Hà Tĩnh ngày nay

Trở lại thủy điện Hố Hô

Thủy điện Hố Hô với cao trình 72 mét so với mực nước biển, sức chứa lòng hồ trên 38 triệu mét khối nước khổng lồ treo lơ lửng trên đầu người dân. Mỗi đợt mưa lớn kéo dài, đập thủy điện Hố Hô lại phải gánh chịu lưu lượng nước từ 280ha rừng đầu nguồn đổ dồn về, nếu quy trình vận hành thiếu khoa học, đập vỡ thì hàng vạn dân cư sống dưới miền hạ du sẽ trôi… ra biển.

Xả lũ và những mất mát

Sau lũ, chúng tôi trở lại Hương Khê trong lúc cả huyện đang còn 8 xã vẫn còn ngập chìm trong biển nước. Đó là các xã Phương Mỹ, Phường Điền, Hương Giang, Lộc Yên, Hòa Hải…

Về lại Hố Hô (giáp ranh Hà Tĩnh – Quảng Bình), người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng khi cơn lũ lịch sử ập xuống đã làm 16 xã với hơn 10.000 hộ dân tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị ngập sâu trong nước, trong đó có 2.576 hộ ngập trên 2m; nước lũ cuốn trôi 04 nhà bán kiên cố, nhiều nhà kiên cố khác phải di dời khẩn cấp.  Đến 11 giờ ngày 18/10/2016 còn lại 10 xã vẫn còn bị ngập với 2.369 hộ, trong đó có 482 hộ ngập trên 1m (Lộc Yên, Hương Đô, Gia Phố, Hương Thủy, Hương Giang, Hà Linh, Phúc Đồng, Hòa Hải, Phương Điền, Phương Mỹ). Diện tích lúa mùa bị ngập 200ha, diện tích bưởi Phúc Trạch bị ảnh hưởng 400ha; nước lũ đã làm hư hỏng trên 1.000 tấn lúa, làm hư hỏng giống ngô phục vụ sản xuất vụ đông và giống lạc vụ xuân 2017; gia súc bị cuốn trôi 404 con (trong đó: 03 con bò, 02 con nghé, 399 con lợn); gia cầm bị cuốn trôi khoảng 40.000 con. Các công trình đường giao thông, công trình thuỷ lợi, trường học, trụ sở làm việc UBND, hội quán các xã, thị trấn bị ngập sâu, hư hỏng . Mưa lũ đã cuốn trôi trên 55 tấn lân, đạm…

Nhiều vùng lũ ở Hà Tĩnh vẫn bị cô lập

Trở lại Hố Hô

Cho đến bây giờ, mưa đã dứt, đường sá đi lại đã khá thông, chúng tôi có mặt tại thủy điện Hố Hô. Trong lúc 03 cửa van chính vẫn còn xả lũ, nước từ cao trình trên 70m đổ xuống làm tung tóe gây sương mù dày đặc cho cả khu vực. Dù ở khá xa nơi xả lũ nhưng nếu không nhanh, sương mù sẽ gây ẩm ướt cả ống kính máy ảnh, tội nhất là các hộ dân ở xóm Hố Hô, xã Hương Hóa (Tuyên Hóa – Quảng Bình).

Cao Thị Hương ở xóm Hố Hô nói, người dân chúng tôi bám sống, bám chết ở đây cả cuộc đời nhưng kể từ khi cái thủy điện sờ sờ dựng lên bên nách, cả làng mất ăn, mất ngủ vì nó, nhất là khi có những trận mưa to, cả làng phải dắt díu nhau lên côi ngồi, chờ khi tạnh mưa mới trở về bởi sợ thủy điện xả lũ, vỡ đập thì cả làng sẽ không còn gì nữa.

Ông Đinh Văn Cường, người dân Tân Đức 3, buồn bã nói: Cơn lũ lịch sử năm 2010 mưa xối xả hai ngày liền nước từ các sông đầu nguồn đổ về làm ngập đường sá, nhà cửa cộng với đó thủy điện Hố Hô xả cả ba cửa van đã làm cho nước đột ngột dâng cao, nhà cửa, trâu bò, tài sản bị trôi theo dòng lũ, nay lũ trở lại làm cho dân chúng tôi điêu đứng. Cứ mỗi lần như thế, người dân trong xã lại thêm một lần trắng tay.

Hương Hóa là xã nằm ngay đầu nguồn sông Rào Bội có 1/3 cư dân sống dưới hạ du thủy điện Hố Hô. Trong cơn lũ này, Hương Hóa là xã bị thiệt hại khá nặng nề bởi lũ ống, lũ quét gây ra, làm cho đường sá, giao thông đi lại hầu hết bị lũ cuốn trôi. Một cụ già trên 80 tuổi ở thôn Tân Đức 1 nói, lịch sử chưa bao giờ thấy một cơn lũ nào mà kinh hoàng như cơn lũ này. Bởi nước dâng ngập lên đến 5-6m, may nhờ con cháu đưa cụ lên trên mấy bậc núi ngồi, bây giờ mới biết mình đang còn sống.

 Bà Nguyễn Thị Thao, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa và tác giả tại cầu tràn Tân Đức.

Chúng tôi quan sát cầu tràn Tân Đức 3 bắc qua sông Rào Bội, đây là tuyến giao thông huyết mạch của nhân dân đi lại cũng bị lũ cuốn trôi may không có thiệt hại về người. Bà Nguyễn Thị Thao, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa, người đứng mũi chịu sào trong cơn lũ nói, do mưa lớn kéo dài hai ngày đêm không ngớt, mấy hồ đập tích nước tưới tiêu nằm trên thượng nguồn bị tràn, nước băng qua cộng với mấy con suối đổ dồn về trong chốc lát cả xã Hương Hóa chìm ngập trong biển nước. Trong lúc trước đó, phía thủy điện Hố Hô đã xả lũ với mức nước thấp, nhưng chỉ trong chốc lát lũ ống, lũ quét phía thượng nguồn Tuyên Hóa đổ về làm tràn ngập, tắc cả đoạn đường Hồ Chí Minh, rất may không có thiệt hại về người. Cũng theo bà Thao, còn nói về thủy điện Hố Hô thì họ đã xã lũ từ trước đó mấy ngày liền nên không thể đổ lỗi toàn bộ lý do gây nên cơn lũ cho thủy điện Hố Hô cả (Bà Thao khẳng định như thế).

Thủy điện Hố Hô

Để tìm hiểu khách quan hơn, chúng tôi tìm gặp ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc thủy điện Hố Hô, được ông Hùng cho biết, bước vào mùa mưa bão 2016, chúng tôi được UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) nhằm tổ chức cho toàn cán bộ CNV tập huấn theo các phương án PCTT & TKCN. Theo thông báo từ Đài khí tượng thủy văn, trong các ngày 13-15/10/2016 sẽ có mưa to và rất to nên chúng tôi đã có Công văn số 09/CV- HB- NMTĐHH báo cáo tình hình điều tiết nước thủy điện Hố Hô và Văn bản số 10/CV-HB-NMTĐHH ngày 12/10/2016 gửi tới UBND các xã để biết cùng phối hợp phòng tránh lũ lụt cho vùng hạ du khi xã lũ. Trước đó, Công ty cũng đã làm việc với chính quyền 8 xã vùng hạ du là cung cấp, hỗ trợ mỗi thôn 1 kẻng để cảnh báo lũ, ngoài ra còn trang bị 4 còi hú, loa phóng thanh kịp thời thông báo cho toàn dân nghe.

Người dân kể lại việc xả lũ.

Vào thời điểm 18 giờ 30 phát ngày 13/10/2016, ở khu vực nhà máy có mưa to và rất to, hiện tượng gây sạt, tượt mái cơ taluy dương vai phải đập với lượng sạt lở lớn có nguy cơ sạt trượt đất đá vào trạm biến áp 35 kV sẽ gây mất an toàn cho người và thiết bị. Cũng tại thời điểm này, lưu lượng nước về hồ lên tới 1.843 m3/s, sẽ gây nguy cơ cho cả vùng hạ du. Vì thế, nhà máy đã chủ động hạ cửa van cung để giảm lượng nước qua tràn. Lúc này mực nước trong lòng hồ đang ở cao trình 64,6 với lưu lượng về hồ từ 710 m3/s và lưu lượng điều tiết qua tràn 700 m3/s. Mức nước này là một áp lực rất lớn. Ông Hùng khẳng định, tất cả quy trình trước lúc xả lũ chúng tôi đều báo cáo lên các cấp, đồng thời thông báo cho dân ở vùng hạ du biết. Và ông cũng khẳng định, nhà máy ứng trực, vận hành xả lũ theo đúng quy trình kỹ thuật?!

Và những thảm họa

Từ những tiếp cận trên, chúng tôi đến thực tế tại khu vực nhà máy thủy điện, quan sát hai phía vai đập nhiều người dân cho rằng, mỗi khi có mưa to, gió lớn nước đổ về dồn dập, cả hai vai đập đều nứt, hở cả một đường dài đã được Công ty xử lý, âu đây cũng là một ẩn họa khôn lường. Nếu đập vỡ với cao trình 72 m3 nước thì phía hạ du chẳng còn sống sót lại bất kỳ một vật gì nữa. Còn nói về hai bên bờ sông xả lũ, có những chỗ đất đã lở vào hàng chục mét, ruộng nương, nhà của người dân trong vùng sẽ khó mà tồn tại. Qua ống kính của chúng tôi, toàn bộ hệ thống mái kè sau trận lũ này hầu hết bị phá hủy. Một cảnh tượng khủng khiếp mà cha ông ta thường nhắc “nhất thủy, nhì hỏa” là thế đó.

Người dân vùng lũ  Hà Tĩnh và Quảng Bình vừa trải qua cơn đại hồng thủy kinh hoàng

Trở lại Hố Hô sau thảm họa cơn lũ lịch sử gây nên đối với vùng lũ Hương Khê, nhiều vùng nước đã rút, mọi người tất bật cùng nhau khắc phục hậu quả, nạo vét bùn đất từ trong nhà ra đường, gom nhặt, xử lý rác thải, xác gia súc, gia cầm để chôn lấp, bảo đảm môi trường sau lũ.

Ông Nguyễn Văn Tân ở xã Hương Đô (Hương Khê) tha thiết mong mỏi, Nhà máy thủy điện Hố Hô nếu còn thì phải làm ăn thế nào để bảo đảm an toàn cho người dân, còn không thì nên đóng cửa để cho chúng tôi được yên, chứ làm ăn với cách này năm nào như năm nấy thì hàng vạn người dân Hương Khê dưới vùng hạ du không thể sống yên được với cái thủy điện Hố Hô này.

Anh Bình – Trà Giang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP