Nông thôn mới

Thạch Khê chạy nước rút về đích cuối năm 2016

Theo kế hoạch, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phấn đấu cuối năm 2016 đạt chuẩn NTM. Hiện xã đã đạt 9/20 tiêu chí…

Thach Khe chay nuoc rut ve dich cuoi nam 2016 - Anh 1

Phát động phong trào làm kênh mương nội đồng

Theo kế hoạch, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phấn đấu cuối năm 2016 đạt chuẩn NTM. Hiện xã đã đạt 9/20 tiêu chí, các tiêu chí còn lại hoàn thành từ 65 – 95%. Hiện chính quyền, người dân trong xã đang dốc sức chạy đua nước rút.

Thạch Khê là xã chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện Chương trình NTM, cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn xóm, người dân đều nhất nhất vì một mục tiêu chung. Từ người già đến trẻ nhỏ đi đâu cũng nhắc đến NTM.

Nắng chói chang những ngày tháng 7, tiếng máy trộn bê tông xen với tiếng cười nói của bà con thôn Đồng Giang vang cả góc xóm. Cụ Dương Văn Ninh (73 tuổi) nói rằng, mấy tháng nay cả xã rộn rã phong trào làm giao thông, thủy lợi.

“Đợt này thôn làm kênh thoát nước ở tổ 7. Chỉ có 12 hộ gia đình sinh sống nhưng cả xóm cùng tham gia xây dựng mương thoát nước. Bản thân tôi dù tuổi cao vẫn muốn góp sức cùng bà con xây dựng các công trình để làng quê ngày càng đẹp hơn”, cụ Ninh nói.

Ngoài ra quân đợt cao điểm làm giao thông thủy lợi, các thôn đang xây dựng nhà văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu…, phấn đấu hoàn thành trục đường giao thông xã dài 1,48 km và 530m đường nội thôn. Các thôn cũng huy động sức dân nâng cấp 3,3 km; làm mới 2,1 km đường xóm…

Ông Phạm Tiến Nam, Bí thư Đảng ủy Thạch Khê cho hay, những ngày đầu bắt tay làm NTM, xã Thạch Khê đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thạch Khê phải khơi dậy, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời ban hành các chính sách kích cầu nhằm huy động tối đa sức dân.

“Chúng tôi xác định muốn nhanh chóng về đích NTM, tạo được phong trào thi đua sôi nổi thì phải kích cầu. Theo đó, ngày 30/3/2016, UBND xã ban hành một số chính sách tạm thời hỗ trợ xây dựng NTM năm 2016.

Ngoài hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã hỗ trợ 86,5 triệu đồng cho 1km đường giao thông; 24 triệu đồng cho 1km đường nội đồng;… Đối với khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, xã hỗ trợ máy đào, máy cắt và cột bê tông, dây thép gai để người dân làm hàng rào mới sau khi hiến đất, hiến cây”, ông Nam nói.

Cùng chung tay góp sức với chính quyền xây dựng NTM, thời gian qua đã có hơn 1.300 hộ dân xã Thạch Khê hiến hàng chục nghìn cây xanh, hàng nghìn m2 đất mở rộng đường giao thông.

Trưởng thôn Tân Phúc, Nguyễn Tuấn Trường cho hay, bình quân mỗi hộ dân Tân Phúc đóng góp từ 500.000 – 800.000đ/hộ và hàng ngàn ngày công để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Tất cả đều trên tinh thần tự nguyện, dân chủ; để dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát.

Chia sẻ về những đổi thay mà Chương trình NTM đem lại, ông Phạm Tiến Nam nhấn mạnh, ngoài sự bề thế khang trang của các công trình điện, đường, trường, trạm; lợi ích mà NTM đem lại cho Thạch Khê chính là thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Hiện trên địa bàn xã một số mô hình nuôi tôm, vịt trời, chăn nuôi bò, trồng bầu sáp, trồng rau – củ – quả… đang được duy trì, phát triển rất tốt.

Căn cứ vào lợi thế của từng thôn, xóm, Thạch Khê quy hoạch vùng chăn nuôi, trồng trọt theo hướng phát triển bền vững. Ví dụ khu cực Cồn Mục Đồng phát triển nuôi tôm (12ha); thôn Đồng Giang nuôi chim cút (hơn 12 vạn con); thôn Đa Khê trồng bầu sáp (3ha); sản xuất cánh đồng mẫu lớn ở tất cả các thôn (100ha)…, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người lên đạt 29 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,67% (2015).

Thanh Tâm / Nông Nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP