Giáo dục

Thầy giáo làng 83 tuổi hơn 30 năm dạy ngoại ngữ miễn phí cho học sinh

Về xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) hỏi thăm lớp học miễn phí của thầy giáo làng U90 thì từ người già đến trẻ nhỏ đều biết và nhắc đến ông bằng sự trìu mến, thân mật. Chưa một lần chính thức đứng trên bục giảng, nhưng hơn 30 năm qua ông đã truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm và cái tâm của một người thầy cho hàng ngàn học sinh.

Ông là Phạm Hữu Nệ (83 tuổi), điều đặc biệt hơn là không chỉ học trò mà người dân trong vùng vẫn trân trọng gọi ông là “thầy Nệ”.

Lớp học chia tư, tình thương trải khắp

Đón chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ của mình là ông giáo già đã ngoài 80, tóc bạc trắng, nhưng khi trò chuyện về sự dạy và học, ánh mắt ông lại sáng ngời. Ông vừa chỉ cho chúng tôi thấy cái bảng đen và vài bộ bàn ghế đơn sơ mà hàng ngày ông vẫn dạy học ở đây vừa trải lòng: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình có chút kiến thức thì nên dạy cho các cháu kẻo uống phí. Mà trong quá trình dạy các cháu, tôi cũng trau dồi được kiến thức của mình và học thêm nhiều điều, đúng như điều cổ nhân từng nói “Dạy người, cốt để học người!”.

"Thầy Nệ" trong một tiết "truyền lửa" cho các em học sinh ở những làng quê nghèo của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sinh ra và lớn lên ở làng biển Cảnh Dương, một xã nổi tiếng anh hùng thời chống Pháp. Năm 17 tuổi, ông là một trong những đội viên du kích kiên cường chiến đấu bảo vệ làng, đồng thời ông cũng là một trong những học trò xuất sắc nhất của trường huyện lúc bấy giờ. Đến năm 1955, khi vừa tròn 20 tuổi, ông thi đỗ vào khoa Kinh tế, Đại học Nhân dân (nay làTrường Đại học Kinh tế Quốc dân). Sau khi tốt nghiệp, ông công tác tại Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam, Công ty vật tư Bình-Trị-Thiên, Xí nghiệp sông Gianh… Năm 1982 ông nghỉ hưu.

Câu chuyện dạy học của ông cũng vô cùng thú vị. Bởi vốn sinh ra và lớn lên ở làng biển, công tác ở Thủ đô nên khi về ở quê vợ là vùng đất thuần nông, ông chẳng biết làm gì thêm để giúp đỡ gia đình. Vợ ốm yếu, nuôi 4 con nhỏ, đồng thời lương hưu thời ấy chẳng đáng là bao, nên hai vợ chồng ông làm thêm cái nghề tráng bánh đa, nghề truyền thống của quê vợ.

Cuộc sống khó khăn, cơ cực là vậy nhưng ông luôn quan tâm đến vấn đề học tập của con cháu, đồng thời ông luôn tâm niệm “ngoại ngữ chính là cánh cửa bước ra thế giới”, vì thế ông mở lớp học bồi dưỡng thêm tiếng Anh, tiếng Nga cho con cháu trong gia đình, họ tộc, hàng xóm. Tiếng lành đồn xa, học trò của cả làng và gần 16 xã lân cận ôm sách đến xin theo học. Và cứ thế, lớp học ngoại ngữ miễn phí được mở ra ở xóm nghèo đã hơn ba thập kỷ, đã biết bao nhiều cô cậu học trò được ông lái đò không chuyên dẫn lối qua sông.

“Thầy Nệ” kể rằng: “Vào những ngày hè, học sinh đến đông nhất, có ngày phải dạy 4 lớp. Thương các cháu đường xa cũng đến xin học, không lẽ mình lại từ chối nên đành chia lớp theo buổi sáng, trưa, chiều và tối. Cháu nào nhà gần thì học buổi trưa và tối, cháu xa hơn thì học buổi sáng và chiều. Thấy nhiều cháu đi học xa lại cách sông, cách đò nhưng vẫn không ngày nào nghỉ học, nên tôi lại càng cố gắng truyền đạt hết những gì mình biết”.

Hơn 30 năm dạy miễn phí cho các em học sinh, điều "thầy Nệ" luôn quán triệt đó là các em không được gửi tiền học phí mà phải lấy thành tích học tập và tương lai tươi sáng của các em mà trả ơn cho thầy.

Nhấp ngụm trà nóng, ông Nệ kể tiếp, có nhiều hôm mưa to, rét mướt, thương các cháu chưa về được, bà Cúc (vợ ông) lại bưng ra đĩa bánh, rổ khoai cho các cháu ăn tạm cho đỡ đói. Nghĩ lại thấy thương vợ mình thật, nhưng được cái bà ấy hiểu và cảm thông cho niềm vui tuổi già được thấy con cháu ham học của tôi nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng không hề ca thán và chê trách gì.

"Học phí" của thầy là thành công của trò!

Câu chuyện về ông giáo làng mở lớp học miễn phí cho học trò vùng quê nghèo đã suốt ba thập kỷ qua, và người dân nơi đây vẫn cứ chuyền tai nhau việc học sinh đến lớp, “thầy Nệ” nhất thiết quán triệt không được gửi tiền học phí, lấy thành tích học tập và tương lai tươi sáng của các em mà trả cho thầy. Có những em thương thầy vất vả, sau giờ học cố tình để lại mấy chục ngàn đồng. Khổ thân ông cụ lại cọc cạch đạp xe đi hỏi nhà từng đứa để trả lại tiền, ông dọa cho nghĩ học nếu còn làm như thế.

“Hơn 30 năm qua, có đến hàng ngàn học sinh theo học ở nhà tôi. Trong số các em học trò hiếu học ấy, giờ đây đã có rất nhiều người thành đạt, có người đã là thạc sỹ, tiến sỹ, thấy các em thành công như vậy, thân già này vui lắm! Những năm tháng cuối đời, sướng nhất là chỉ có thế thôi các cháu ạ!”, ông Nệ tâm sự.

Điều thú vị khi tiếp xúc với “thầy Nệ” là chúng tôi được biết một thông tin rất đáng trân quý. Thực ra, lúc đầu ông Nệ dạy tiếng Nga. Bởi, hồi ở Trường Đại học, ông đã học môn tiếng Nga và người dạy tiếng Nga cho ông lúc ấy là thầy giáo Nguyễn Mạnh Cầm, sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ.

Bức thư của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Mạnh Cầm gửi ông Phạm Hữu Nệ.

Nhắc đến người thầy năm xưa, ông Nệ rất kính trọng và lục trong tủ đưa cho chúng tôi xem bức thư của người thầy năm ấy. Thư viết: “Thật là bất ngờ và thú vị, một người đã học tiếng Nga cách đây gần nửa thế kỷ mà tôi may mắn truyền đạt ít nhiều hiểu biết của mình sau khi về hưu lại tiếp tục cống hiến bằng việc dạy tiếng Nga, tiếng Anh cho học trò, trong đó có nhiều người thành đạt. Chúc anh mạnh khỏe để đóng góp nhiều cho sự phát triển của địa phương…”.

Một mùa 20/11 nữa lại tới, chúng tôi cũng như hàng ngàn học trò của “thầy Nệ” đều mong ông luôn khỏe và chờ đón những lứa học trò năm ấy đến báo ơn ông bằng chính thành công của họ.

Tác giả: Khánh Linh - Đặng Tài

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP