Lộc Hà

Thạch Mỹ: Chủ tịch xã “bán chui“ đất của người dân

Mảnh đất vẫn trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân, nhưng Chủ tịch UBND xã lại “cắm” cho người khác, viết phiếu thu tiền. Ở một mảnh đất khác, không có giấy chuyển nhượng, chữ ký của chủ sở hữu, nhưng phó trưởng công an xã lại được “sang tên đổi chủ” mảnh đất. Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh)

Bán đất như bán… rau


Ông Trần Hữu Khương (1964), trú tại xóm 14, xã Thạch Mỹ (huyện Lộc Hà) tố cáo: Nhà ông nhiều đời sinh sống tại đây. Năm 1998, cha ông là ông Trần Đình Mợi được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số 173987, ngày 23/07/1998. Gia đình ông trồng cấy hoa màu trên mảnh đất đó thì đến tháng 5/2010, Chủ tịch xã Lê Tiến Học và Phan Văn Tình (cán bộ địa chính) xuống nói là thu hồi để “cấp” cho ông Quách Hữu Hưởng.


Sau đó, gia đình ông Hưởng xây dựng trên khu đất vườn rộng 172 m2, theo tờ bản đồ số 24, số thửa 167 của nhà ông Khương. Ông Khương và mẹ đẻ là bà Lê Thị Tể liên tục làm đơn kêu cứu gửi các cấp, ngành của tỉnh Hà Tĩnh tố cáo. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm sự việc chỉ dừng lại ở mức ngành nọ đổ ngành kia và không giải quyết dứt điểm.


Còn trường hợp của bà Phan Thị Hương, trú tại xóm Đông Thắng, xã Mai Phụ lại trớ trêu hơn. Mảnh đất của gia đình bà được UBND huyện cấp giấy tờ đầy đủ. “Sổ đỏ” gia đình vẫn nắm. Tuy nhiên, biết được việc anh Nguyễn Văn Tuấn (con bà Hương) tham gia “chơi bạc”.


Thay vì làm rõ hành vi, Phó Công an xã Mai Phụ Phạm Bá Định lại nhân cơ hội đó “gạ” Tuấn bán đất. Để trót lọt và qua mặt gia đình, Tuấn ký tắt hợp đồng và báo mất “sổ đỏ”. Rồi chỉ trong một thời gian ngắn, một cuốn “sổ đỏ” khác ra đời. Đến khi phát hiện ra, gia đình bà Hương làm đơn kiện thì một mảnh đất đã có tên 2 người chủ.


Trên đây là một trong số nhiều người dân sinh sống ở 2 xã Thạch Mỹ và Mai Phụ làm đơn khiếu nại. Ngoài ra, hàng loạt các tai tiếng khác của cán bộ xã như: một lô đất, xã thu tiền của hai người, dẫn đến tình trạng ai cũng nhận đất đó là của mình. Rồi việc chiếm dụng ao làng làm ao cá “nhà mình”, đường làng chưa đi đã có dấu hiệu hư hỏng, không đúng kỹ thuật… Những đơn thư kiến nghị liên tục gửi đi, nhưng chờ đến hàng năm trời mà không thấy “hồi âm”.


Ai sẽ giải quyết cho dân


Rộng đường dư luận, chúng tôi đã đến UBND hai xã Thạch Mỹ và Mai Phụ đề nghị làm rõ những vấn đề vướng mắc. Tuy nhiên, sau khi đi xin ý kiến chủ tịch xã, cán bộ văn thư ở đây đều lấy cớ lãnh đạo xã bận đi họp trên huyện, từ chối trả lời.


Qua điều tra, đối với trường hợp gia đình ông Trần Hữu Khương, gia đình ông đã nhiều lần lên UBND xã yêu cầu làm rõ. Ông Chủ tịch xã Lê Tiến Học nhiều lần nói rằng mảnh đất của gia đình ông Khương là làm sai bìa đất nên xã thu lại. Tuy nhiên khi hỏi đến quyết định thu hồi đất đâu thì phía lãnh đạo UBND xã lại không có.


Còn gia đình bà Phan Thị Hương, sau khi phát đơn tố cáo, UBND huyện Lộc Hà đã có quyết định hủy quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với ông Phạm Bá Định. Tuy nhiên, việc xử lý hàng loạt cán bộ cố ý làm sai lại không rõ ràng khiến cho nhân dân nghi ngờ có sự bao che.


Theo Luật sư Vũ Bích Hải (Đoàn luật sư Hà Nội): “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là bằng chứng hợp pháp của người dân. Nếu lấy đất, phải có sự đồng thuận với người được giao quyền quản lý sử dụng đất. Việc lấy đất của người này cho người khác xây nhà hay một mảnh đất được cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều là những hành vi trái với luật đất đai.


Về trường hợp của bà Phan Thị Hương, không có đầy đủ giấy tờ mà vẫn ngang nhiên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác là có dấu hiệu làm giả giấy tờ, cần phải được điều tra làm rõ”.


Hải Phạm – Trường Lưu

PLVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP