Giáo dục

Trường học nhận rác thải nhựa thay cho học phí

Một trường học ở Đông Bắc Ấn Độ đã thực hiện một cách tiếp cận mới để giải quyết rác thải nhựa, đó là yêu cầu học sinh nộp rác thải thay vì học phí.

Hàng tuần, 110 học sinh của trường Akshar Forum, ngoại ô thành phố Dispur thuộc bang Assam, Ấn Độ đều được yêu cầu nộp 20 vật nhựa bỏ đi mà các em thu thập được tại khu vực địa phương. Nếu nộp đủ số rác, các em học sinh sẽ không phải đóng học phí.

"Việc sử dụng nhựa đang lan tràn khắp Assam", bà Parmita Sarma, người khởi xướng dự án cùng với chồng mình, Mazin Mukhtar nói.

Theo tổ chức phi chính phủ địa phương Envir, chỉ tính riêng Dispur - nơi chưa đầy 1 triệu người sinh sống - đã thải 37 tấn rác thải mỗi ngày, tăng gấp 7 lần trong 14 năm qua.

"Vì vậy, chúng tôi đã nói với các bậc phụ huynh rằng nếu muốn con họ được học miễn phí tại trường, hãy gửi rác thải nhựa tới đây”.

Học sinh muốn được học miễn phí tại trường, cần gửi rác thải nhựa tới

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng phải thực hiện một cam kết không đốt rác thải nhựa. Điều này đã làm tăng nhận thức đáng kể trong khu vực địa phương. Sau khi thu gom, trường Akshar còn thực hiện tái chế nhựa khá tốt.

“Trước đó, chúng tôi đã từng đốt nhựa và không biết rằng loại khí phát ra từ đó có thể gây hại cho sức khỏe và môi trường. Chúng tôi cũng đã ném chúng đi trong khu phố. Nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Đây là một hướng đi tốt được khởi xướng từ nhà trường”, bà Menu Bora, mẹ của một học sinh nói.

Một trường học ở Đông Bắc Ấn Độ đã thực hiện một cách tiếp cận mới để giải quyết rác thải nhựa, đó là yêu cầu học sinh nộp rác thải thay vì học phí.

Học sinh của trường cũng được yêu cầu nhét túi nhựa vào trong chai nhựa để làm "gạch sinh thái", những thứ mà sau đó có thể được sử dụng để xây dựng các trường học mới, nhà vệ sinh hay các lối đi.

Các em thậm chí còn được trả tiền để làm điều này, góp phần vào mục đích to lớn hơn của trường là đưa trẻ em ra khỏi những mỏ đá địa phương và hướng tới giáo dục.

"Phụ huynh của hầu hết các học sinh trong trường chúng tôi đều không đủ khả năng để gửi con em đến trường học. Thật khó khăn nhưng chúng tôi đã thúc đẩy họ và đưa trẻ trở lại trường", ông Mukhtar cho biết.

Tác giả: Thúy Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP