Tin Hà Tĩnh

Tiếng kêu cứu từ đại ngàn Hương Khê (Hà Tĩnh): Tan nát rừng đầu nguồn

Sau khi Chính phủ tuyên bố đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, người dân đã rất phấn khởi và kỳ vọng đại ngàn sẽ ngưng “chảy máu”. Thế nhưng, tại một số nơi trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) rừng đầu nguồn vẫn đang ngày đêm bị lâm tặc tàn phá một cách nghiêm trọng…

Thâm nhập "điểm nóng" phá rừng

Trong các ngày 10, 11, 12/4, nhóm phóng viên đã thâm nhập vào một số “điểm nóng” phá rừng đầu nguồn trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Do không thông thuộc địa hình, chúng tôi thuê xe máy và nhờ một người dân bản địa dẫn đường.

Từ thị trấn Hương Khê, đi theo Huyện lộ 6 đến địa phận xóm Trại Tuần, xã Hương Vĩnh, men theo khe suối chúng tôi tiếp cận khu vực bìa rừng. Tại đây, không khó để nhận ra các vệt lằn sâu dưới mặt đất gần chân đồi, có nơi nền đất bị biến dạng, lún xuống gần 60cm, kéo thành rãnh dài hướng lên phía đỉnh rừng, đây là dấu vết lâm tặc để lại khi di chuyển cây gỗ.

Cây cổ thụ có đường kính gần 1m vừa bị lâm tặc đốn hạ đang còn "rỉ máu".


Lần theo dấu vết, chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào rừng. Di chuyển được chừng hơn một giờ đồng hồ, bất thình lình trước mắt chúng tôi là cả một đoàn trâu mộng đang hì hục đi tới, kéo theo sau là những khúc gỗ lớn, dài khoảng 4m, đường kính khoảng 30cm – 50cm được kết lại với nhau để kéo ra khỏi rừng. Đặc biệt, những con trâu này được người điều khiển từ xa, nhìn chúng rất thuần thục trong công việc kéo gỗ.

Vượt thêm hơn 10km đường rừng dốc đá cheo leo, lội qua khe suối chúng tôi đã vào được khu vực Rào Trửa, Rào Cam (thuộc thôn Phú Lâm, xã Phú Gia) và khu vực Khe Rò (thuộc xóm Trại Tuần, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Đây được xem là những điểm nóng khai thác rừng trái phép, khi một lượng lớn cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc.

Lâm tặc đang điều khiển trâu mộng đưa gỗ ra khỏi rừng.


Có mặt tại hiện trường, nhóm phóng viên không khỏi rùng mình khi chứng kiến hàng chục ha rừng đầu nguồn đã bị lâm tặc triệt hạ, tàn phá tan hoang, không khác gì bãi chiến trường. Nhiều cây gỗ có đường kính từ 30cm – 60cm bị cắt hạ, phần thân đã bị lâm tặc lấy đi, chỉ còn trơ trọi lại phần gốc đang “rỉ máu”, cành ngọn phơi bày ngổn ngang.

Cạnh đó, nhiều cây gỗ bị đốn hạ nằm la liệt, tuy nhiên lâm tặc chưa kịp đưa ra khỏi rừng, đa số là gỗ Dẻ, Lim... Đi sâu vào khu vực rừng đầu nguồn, chúng tôi tiếp tục phát hiện một số cây gỗ lớn đã bị lâm tặc chặt quanh gốc nhằm đánh dấu "chủ quyền".

Hiện trường một vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn tại thôn Phú Lâm, xã Phú Gia.


Theo lời người dẫn đường, trước khi đốn hạ một cây gỗ, lâm tặc phải phát quang xung quanh, chọn hướng cho cây đổ xuống rồi mới dùng cưa máy cắt dưới gốc hở một miếng hình tam giác để “mở miệng”. Sau đó, chúng ra phía bên kia thân cây cưa chéo từ trên xuống đến chỗ “mở miệng” cho đến lúc cây đổ. Đốn hạ cây xong, lâm tặc sẽ chia ra từng khúc gỗ có chiều dài từ 3-4m rồi cho trâu kéo ra bãi tập kết nằm ngay ở bìa rừng.

Chứng kiến những cánh rừng đầu nguồn rũ rượi, những quả đồi xanh mướt bị cày xới nham nhở, nhiều gốc cây vừa bị đốn hạ đang còn “rỉ máu”… Nhóm phóng viên chúng tôi không khỏi đau lòng, xót xa!

Lâm tặc kết 3 khúc gỗ lại với nhau, sau đó cho trâu mộng kéo ra khỏi rừng.


Ai đã tiếp tay cho lâm tặc tàn sát đại ngàn?

Lâm tặc ngang nhiên lộng hành. Hàng chục ha rừng đầu nguồn bị triệt hạ không thương tiếc. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên thì lực lượng kiểm lâm địa bàn, bảo vệ rừng và chính quyền địa phương nơi đây vẫn đang còn rất thờ ơ, quản lý lỏng lẻo, không làm tròn trách nhiệm được giao.

Được biết, khu vực Rào Trửa, Rào Cam (thuộc thôn Phú Lâm, xã Phú Gia) và khu vực Khe Rò (thuộc xóm Trại Tuần, xã Hương Vĩnh) là những “điểm nóng” về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Hương Khê. Vì vậy, ngoài lực lượng bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Huơng Khê, chính quyền địa phương, kiểm lâm địa phương, Đồn Biên phòng thì còn có chốt kiểm tra, kiểm soát lâm sản của các đơn vị liên ngành.

Một bãi tập kết gỗ lậu nằm ngay ở bìa rừng...


Cụ thể, Trạm kiểm soát lâm sản được đặt ngay ở cửa rừng, nhân viên canh gác 24/24h, nhưng không hiểu vì sao lâm tặc vẫn có thể phá rừng, tuồn được gỗ khai thác trái phép từ trong rừng ra ngoài để đưa đi tiêu thụ. Nghiêm trọng hơn, một số địa điểm lâm tặc khai thác gỗ trái phép có vị trí khá gần với Trạm quản lý bảo vệ rừng cây Trồ (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Khê), tuy nhiên lực lượng bảo vệ rừng nơi đây lại không hề hay biết.

Bên cạnh đó, việc lâm tặc xâm nhập vào rừng đầu nguồn xã Hương Vĩnh và xã Phú Gia là vô cùng khó khăn, bởi chỉ có một con đường “độc đạo” duy nhất. Đặc biệt, đây là khu vực biên giới nên việc ra vào rừng phải qua cổng có sự bảo vệ, giám sát nghiêm ngặt cả ngày lẫn đêm của lực lượng Bộ đội biên phòng.

Một số địa điểm lâm tặc khai thác gỗ trái phép có vị trí khá gần với Trạm quản lý bảo vệ rừng cây Trồ (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Khê).


Chia sẻ với phóng viên, một người dân bức xúc: “Tình trạng phá rừng đầu nguồn xảy ra bấy lâu nay rồi. Nếu không có sự tiếp tay, bao che của cán bộ quản lý bảo vệ rừng thì đừng nói gỗ chứ một con kiến cũng không thể chui qua được trạm kiểm soát lâm sản…”.

Để cho lâm tặc tàn sát rừng đầu nguồn trong thời gian dài, có thể nhận ra rằng chính quyền địa phương, cũng như các lực lượng chức năng liên quan đã thiếu kiểm tra, giám sát, chủ quan trong công tác nắm tình hình bảo vệ rừng trên địa bàn và quá tin tưởng vào báo cáo, hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng lại chưa thực hiện đúng với chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó…/.

Tác giả: Trần Quốc - Hà Phương

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP