Lộc Hà

Sự thật về tin đồn tảng “đá thần” ở Hà Tĩnh

Tin đồn ly kỳ xôn xao mấy ngày gần đây, ở xã An Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh quanh câu chuyện về sự xuất hiện một tảng “đá thần”. Chuyện rằng, có một người dân ở xã An Lộc, huyện Lộc Hà trong một giấc ngủ, một cụ già râu tóc bạc phơ về báo mộng, cách chân núi Bằng Sơn khoảng 70m về phía tây nam, có một hòn “đá thần”, đào lên sẽ đem lại nhiều điều tốt lành cho dân làng. Tỉnh dậy, ngưòi này đã vác cuốc đến đúng địa điểm được báo mộng, sau một hồi tìm kiếm đã tìm thấy hòn đá có hình chữ nhật nằm trên một tảng đá lớn bên dốc núi. Khi người ta thắp hương khấn vái, trên hòn đá hiện lên biểu tượng lạ, ký tự chữ Hán…

Tin đồn đã nhanh chóng lan ra, nhiều người hiếu kỳ đổ xô đi xem. Một số người thêu dệt nên chuyện ly kỳ, mang màu sắc mê tín dị đoan nên ngày càng có nhiều người đã mang hương đến cúng bái, gây mất trật tự địa phương.

Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đã tìm đến xã An Lộc, nơi có tin đồn về hòn “đá thần”. Trong làng, ngoài ngõ, đi đâu cũng xôn xao kháo chuyện quanh “hòn đá thần”. Hàng nghìn người hiếu kỳ đã đổ về xem và thắp hương khấn vái.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, việc phát hiện dấu tích lạ trên tảng đá là có thật, nhưng không ly kỳ như những lời đồn thổi.

Tảng đá có chiều cao khoảng gần 2m, dưới chân rộng gần 1,5m, nằm ở phía tây chân núi Bằng Sơn, thộc địa phận xóm 1, xã An Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Trên mặt tảng đá này, có một phiến đá hình chữ nhật, kích thước 35 cm x 20 cm, hai bên có rãnh khắc, rãnh bên phải sâu 5cm, rãnh bên trái sâu 3cm, mặt phiến đá được mài nhẵn. Quan sát thật kỹ, trên mặt phiến đá có hình biểu tượng trông như chữ Hán. Căn cứ vết khắc và nét mài nhẵn trên phiến đá, rõ ràng đây là phiến đá do con người tạo ra chứ hoàn toàn không phải hiện tượng tự nhiên hay thần thánh như những lời đồn thổi. Tuy nhiên, vết tích này được tạo ra từ bao giờ và mục đích để làm gì thì vẫn là một câu hỏi còn chờ trả lời.

Trao đổi xung quanh hiện tượng lạ này, ông Hồ Bách Khoa, Phó Phòng Quản lý di sản  (Sở VHTT&DL Hà Tĩnh) cho biết, “hòn đá lạ” có thể là dấu tích của một di tích lịch sử hay là của một ngôi đền, chùa nào đó do con người tạo nên, hoàn toàn không có hiện tượng thần thánh nào ở đây. Bởi, cách vị trí tảng đá khoảng 100m về phía đông, sát sườn núi, trước đây có một ngôi miếu cổ nhưng đã bị chiến tranh tàn phá, hiện chỉ còn lại một vài dấu tích và về phía tây cũng khoảng 100m còn dấu tích một cái giếng cạn nằm sát chân núi. Nhiều người dân trước đây đi kiếm củi cũng đã tìm thấy một số mẫu gỗ có hoa văn rất đẹp và khác thường đã đem về cất giữ trong nhà. Hiện lục tìm trong các tài liệu cất giữ vẫn chưa có tài liệu nào nói về di tích nào ở địa danh này.

Như vậy, phiến đá lạ có hình thù chữ Hán có thể nằm trong cụm di tích hay đền, chùa nào đó. Còn việc xuất hiện chữ Hán trên phiến đá, cũng theo ông Khoa đánh giá, có thể trong hòn đá có một chất gì đó mà khi xúc tác với nước hoặc ánh sáng nó sẽ hiện lên. Cũng có thể, khi tạo ra hòn đá này, người xưa đã vẽ lên đó chữ Hán nhưng do lâu ngày màu chữ đã bị phai mờ, khi tiếp xúc với nước, chất màu đó hiện rõ hơn…

An Lộc là một xã thuộc địa bàn xa và khó khăn của tỉnh Hà Tĩnh, trình độ dân trí nơi đây còn thấp. Việc phát hiện hòn “đá lạ” đã gây không ít sự xáo trộn trong tâm lý và cuộc sống người dân nơi đây. Nhiều kẻ xấu lợi dụng, tung tin đồn thất thiệt, thêu dệt nên chuyện ly kỳ, thần thánh mang màu sắc mê tín dị đoan để trục lợi cá nhân, ảnh hưởng trật tự an ninh xã hội. Thiết nghĩ, các nhà nghiên cứu lịch sử, khoa học cần sớm vào cuộc, có kết luận chính xác.

Trong khi chờ sự kết luận của các nhà nghiên cứu, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, giải thích cho nhân dân, tránh những tin đồn thổi hoang đường ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống nhân dân.

Phan Thế Hiển

QDND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP