Giáo dục

Trường đại học chấm thi THPT Quốc gia có hạn chế được gian lận?

Quyết định giao các đại học chấm thi trắc nghiệm THPT Quốc gia của Bộ GD&ĐT nhằm hạn chế gian lận thi cử nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia.

Thay vì giao việc chấm chi cho các Sở GD&ĐT, năm nay Bộ GD&ĐT giao các trường đại học chủ trì chấm thi. Điều này nhằm hạn chế tiêu cực, gian lận thi cử. Thông tin này nhận được sự quan tâm của nhiều người, trong đó hầu hết bày tỏ đồng tình với quyết định của Bộ.

PGS.TS Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Học viện Ngân hàng cho biết, năm ngoái, trường được phân công coi thi THPT Quốc gia tại Hà Giang. Năm nay, trường được phân công phối hợp tổ chức thi tại cụm thi Lào Cai.

Học viện Ngân hàng đã đi tập huấn theo lịch của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, Học viện còn triển khai trong nhà trường về công tác chuẩn bị nhân sự. Hiện chưa có số lượng cụ thể cán bộ của trường sẽ đến Lào Cai, bởi điều này còn tùy thuộc vào cuộc họp với tỉnh Lào Cai trong thời gian tới về số thí sinh, phòng thi, điểm thi.

Để tránh việc hàng loạt bài thi trắc nghiệm được nâng điểm như năm 2018, Bộ GD&ĐT đã giao cho các trường đại học đảm nhiệm chủ trì khâu chấm thi tại 63 cụm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

PGS Khánh cho biết thêm, cách đây 3 năm trường đại học chủ trì cụm thi Quốc gia, đồng thời cũng tham gia chấm thi thì các khâu thường được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, việc các đại học được phân công chấm thi trắc ngiệm sẽ hạn chế tối đa được sự nhờ vả, nhanh, chính xác, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

"Kết quả chấm đúng sẽ là căn cứ xét tuyển để trường lựa chọn được sinh viên phù hợp với mục tiêu tuyển sinh", ông Khánh nhấn mạnh.

Để hạn chế gian lận, quan trọng nhất vẫn là con người

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lê Qúy Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, nếu các khâu chúng ta làm tốt, chặt chẽ từ khâu con người, kiểm tra, điều kiện cơ sở vật chất…thì sẽ hạn chế được gian lận trong thi cử.

Theo ông Bình, giao các trường đại học chấm thi trắc nghiệm là sự thay đổi đáng ghi nhận, điều này sẽ giảm tiêu cực vì sự tác động của địa phương. Tuy nhiên, nếu không làm chặt chẽ các bước kiểm tra, thanh tra thì rủi ro trong gian lận điểm cũng sẽ rất cao.

“Kẻ hở của công tác chấm thi là con người. Nếu người không có đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo công bằng cho thí sinh thì gian lận điểm thi vẫn có thể xảy ra”, thầy Bình cho hay. "Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng khách quan thì niềm tin của dư luận, sự nghi ngờ của cha mẹ, học sinh vào kết quả thi sẽ giảm".

Thầy Nguyễn Quốc Bình.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán tại THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng, để các trường đại học chấm thi sẽ giảm tiêu cực, nhất là khi tiêu cực của năm 2018 về gian lận điểm đang dần phanh phui và cơ quan chức năng làm mạnh đã khiến nhiều người có định tiêu cực “chùn bước”.

Năm nay, việc cải tiến kỹ thuật cũng sẽ khiến những ai có ý định xấu khó thực hiện hơn. Tuy nhiên, theo thầy Tùng, các biện pháp kỹ thuật được tạo ra và vận hành bởi con người nên con người vẫn có thể "qua mặt" được.

"Con người vẫn là nhân tố quyết định giảm thiểu tiêu cực trong thi cử, và năm nay chúng ta hy vọng vào sự trung thực của trường đại học", thầy Tùng nói.

Thầy Trần Mạnh Tùng.

Trong lần trả lời báo chí mới đây về bê bối gian lận thi được cho là chưa từng có trong lịch sử giáo dục diễn ra năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin đã quán triệt với cán bộ trong ngành và những cán bộ của các cấp, ngành, địa phương tham gia vào công tác làm thi kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học.

Dù khẳng định kỳ thi THPT Quốc gia 2019 quy trình, kỹ thuật trong tổ chức thi đã được khắc phục, nhưng Bộ trưởng Nhạ cũng cho rằng: “Kỹ thuật, công nghệ có tốt đến đâu nhưng con người tham gia vào công tác làm thi mà không tốt, cố ý vi phạm thì sai sót vẫn có thể xảy đến.

Do đó, trong các cuộc họp chuẩn bị cho kỳ thi năm nay tôi luôn đặc biệt yêu cầu ngành giáo dục và đề nghị các địa phương, bộ, ngành liên quan phải lựa chọn cán bộ có năng lực, trách nhiệm, phẩm chất chính trị tốt để tham gia làm thi. Phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công”.

Các giải pháp chống gian lận thi cử năm 2019 của Bộ GD&ĐT

Để hạn chế gian lận thi cử, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Chất lượng cho biết năm nay Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để đảm bảo tổ chức theo quy trình chặt chẽ. Năm nay, phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ được tăng cường bảo mật theo hướng "muốn gian lận cũng khó mà gian lận được".

Năm 2019, Bộ quy định rõ nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT chủ yếu là lớp 12 và đồng thời tăng tỉ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT (70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT; 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh; thay vì tỉ lệ 50: 50 như trước đây).

Bộ cũng quy định chặt chẽ về việc sắp xếp phòng thi, các thí sinh tự do, thí sinh là học viên GDTX phải thi chung điểm với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT (tỉ lệ ít nhất là 60% trong tổng số thí sinh của điểm thi).

Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm 24/24 giờ. Đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do Sở GD&ĐT chủ trì, Bộ quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra…

Tác giả: Nhật Tâm

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP