Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Nan giải bài toán thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp

Dù đã có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư vào khu, cụm công nghiệp nhưng đến nay, tỷ lệ lấp đầy các khu cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ đạt 48,6%.

Với mục tiêu di dời làng mộc Tràng Đình (thuộc xã Yên Lộc trước đây, nay là xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc) nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất, cuối năm 2020, cụm công nghiệp Yên Huy đi vào hoạt động. Đây là cụm công nghiệp được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, do công ty TNHH Yên Huy làm chủ đầu tư. Cụm có tổng diện tích 11ha với số vốn 86 tỷ đồng.

Tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp tại Hà Tĩnh chỉ đạt 48,06%


Để thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cụm đã có nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào cụm, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 20% diện tích.

Theo ông Tôn Đông, Giám đốc công ty TNHH Yên Huy thì sau khi cụm công nghiệp hoàn thiện hạ tầng, nhà đầu tư và chính quyền địa phương đã có nhiều cuộc tuyên truyền, đối thoại với người dân về những chính sách ưu đãi, những lợi ích trong quá trình sản xuất tập trung… tuy nhiên tỷ lệ vào cụm không nhiều. Nguyên nhân là các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh ở đây chủ yếu quy mô nhỏ, vốn thấp. Việc thu hút các doanh nghiệp ở vùng miền khác là khó khả thi vì vị trí sâu, giao thông đi lại khó khăn.

Ngoài cụm công nghiệp Yên Huy, tại huyện Can Lộc còn có cụm công nghiệp Can Lộc cũng chung tình trạng đìu hiu. Sau nhiều năm đi vào hoạt động cụm cũng chỉ thu hút được 4 doanh nghiệp thuê đất. Phần mở rộng của cụm công nghiệp do công ty CP đầu tư Tân Hà Đô đang triển khai xây dựng cũng chưa thu hút được doanh nghiệp nào.

Được quy hoạch từ năm 2016, cụm công nghiệp Kỳ Hưng (thị xã Kỳ Anh) cũng được đầu tư trên diện tích 49ha. Cụm do công ty TNHH thương mại Lợi Châu làm chủ đầu tư và là 1 trong 3 cụm công nghiệp được TX Kỳ Anh quy hoạch trở thành “lõi” kinh tế địa phương trong thời gian tới. Mặc dù được đầu tư khá đồng bộ nhưng đến nay cụm chỉ thu hút được 2 doanh nghiệp chính thức thuê đất, tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 10%.

Dù được đầu tư khá đồng bộ nhưng đến nay cụm chỉ thu hút được 2 doanh nghiệp chính thức thuê đất


Theo thông tin từ Sở Công thương, Hà Tĩnh hiện có 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 615,46 ha, trong đó đất công nghiệp có thể cho thuê là 380,12 ha. Đến nay, đất công nghiệp đã cho thuê của tất cả các cụm công nghiệp là 315,2 ha, đạt 82,92%.

Để khai thác hiệu quả, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách phù hợp, trong đó khuyến khích xã hội hóa đầu tư hạ tầng, tích cực quảng bá, kêu gọi đầu tư. Việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư khu, cụm công nghiệp đã từng bước khắc phục được tình trạng hạ tầng thiếu đồng bộ, ô nhiễm môi trường…

Tuy nhiên, tính đến nay, phần diện tích đất công nghiệp đã cho các dự án thứ cấp thuê (gồm dự án sản xuất thuê trực tiếp UBND tỉnh và dự án thuê lại của nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp) thì các cụm mới đạt tỷ lệ lấp đầy 48,6%.

Nhằm phát huy hơn nữa tác động của các cụm công nghiệp với phát triển công nghiệp của địa phương, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ thì nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển khu, cụm công nghiệp đã được triển khai, trong đó chú trọng cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hạ tầng, phát huy lợi thế vùng miền.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương Hà Tĩnh xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Hà Tĩnh phấn đấu có 46 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.988 ha, trong đó giữ nguyên 9 cụm, mở rộng 12 cụm và bổ sung 25 cụm; sau năm 2030 giữ nguyên 46 cụm với tổng diện tích khoảng 2.348ha, trong đó giữ nguyên diện tích 33 cụm với tổng diện tích khoảng 1.443ha và mở rộng 13 cụm từ diện tích 545ha lên 905ha.

Ông Hoàng Văn Quảng, Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đang giao Sở Công Thương rà soát, đánh giá lại phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, trong đó lưu ý đến vị trí, quy mô, ngành nghề của từng cụm, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp khi được thành lập, mở rộng nhằm tạo thu nhập, việc làm cho lao động địa phương.

Tác giả: Tâm Đan

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP