Đây chưa phải là con số cuối cùng, vì nhiều người dân còn chờ xem thái độ của các cấp Tòa án rồi mới quyết định. Tòa sơ thẩm đã bất chấp pháp luật, bác đơn khởi kiện 6 vụ xét xử đầu tiên. Chiều 22/4, hàng trăm người dân huyện Vũ Quang có mặt tại TP Hà Tĩnh để theo dõi 6 phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra vào các ngày 23, 24 và 25/4/2013… Tòa án vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử Trước khi xét xử 6 vụ đầu tiên, TAND huyện Vũ Quang đã có báo cáo số 17/2012/ BC-TA cho biết: “Cuối tháng 5/2012, TAND huyện đã nhận 122 đơn khởi kiện… Sau khi thụ lí, Tòa án đã xin ý kiến của lãnh đạo ngành cấp trên, Thường trực Huyện ủy và phối hợp với các ngành hữu quan để tiến hành giải quyết… Sắp tới, Tòa sẽ bố trí người làm việc với địa phương, nơi có người khởi kiện… để quyết định thụ lí giải quyết hay không giải quyết các trường hợp đã nộp đơn tại Tòa… Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, lãnh đạo ngành và phối hợp với các ngành hữu quan để giải quyết”. Báo cáo được phát tán gây hoang mang, có ba người đã rút đơn khởi kiện. Luật quy định: “Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” nhưng ở đây lại “xin ý kiến” chỉ đạo của Huyện ủy và của Tòa án cấp trên, phải chăng là TAND huyện Vũ Quang không biết nguyên tắc độc lập xét xử? Tại sao giải quyết vụ án lại phải “phối hợp với các ngành hữu quan”, làm như vậy nhằm mục đích gì? Vì sao Tòa lại bố trí người làm việc với địa phương, nơi có người khởi kiện, phải chăng là để đe dọa, vận động họ rút đơn? Những việc nêu trên là rất xa lạ trong hoạt động tố tụng mà Tòa án cấp trên, tổ chức Đảng, HĐND và MTTQ cần lưu ý, không thể bỏ qua. TAND tỉnh Hà Tĩnh biết, Huyện ủy huyện Vũ Quang biết (do nhận được báo cáo số 17) và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh biết (do luật sư của các nguyên đơn gửi báo cáo) nhưng không hiểu sao TAND huyện Vũ Quang không được uốn nắn, không bị xử lí? Ở huyện Vũ Quang sờ đâu cũng thấy sai phạm Một công trình thủy lợi lớn vào loại nhất nhì cả nước, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân nhưng việc thu hồi, bồi thường, giải tỏa lại giao cho UBND huyện Vũ Quang là không tương xứng, vượt quá khả năng của huyện. Trong tất cả mọi khâu, chính quyền đều sai phạm rất nghiêm trọng nên hộ dân nào cũng bất bình. UBND huyện không ban hành quyết định thu hồi đất cho từng hộ theo quy định của pháp luật, làm người dân không biết đất của họ bị thu hồi từng thửa, từng loại như thế nào? Việc kiểm kê đất đai tài sản rất tùy tiện, không đủ chữ kí các thành viên tham gia, không đủ con dấu theo quy định. Hậu quả là nhiều người bị thiếu hụt hàng nghìn mét vuông. Ông Lê Yêm, xã Hương Quang bị tính thiếu 2.500m2; ông Nguyễn Xuân An, xã Hương Điền bị tính thiếu 10.575m2; ông Nguyễn Xuân Tình, thị trấn Vũ Quang, bị tính thiếu 1.521m2 đất vườn có nhà ở từ trước ngày 15/10/1993 và 22,22 ha đất vườn rừng sử dụng từ năm 1997… Rất nhiều người định cư từ những năm 1947; 1954; 1967… đất ở của họ rộng trên dưới 1.000 m2 không được công nhận để bồi thường mà chỉ khống chế 400m2. Cùng một thửa nhưng bị chính quyền chia ra ba, bốn loại để tính giá bồi thường khác nhau. Trong khi Điều 87 Luật Đất đai quy định: “Thửa đất ở có vườn, ao, được hình thành trước ngày 18/12/1980 và người sử dụng có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật này thì diện tích đất vườn, ao đó được xác định là đất ở”. Giá bồi thường đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc và tài sản nói chung thấp đến thảm hại. Đất ở tại xóm I thị trấn Vũ Quang chỉ được áp giá 20.000 đồng/m2. Đất nông nghiệp ở nhiều nơi trong các xã Hương Điền, Hương Quang được bồi thường trên dưới 10.000 đồng/m2. Còn 7 khoản hỗ trợ được quy định từ Điều 17 đến Điều 23 Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ cũng làm không đầy đủ. UBND huyện cho xây dựng các khu tái định cư (TĐC) tập trung ở tận rừng sâu rồi ép dân phải đến đó định cư. Khoản 2 Điều 19 Nghị định 89/2009/NĐ-CP hướng dẫn “Hộ gia đình… khi bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở mà tự lo được chỗ ở mới thì được hỗ trợ một khoản tiền bằng suất đầu tư hạ tầng tính cho một hộ gia đình trong khu TĐC tập trung…”. Công trình này có 773 hộ phải di chuyển khỏi vùng lòng hồ, trong đó 416 hộ tự tái định cư nhưng UBND huyện không cho họ nhận khoản hỗ trợ bằng suất đầu tư hạ tầng tại khu TĐC tập trung. Người dân cho biết, trong cuộc họp dân xã Hương Điền, UBND huyện công bố suất đầu tư hạ tầng ở khu TĐC tập trung là 1,4 tỉ đồng, nhiều người nói là họ chỉ cần 20% số tiền đó là tự lo được chỗ ở mới. Họ bảo, thà không được nhận khoản tiền này chứ không thể vào các khu TĐC tập trung vì ở đó không có đất sản xuất thì làm gì mà sống? Tòa án của dân hay của quan? Có thể nói không một khâu nào trong quy trình thu hồi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của công trình này mà chính quyền không có sai phạm nghiêm trọng. Người dân có lí khi cho rằng cách làm của chính quyền là nhằm “đục nước béo cò”? Tại sao chính quyền lại xây dựng các khu TĐC với hàng trăm suất đầu tư mà giá mỗi suất là hàng tỉ đồng, ở tận rừng sâu, nơi không có đất sản xuất, rồi ép dân phải vào đó định cư, nếu không phải đó là mục đích trục lợi của người có chức quyền? Nội dung các đơn khởi kiện đều giống nhau. Nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang phải ra quyết định thu hồi đất đến từng hộ; tài sản thu hồi phải được kiểm đếm đầy đủ, phải bồi thường hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật; trường hợp người bị thu hồi phải di chuyển chỗ ở mà tự lo được chỗ ở mới thì chính quyền phải hỗ trợ họ khoản tiền bằng suất đầu tư hạ tầng tại khu TĐC tập trung theo quy định tại khoản 2, Điều 19, Nghị định 89/2009/NĐ-CP của Chính phủ… Có mặt hai ngày tại phiên xét xử sơ thẩm, phóng viên Báo Người cao tuổi ghi nhận: Người dân rất bất mãn, cái sai của UBND huyện Vũ Quang là không thể biện hộ và yêu cầu của các nguyên đơn là hoàn toàn có căn cứ nhưng Tòa sơ thẩm đã thẳng thừng bác đơn khởi kiện của cả 6 nguyên đơn. Trong số 119 người còn lại đã khởi kiện vẫn không một ai chịu rút đơn. Họ nói: Qua sông phải lụy đò, muốn tìm công lí thì phải qua “cửa ải” TAND huyện Vũ Quang… Dư luận đang theo dõi các phiên phúc thẩm sẽ diễn ra trong ba ngày tới, bắt đầu từ 23/4/2013. Trần Mỹ
Người Cao Tuổi