Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Tìm nguyên nhân khiến tôm và cua nuôi bị chết hàng loạt

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân nuôi tôm và cua ở xã Đan Trường và xã Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) bị thiệt hại nặng do hiện tượng tôm và cua nuôi bị chết. Hiện các cơ quan chức năng đang lấy mẫu gửi cơ quan chức năng để phân tích, xét nghiệm, xác định nguyên nhân.

Ông Thạch Hữu Trung bên một số xác cua còn sót lại trên bờ tại khu vực nuôi

Ngày 16-4, có mặt tại khu vực nuôi tôm và nuôi cua của gia đình ông Thạch Hữu Trung (70 tuổi, ở thôn 3, xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân), chúng tôi ghi nhận có 2 hồ lớn đã cạn nước, trên bờ vẫn còn vương vãi một số xác cua chết đang phân hủy, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Ông Thạch Hữu Trung cho biết, ở khu vực này, gia đình có 6 hồ nuôi tôm và nuôi cua với diện tích khoảng 2ha. Cách đây hơn 1 tháng, 1,1ha nuôi tôm và cua bị chết hàng loạt. Khoảng 1 tuần trở lại đây cũng xuất hiện tôm và khoảng 500 con cua nuôi bị chết. Tổng thiệt hại kinh tế các đợt tôm và cua chết khoảng 150-200 triệu đồng. Nhận định ban đầu khả năng nguyên nhân là do thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh… Hiện nay, gia đình đã cho tháo sạch nước bên trong hồ có tôm và cua chết và thực hiện các bước xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, cải tạo để chuẩn bị thả nuôi lứa mới.

“Tôi đầu tư nuôi tôm ở đây đã nhiều năm nhưng chỉ có 2 vụ đầu là trúng, các vụ nuôi sau thua lỗ. Cũng vì xót tài sản do đầu tư nuôi tôm thua lỗ nên vợ tôi lâm bệnh”, ông Thạch Hữu Trung chia sẻ.

Ông Thạch Hữu Trung bên hồ nuôi tôm và cua đã được tháo khô nước

Tương tự, ông Trần Văn Thân (67 tuổi, ở thôn Trường Châu, xã Đan Trường) cho biết, gia đình có 6ha hồ nuôi tôm đất và nuôi cua theo hình thức quảng canh. Trong tháng 2-2022 và giữa tháng 3-2022 đã 2 lần tôm đất và cua tại các hồ nuôi bị chết la liệt, gây thiệt hại về kinh tế hàng trăm triệu đồng. Cách đây khoảng 15 ngày cũng phát hiện có hiện tượng tôm và cua nuôi bị chết, gia đình đã vớt số tôm và cua chết này lên khỏi hồ và tiến hành các bước xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay đã bơm nước vào hồ để chuẩn bị thả nuôi lứa mới.
Ông Trần Văn Thân nhận định, nguyên nhân ban đầu khiến tôm và cua nuôi của gia đình bị chết vừa qua có khả năng là do ảnh hưởng thời tiết nắng mưa thay đổi thất thường…

Ông Trần Văn Thân và ông Thạch Hữu Trung kể về hiện tượng tôm và cua chết thời gian vừa qua

Chiều 16-4, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) Lê Thị Yến cho biết, sáng cùng ngày đã phối hợp với Chi cục chăn nuôi và thú y, Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, lấy các mẫu nước, tôm và cua gửi cơ quan chức năng để xét nghiệm, xác định, làm rõ nguyên nhân khiến tôm và cua nuôi của người dân ở xã Đan Trường và xã Xuân Phổ bị chết.
Qua kiểm tra ban đầu, hiện xã Đan Trường và xã Xuân Phổ có khoảng 50-60 hộ nuôi tôm và nuôi cua, chủ yếu là nuôi theo hình thức quảng canh (chỉ một số ít hộ nuôi thâm canh), trong đó có nhiều hộ nuôi bị thiệt hại do hiện tượng tôm và cua chết thời gian gần đây.

Chiều 16-4, bà Đặng Thị Thu Hoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, sáng cùng ngày, bà có tham gia đi kiểm tra và lấy mẫu để gửi Cơ quan thú y vùng 3 (Cục Thú y) xét nghiệm, phân tích, xác định nguyên nhân.

Theo bà Hoàn, nhận định nguyên nhân bước đầu khiến tôm và cua chết gần đây ở xã Đan Trường và xã Xuân Phổ là do thời tiết thay đổi chuyển mùa gây ảnh hưởng lớn tới các yếu tố môi trường nuôi trong ao hồ và sức đề kháng của vật nuôi. Ngoài ra, việc người dân nuôi quảng canh, vừa thả nuôi tôm tự nhiên với cua cùng với nhiều đối tượng khác nên dễ phát sinh dịch bệnh...

Tác giả: DƯƠNG QUANG

Nguồn tin: sggp.org.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP