Nguồn lợi thủy sản rất quan trọng
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, nguồn lợi thủy sản đóng vai trò quan trọng đối với sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển nước ta. Hoạt động khai thác thủy sản không những tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho hàng triệu lao động nghề cá mà còn tạo thu nhập gián tiếp cho người dân thông qua các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến, thương mại thủy sản.
Sự cố môi trường biển đã làm hải sản tại 4 tỉnh bắc miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) chết hàng loạt, môi trường bị ô nhiễm, hoạt động khai thác thủy sản bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội trong khu vực. Nghề cá ven biển đã hoạt động trở lại nhưng chưa ổn định. Hệ sinh thái san hô và nguồn lợi sinh vật trong rạn bị suy thoái nghiêm trọng...
Sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau sự cố môi trường biển |
“Để phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển ở vùng biển chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường; khôi phục hoạt động khai thác, sản xuất thuỷ sản và ổn định sinh kế của người dân ở vùng xảy ra sự cố môi trường thì việc thực hiện các hoạt động nhằm phục hồi nguồn lợi, hệ sinh thái biển là cần thiết. Song song với các hoạt động đó thì việc đánh giá, giám sát khả năng phục hồi nguồn lợi cũng cần được thực hiện đồng bộ...”, Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.
Tại hội nghị, nhiều báo cáo có giá trị cao đã được các đại biểu trình bày như “Hiện trạng đa dạng sinh học hệ sinh thái vùng biển miền Trung và giải pháp phục hồi, tái tạo” (Viện Tài nguyên và Môi trường biển); “Thực trạng nghề ven bờ ở miền Trung sau sự cố môi trường biển” (Viện Nghiên cứu Hải sản); “Tổng quan về hiện trạng và kỹ thuật phục hồi rạn san hô” (PGS.TS Võ Sỹ Tuấn); “Quy hoạch không gian trong bảo tồn đa dạng sinh học biển Bảo vệ, phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản” (PGS.TS Nguyễn Chu Hồi);...
Hiến kế nhiều giải pháp
Theo nghiên cứu của Viện Tài nguyên và Môi trường, qua nghiên cứu tại các khu vực bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, hiện nay các hệ sinh thái biển và nguồn lợi sinh vật đã có sự vận động theo diễn thể tự nhiên, song khả năng phục hồi nguyên trạng so với trước sự cố môi trường là rất khó khăn, dự báo hệ sinh thái đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới với một trật tự sắp đặt khác.
Về giải pháp phục hồi, đại diện Viện Tài nguyên và Môi trường cho rằng, bên cạnh việc tăng cường giám sát đa dạng sinh học biển ven bờ để đánh giá sức chống chịu cũng như khả năng phục hồi tự nhiên của hệ sinh thái biển cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả phục hồi như: trồng san hô ở các địa điểm rạn đã bị phân hủy, kết hợp phát triển mô hình rạn nhân tạo với du lịch sinh thái, lắp đặt các mô hình chà - rạn nhân tạo...
Nhiều đại biểu tham dự đã chia sẽ nhiều báo cáo và giải pháp hữu hiệu để phục hồi tái tạo nguồn thủy sản... |
Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn- Viện trưởng Viện Hải dương học đã nêu những điểm cần lưu ý để thực hiện phục hồi rạn san hô. Theo đó, cần có đánh giá trước phục hồi để thu thập dữ liệu cho việc lựa chọn địa điểm phục hồi. Tiếp đó, địa điểm phục hồi lý tưởng là nơi có chính quyền hoặc cộng đồng địa phương có nguyện vọng phục hồi để cải thiện các điều kiện của rạn. Việc lựa chọn loài phục hồi phải đúng loài và phương pháp phù hợp đối với từng mục đích nhất định...
“Cần khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi và thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế khai thác vào mùa sinh sản và ương nuôi nguồn giống. Thả rạn nhân tạo, tạo nơi sinh cư trú ẩn cho các loài hải sản; giảm thiểu tác động của nghề lưới kéo nhằm tăng hiệu quả giải pháp phục hồi nguồn lợi và nghiên cứu thả giống tái tạo nguồn lợi một số đối tượng quan trọng...”, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu hải sản Nguyễn Văn Nguyên đề xuất một số giải pháp.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đánh giá cao kết quả nghiên cứu và cách tiếp cận về bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản sau sự cố môi trường biển của các đơn vị nghiên cứu.
“Diễn đàn nhằm để lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học, các địa phương về những giải pháp tái tạo nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển, nhất là kinh nghiệm phục hồi hệ sinh thái trong và ngoài nước. Những giải pháp đề xuất của các nhà khoa học và từ thực tiến của địa phương sẽ là căn cứ để Bộ NN&PTNT tổng hợp, đánh giá và đề xuất Chính phủ về việc xây dựng Đề án khôi phục, tái tạo hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản thiệt thực hơn tại 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường biển cũng như tại các tỉnh ven biển của cả nước”, Thứ trưởng Tám cho hay.
Để sớm khôi phục hệ tầng sinh thái biển, Thứ trưởng Tám cũng đề nghị các địa phương ở 4 tỉnh miền Trung vận động nhân dân không khai thác tầng đáy từ 20 hải lý trở vào...
Tác giả: Văn Dinh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường