Cộng đồng mạng

Tâm sự đẻ dày: "Em ngủ rồi, mẹ cho con ngủ cùng mẹ được không?" khiến nhiều mẹ đồng cảm

Thay vì được mẹ ôm ấp, dỗ dành, con lại phải học cách tự chơi, "đi ra ngoài để mẹ cho em ngủ".

Nhìn những đứa trẻ còn bé xíu đã phải lên chức anh, chức chị, nhẽ ra còn được ôm mẹ thoải mái hàng đêm lại phải nhường mẹ cho em, lủi thủi một mình luôn khiến các mẹ xót xa. Thương nhất là cảnh đứa trẻ mới vài tuổi đã biết "xếp hàng" chờ em ngủ rồi vào xin được ôm mẹ, nằm cùng mẹ. Những câu chuyện như thế trong các gia đình đẻ dày, cách khoảng 2-3 năm 1 bé vẫn thường gặp rất nhiều. Vậy nên đôi khi chỉ từ một bức ảnh, các mẹ lại thấy đồng cảm vô cùng, như mới đây là bức ảnh của chị Quỳnh Nga (hiện đang sống tại Hà Nội) đăng tải trong một hội nhóm.

Chị Quỳnh Nga chia sẻ bức ảnh 1 bé đang nằm trên tay mẹ, 1 bé đang nằm trên đùi mẹ và tâm sự: "Có mẹ nào như mình không? Thỉnh thoảng anh Gà cứ đòi nằm thế này rồi ru 2 anh em ngủ". Bé Gà nhà chị Nga mới 22 tháng, bé Ỉn mới 2 tháng tuổi vậy nên cảm giác như bé đầu còn "thèm mẹ" đến thiết tha.

Bức ảnh mẹ bế ru cả 2 anh em ngủ của chị Quỳnh Nga khiến nhiều mẹ đồng cảm với cảnh đẻ dày.

Chị Nga cũng chia sẻ thêm rằng: "Mình đẻ thường cả 2 bé, vì nhỡ nên sinh luôn một thể. Hồi đầu bé Gà cũng giành mẹ với em, nhưng mình để cho em Ỉn khóc xong rồi bảo Gà em khóc, để mẹ dỗ em nín rồi mẹ chơi với con. Anh Gà hiểu dần, ngoan hơn và không giành mẹ với em nữa. Mỗi khi thấy em khóc mà mẹ không dỗ, bé Gà lại chạy gọi mẹ bế em. Mấy tuần đầu sau sinh, bé Gà ngủ tách mẹ, nhưng bây giờ thì mình cho con ngủ cạnh em luôn vì thương con còn nhỏ quá".

Chị Nga cũng như bao bà mẹ khác, biết rằng việc một mình nằm ngủ với cả hai đứa con còn nhỏ là vất vả gấp đôi, gấp ba nhưng cũng đành chấp nhận. Bởi vì chẳng có cách nào khác để bù đắp tình cảm cho bé lớn. Bé có thể ngủ cùng với ông bà, được hưởng sự chăm sóc cẩn thận, chu đáo hơn nhưng tình yêu từ người mẹ, hơi ấm của mẹ và cảm giác mẹ vẫn luôn ở bên cạnh mình vẫn là điều bé cần nhất trong những năm đầu đời. Vậy nên để cho con từ từ học cách chấp nhận việc san sẻ mẹ với em bằng việc để cho con gần mẹ và em, vẫn là cách làm yêu thương nhất.

Bên dưới tâm sự của chị Nga, không ít mẹ thể hiện sự đồng cảm với cảnh đẻ dày và thương cả hai con. Có mẹ kể, đẻ dày khiến cuộc sống của mẹ nhiều lúc rối rắm, không kiểm soát được cảm xúc của mình và thường đánh mắng các con. Nhưng sau đó mỗi lần nhìn con ngủ, hay nhìn con cứ tự biết ý mà chơi một mình, trong lòng lại dấy lên nỗi ân hận, thương con.

Một mẹ khác cũng chia sẻ hoàn cảnh tương tự, một lúc phải dỗ dành cả 2 bé.

Có mẹ lại tâm sự: "Bé đầu nhà mình 26 tháng, bé sau 4 tháng. Tuy là bé đầu có ông bà trông giúp hộ, lại đi nhà trẻ, nhưng những lúc con về nhà lủi thủi một mình nhìn mà chảy nước mắt. Nhất là khi con lại gần em, muốn chơi với em mà làm em khóc, bị mẹ hay ông bà cáu lên bảo đi ra, đừng làm em khóc, thấy tội nghiệp ghê!".

Hay nhói lòng chỉ như một mẩu chuyện đời thường: "Mình từ khi có bầu bé thứ 2, vẫn luôn phải làm hết mọi việc trong nhà nên chẳng có thời gian chăm sóc bé đầu. Con cứ thế bắt buộc phải học cách tự lập, tự chơi. Cho đến khi mẹ đẻ em, con cũng bị tách mẹ. Mỗi khi con lại gần em không ngủ được, mẹ trừng mắt bảo con đi ra đợi con ngủ rồi mới được vào. Có một lần, con nép sau cánh cửa, len lén nhìn mẹ với em rồi thỏ thẻ: "Em ngủ rồi, mẹ ôm con một chút được không?". Ánh mắt và câu nói của con cho đến giờ vẫn còn ám ảnh mình".

Những nỗi niềm day dứt như vậy chắc là điều có thể gặp trong bất cứ gia đình nào sinh con dày. Thương nhất là những đứa trẻ từ kháng cự, gào khóc đòi mẹ cuối cùng lại đành phải chấp nhận biến mình thành người lớn. Người khác kỳ vọng quá nhiều vào trẻ, rằng "làm anh, làm chị rồi là phải ngoan", "con phải biết nhường mẹ cho em", "phải biết mà tự ăn đi chứ"... Hay đặc biệt là thường xua đuổi: "đừng sờ vào chân tay em như thế", "đừng nghịch em", "đi ra ngoài ngay lập tức", "con chỉ biết quấy phá thôi"... Những câu nói ấy vô tình khiến trẻ trở nên tổn thương, tủi thân rất nhiều.

Vì thương con, nên dù vất vả gấp 2-3 lần, mẹ vẫn quyết định để con ngủ cùng mẹ và em.

Để rồi khi trẻ dần dần học cách chấp nhận được hay có những giây phút bình tĩnh suy nghĩ, mẹ lại thấy xót xa thương con. Bởi chỉ ở nhà bên kia thôi, một em bé lên 2, lên 3 còn đang được mẹ ấp ôm, được ti mẹ, được mẹ đưa đi chơi khắp mọi nơi, sống trong môi trường đủ đầy cả về vật chất lẫn tình cảm. Mà ở trong nhà mình, con lại phải gồng lên, khóc cạn nước mắt đòi mẹ, không được rồi đành tự nín. Ti mẹ cũng phải nhường cho em, chiếc giường quen thuộc cũng phải nhường cho em, vòng tay của mẹ cũng phải nhường cho em và tất cả thời gian của mẹ, đương nhiên cũng phải nhường cho em. Nhất là khi con ốm, mẹ lại càng rối bời khiến con trở nên đáng thương hơn.

Nỗi lòng của các mẹ đẻ dày hay chính xác hơn là cảm giác thương xót bé đầu vì phải lên chức quá sớm thì phải ở trong cuộc mới hiểu rõ ràng nhất. Cũng vì điều này mà nhiều mẹ đã quyết định sẽ không sinh con quá dày để bảo đảm cho bé đầu một cuộc sống thoải mái nhất. Tuy nhiên quyết định nào cũng có mặt được, mặt mất. Nhiều mẹ vẫn lựa chọn "đẻ luôn cho xong nhiệm vụ" vì tin rằng cứ vượt qua được khoảng 1-2 năm khủng hoảng ban đầu thì sau đó lại có thể thảnh thơi hơn khi con đã lớn.

Tác giả: Ocean

Nguồn tin: helino.ttvn.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP