổ máu ở đây rồI”, ông kể.

Ông cũng lưu ý tình trạng chồng lấn trong quản lý cũng khiến các nhà khai thác “đánh nhau”. “Không quản lý tốt cái này thì không chỉ riêng Bắc Ninh, riêng sông Cầu mà toàn bộ dọc tuyến sông Hồng đều như thế hết. Cho nên vấn đề là phối hợp với địa phương như thế nào”, Chủ nhiệm VPCP nêu.

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa tiếp tục giải thích, trong các văn bản đều có quy trình đầu tiên các địa phương phải có ý kiến đồng thuận. Ông dẫn lại trường hợp của Bắc Ninh và Bắc Giang đã có văn bản đồng thuận với Bộ. Hai địa phương này cũng đã thu mấy trăm triệu của nhà đầu tư cấp quỹ khai thác bảo vệ môi trường, bảo vệ đê điều…

Nghe vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tiếp tục nhắc lại việc quản lý 80m lòng sông thì Bộ với địa phương nên thống nhất ai cấp phép chỗ nào. Các nhà khai thác không chỉ hút 80m và vấn đề khai thác 80m này địa phương không có gì.

“Đấy là vấn đề liên quan đến quyền lợi”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Giang nhắc lại việc cuối năm 2016, Bộ không cấp thêm dự án mới nào và cũng không gia hạn, điều chỉnh các dự án để kết thúc sớm các dự án này.

“Ngày 14/3, sau khi kiểm tra giám sát, có 9/14 dự án còn tồn tại bất cập nên Bộ đã tạm dừng”, ông Giang cho biết.

Chốt lại vấn đề, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng GTVT nên phân cấp quyền cấp phép và quản lý việc nạo vét khơi thông luồng sông cho địa phương thay vì Cục Đường thủy nội địa.

Lợi dụng nạo vét lòng sông để hút cát?

Theo phản ánh của người dân và chính quyền huyện Quế Võ (Bắc Ninh), tình trạng khai thác cát trên sông thời gian qua dẫn đến sạt lở đê nghiêm trọng. Tại một số đoạn lòng sông hẹp, phần đê bị sạt lở sát vào chân đê.

Mặc dù, việc hút cát diễn ra ở tỉnh Bắc Giang nhưng Bắc Ninh cũng bị ảnh hưởng do sông Cầu là giáp ranh giữa 2 tỉnh.

Điển hình là tại vị trí K74+400–K74+500 đê hữu sông Cầu thuộc địa phận huyện Quế Võ đầu tháng 3/2016 đã bị sạt lở một đoạn dài 50m, ăn sâu vào bãi 5-10m…
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Võ cho biết, sau khi được Cục Đường thủy nội địa cấp phép nạo vét, công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu đã lợi dụng việc nạo vét lòng sông để hút cát.

Nếu theo đúng giấy phép, một năm công ty chỉ được nạo vét 35.000m3, nhưng với tốc độ khai thác ngày đêm như thời gian vừa qua thì chỉ 2 ngày là khai thác xong 35.000m3.

“Việc khai thác thông luồng toàn tuyến lẽ ra chỗ nào nông đều phải nạo vét chứ làm gì có chuyện chỉ khai thác một vài điểm. Tại sao 3-4 điểm cạn ở Phù Lãng không có khoáng sản, chỉ có đất họ lại không hút?” – ông Thành băn khoăn.

Ông Nguyễn Thành Bắc, Trưởng phòng Tài nguyên nước & Khoáng sản Sở TN&MT Bắc Ninh cho hay: Dự án nạo vét sông Cầu được triển khai từ 2014 nhưng đầu năm 2015 thì đơn vị trục vớt xin dừng thực hiện. Đến mùa khô 2015 đầu 2016 lại có văn bản xin Bắc Ninh cho triển khai sau khi đã thực hiện dự án ở Bắc Giang.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, triển khai lại cho thấy có nhiều bất cập không đúng với tinh thần nạo vét luồng.

“Việc khai thác luồng quá diện tích cũng như quá độ sâu, khối lượng cho phép và có tình trạng lợi dụng để khai thác cát trái phép. Do vậy tỉnh nhiều lần đề nghị Bộ GTVT cho dừng dự án”, ông Bắc nói.

Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Trần Văn Thọ, việc dừng dự án là do ý kiến của tỉnh Bắc Ninh và ý kiến của công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu.

“Chính DN này phản ánh, trong phạm vi dự án vẫn có một số phương tiện không phải của DN vào khai thác cát nên DN xin Cục dừng dự án”, ông Thọ nói.

Vũ Điệp – Kiên Trung/Theo Vienamnet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP