Người đương thời

Viết về bác sỹ Nguyễn Viết Đồng, GĐ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh (Bài 1)

Đã có một thời gian dài trước đây, BVĐK Hà Tĩnh trở thành đề tài đàm tiếu, chê bai của mọi người về sự xuống cấp toàn diện. Thế mà, chỉ chưa đầy 3 năm lên làm Giám đốc, với tư tưởng chỉ đạo “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, Bác sỹ CK II – Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh Nguyễn Viết Đồng đã làm cho bệnh viện “ lột xác” đến bất ngờ, như nhận xét của GS – TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế trong lần về thăm  đầu tháng 10/2016.

Bài 1: Đổi mới phong cách làm việc, chấn chỉnh y đức

hatinh24h
Khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh sau ngày “lột xác”

Chỉ mới không xa, có dịp đi qua Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh hoặc bất đắc dĩ phải vào làm bệnh nhân của bệnh viện này, bạn sẽ được “nếm trải” sự bực dọc, ngán ngẩm từ trong ra ngoài. Đập vào mắt mọi người là sự lộn xộn, hỗn mang của đủ loại hàng quán, ki ốt vây kín mặt tiền của bệnh viện. Tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, gây gổ, tranh dành, chèo kéo khách xẩy ra thường xuyên trước cổng viện. Bước chân vào bên trong cũng chẳng khá hơn. Nhà cửa, phòng ốc xuống cấp; rác rưởi ngập tràn khắp nơi; nạn trộm cắp lộng hành ngày đêm, ống kim tiêm chích ma túy vứt đầy, trở thành nỗi lo thường trực của cả bệnh nhân lẫn người nhà người bệnh. Bảo vệ uống rượu, chơi bài, đóng phòng nằm ngủ khi đang làm nhiệm vụ.

Người ngoài đã vậy, kẻ trong cuộc cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Bệnh viện quá cũ, cơ sở vật chất vừa nghèo nàn vừa lạc hậu. Đời sống CBVC hết sức khó khăn, nhiều người làm việc chiếu lệ, tắc trách, “chân ngoài dài hơn chân trong”. Y  đức vì thế bị sa sút, chuyên môn không phát triển. Đã một thời câu nói: “Đói ăn rau, đau đi Hà Nội” trở thành câu cửa miệng của người dân. Lòng tin của bệnh nhân đối với bệnh viện giảm sút nghiêm trọng.

Ngày 15/12/2012 như một ngày đáng nhớ của CBVC ở đây, ngày mà bác sỹ Nguyễn Viết Đồng được trên bổ nhiệm làm Giám đốc bệnh viện.

Tiếp nhận cái cơ ngơi này, vốn là người đã gắn bó với bệnh viện từ khi còn là một bác sĩ khoa Nhi, trưởng thành lên từ lãnh đạo của nhiều khoa, phòng và hôm nay Phó giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc bệnh viện nên Bác sỹ Nguyễn Viết Đồng biết phải giải quyết vấn đề từ khâu nào.

Ông tâm sự: “Phải bằng mọi cách lấy lại niềm tin của người bệnh, bắt đầu từ nâng cao y đức, chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc, rồi đến cơ sở vật chất của bệnh viện.”. Ông bàn bạc cùng Ban Thường vụ Đảng uỷ và Ban Giám đốc triển khai một số giải pháp cấp bách như: giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu các khoa, phòng, ban, bộ phận và Ban giám đốc; lời nói đi đôi với việc làm cho CBVC. Bắt đầu từ Chỉ thị 03 của T.W về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, lấy việc rèn luyện đạo đức, phong cách người thầy thuốc theo đúng lời dạy của Bác Hồ: “ Lương y như từ mẫu”. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Đặc biệt trong đó có mục 7: Quyết liệt chấn chỉnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Từ đảng bộ, các chi bộ, khoa phòng cho đến từng đảng viên, cán bộ, nhân viên trong bệnh viện đều được học tập, quán triệt kỹ mục tiêu, chương trình hành động của tập thể và cá nhân mình, chung sức đồng lòng đưa bệnh viện tiến về phía trước.

Vốn là người có tài bao quát công việc quản lý ở tầm vĩ mô, trong điều hành quản lý, quản trị bệnh viện, Bác sỹ Nguyễn Viết Đồng không bỏ qua điều gì, kể cả những việc nhỏ nhất. Để đưa bệnh viện vào nề nếp công việc một cách khoa học, chuyên nghiệp, ông bảo “phải tự mình làm gương trước!”

Hàng ngày như đã được lập trình, đều đặn cứ 5h40 sáng là ông đã có ở phòng giám đốc soát xét lại công việc trong ngày và chuẩn bị chủ trì giao ban Bệnh viện. 6 giờ, đi một vòng kiểm tra các khoa phòng, ngoại cảnh (kể cả từng buồng vệ sinh, khu rác thải, vườn hoa, nơi ngồi đợi của bệnh nhân…) Khoảng 30-40 phút sau, nắm được toàn bộ tình hình một cách cụ thể, ông về phòng tổng hợp lại trong sổ sách giao ban. Vì thế, những nhận xét, nhắc nhở của giám đốc “như đi guốc trong bụng”, khiến lãnh đạo các khoa, phòng chỉ biết im lặng mà tiếp thu.

Giám đốc Nguyễn Viết Đồng chủ trì giao ban đầu tuần
Giám đốc Nguyễn Viết Đồng chủ trì giao ban đầu tuần

Cô Nguyễn Thị Liệu, y sỹ khoa chấn thương kể: ngày trước, y, bác sỹ trực đêm thường đóng cửa lại xem ti vi, chơi vi tính…Một vài lần, bác sĩ Đồng bí mật vi hành, giả làm người nhà bệnh nhân gọi cửa “cấp cứu”, không ai trả lời, thậm chí chẳng thèm dậy mở cửa. Đến khi nhận ra đó là “sếp”của mình thì đã muộn! Ông không chỉ đi kiểm tra một khoa mà là ở nhiều khoa. Để giữ bí mật, bất ngờ, ông không đi xe riêng mà bắt tắc xi từ nhà, đến bệnh viện, ông đi bộ, lặng lẽ không cho ai biết, kể cả anh em bảo vệ. Từ thực tế đó, ông trao đối với Ban Giám đốc thu tất cả ti vi phòng trực chuyển vào phòng bệnh nhân, hoặc phòng chờ cho bà con xem. Máy vi tính tập trung về phòng nghiên cứu khoa học ai cần lên đó tách bạch làm việc, lấy thông tin. Các phòng trực, cho thay bỏ hệ thống kính mờ; điện luôn bật sáng, cửa phòng luôn mở để bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dễ thấy và gọi được người trực của khoa khi cần.

Một ví dụ để thấy được tầm vĩ mô của một người đúng đầu đơn vị. Năm 2013, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã có công văn số 217 về quán triệt thực hiện tốt nhiệm vụ bệnh viện, nhằm chấn chỉnh phong cách, thái độ giao tiếp, ứng xử của CBVC đối với bệnh nhân (tức là trước 2 năm khi có chỉ thị của Bộ Y tế về vấn đề này). Theo nhiều bác sỹ thâm niên ở đây, công văn số 217 đã làm thay đổi hẳn tư duy, thái độ, cách phục vụ của y, bác sỹ và sự vận hành của cả bệnh viện. Nó làm chuyển trạng thái từ “ban ơn” sang phục vụ, hoán đổi vị trí người bệnh thành “thượng đế”, khách hàng. Giám đốc Đồng thường nói với mọi người: “ Không có bệnh nhân thì không có bệnh viện, không có thầy thuốc. Chúng ta phải chịu ơn họ, vì chính họ là người quyết định sự tồn tại của ta”.

Biểu dương các cá nhân, tập thể đạt thành tích tốt trong khám, chữa bệnh
Biểu dương các cá nhân, tập thể đạt thành tích tốt trong khám, chữa bệnh

Đề cập vấn đề này, bác sĩ Trưởng phòng Quản lý chất lượng của bệnh viện- Hoàng Song Hào cho biết: “vạn sự khởi đầu nan”. Để làm thay đổi nếp nghĩ, cách  làm đã trở thành cố hữu của cả một lớp người, không dễ dàng chút nào. Quá trình vận hành theo sự đổi mới, từ thái cực này sang thái cực khác, bước đầu vấp phải sự phản ứng không nhỏ, đặc biệt là với một số trưởng, phó khoa, bác sĩ thuộc hàng “ trưởng lão”. Tuy nhiên với thái độ bình tĩnh, cách trao đổi, tiếp cận khéo léo, vừa mềm dẻo vừa quyết liệt, có lý có tình, Giám đốc Nguyễn Viết Đồng đã thuyết phục được mọi người, kể cả những cộng sự khó tính nhất, những người từng chống lại sự cải cách, đổi mới bệnh viện.

Bằng sự thấu hiểu, lắng nghe, chia sẻ với những lo âu, suy nghĩ của người bệnh, Bác sỹ Nguyễn Viết Đồng đã quán triệt cán bộ, viên chức, người lao động bệnh viện khi tiếp xúc người bệnh phải coi họ như người thân của mình “coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”, đến việc tổ chức thực hiện các biện pháp lập lại trật tự, kỷ cương trong, ngoài bệnh viện một cách quyết liệt, triệt để, Giám đốc Nguyễn Viết Đồng đã cùng mọi người làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của bệnh viện. Ông luôn canh cánh trong lòng một triết lý sống và hành động: “ Phải lấy Y đức làm cố tử, coi bệnh nhân là trung tâm của mọi hoạt động, chuyên môn là quan trọng nhất, đội ngũ CBVC là tài sản vô giá. Phải ra sức chăm lo đời sống vật chất, tình thần cho người bệnh cũng như cán bộ viên chức của bệnh viện”.

Khắc Hiển

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP