|
Nhưng cũng vào dịp lũ lụt miền Trung này, bỗng dưng xuất hiện một số tài khoản mạng xã hội facebook dở chứng. Họ không còn cần câu like, câu view, mà quay ra câu ... nước mắt cư dân mạng, nhất là đối với những người tâm thiện nhưng nhẹ dạ, nhân ái nhưng cả tin, ham tìm hiểu chia sẻ tin ảnh trên facebook nhưng mù mờ hoặc lười nhác tìm hiểu nguồn gốc của các tin ảnh đó.
Câu chuyện về 3 bức ảnh đang lan truyền chóng mặt trên mạng, được nhiều người đua nhau chia sẻ, là những ví dụ của việc "câu" nước mắt nói trên.
Đó là việc rất nhiều các dòng trạng thái (status), các bài viết, chùm ảnh đăng trên facebook mấy ngày nay đều sử dụng rất tuỳ tiện 3 bức ảnh đó. Cả 3 bức ảnh này tuyệt đối không liên quan đến vụ lũ lụt ở miền Trung hiện nay.
Ảnh 1. |
Bức thứ nhất chụp cách đây 6 năm, vào ngày 11/7/2014. Ảnh chụp tại Nhà tang lễ bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Trong ảnh là lễ truy điệu 18 phi công và QNCN đã hi sinh do máy bay gặp sự cố trong khi đang làm nhiệm vụ, rơi tại Thạch Thất, Hà Nội ngày 7/7/2014. Lễ tang này do Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức, chứ ko phải là Quân khu 4, và tại Hà Nội, chứ không phải tại Huế đâu ạ!
Ảnh 2. |
Bức ảnh thứ 2 có xuất xứ từ tận Thái Lan, xuất hiện trên mạng xã hội vào nửa đầu năm nay và được báo VnExpress đăng lại trong chuyên mục Giải trí ngày 24/6/2020, tức là cách đây 4 tháng. Và lúc ấy, thưa các quý vị sử dụng chia sẻ bức ảnh 2, miền Trung ta đang hạn hán chứ chưa mưa, chưa lũ lụt.
Theo như người đăng bức ảnh này trên mạng kể lại thì chú bé này theo mẹ ra đồng (đồng bên Thái Lan). Chẳng hiểu mải nghịch ngợm hay ngủ gật mà bé ngã lăn xuống vũng bùn trên đồng, bị bùn bám từ đầu đến chân trông như một thỏi socola đang chảy nước. Người chụp đã chụp lại khoảnh khắc này như một kỉ niệm vui cho gia đình và chú bé. Các bạn chỉ cần nhìn thoáng cũng thấy sự vô lý của bức ảnh nếu được gán cho là chụp ở vùng lũ lụt. Các lá cây ngô sau lưng chú bé đều sạch bong. Đất dưới chân chú bé thì khô cong.
Vậy mà có một số người “mạnh dạn” đã dùng bức ảnh 1 chụp cách đây 6 năm để minh hoạ “như đúng rồi” cho các bài viết của mình về lễ tang 13 cán bộ chiến sĩ tổ chức ở Huế vừa tổ chức tuần trước. Dùng ẩu thế là bất kính, là thất lễ và vô tâm, vô tình lắm với cả 18 phi công hi sinh 6 năm trước cùng 11 cán bộ chiến sĩ Quân khu 4 và 2 cán bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa mới hi sinh cách đây tròn 1 tuần. Ảnh 2 cũng được dùng làm ảnh minh hoạ như trường hợp ảnh 1.
Bi hài hơn là ngoài các bài viết dùng ảnh 2 này để minh hoạ, tôi còn đọc được trên mạng xã hội có đến dăm bảy chục bài thơ. Lục bát có, thất ngôn tứ tuyệt có, dài loằng ngoằng như trường ca không vần điệu cũng có.
Và tất cả các ánh thơ văn lai láng đó đều có điểm chung là khóc sướt mướt, thương hại cho chú bé lấm bùn vốn là người Thái, rồi quay ra than thân trách phận thay cho các cháu bé vùng lũ lụt Việt Nam và tất nhiên ko quên lên án chính quyền, trách cứ các cơ quan có trách nhiệm sở tại không quan tâm đến cứu hộ, cứu nạn cho con thơ trẻ nhỏ vùng lũ lụt.
Về bức ảnh thứ 3 là cả một câu chuyện li kì và xúc động. Chỉ có điều là li kì ở Việt Nam hôm nay nhưng xúc động ở nơi xuất phát bức ảnh là Trung Quốc những 10 năm trước.
Ảnh 3. |
Bức ảnh 3 này hoàn toàn không một tý liên quan gì đến bão lũ, lụt lội, càng không liên quan gì đến trận Đại hồng thuỷ những ngày qua ở miền Trung nước ta, càng không phải cảnh bà mẹ ôm con trong bùn, mà thực ra là một pho tượng đắp bằng đất, do một nhà điêu khắc sáng tác nên để ghi lại một câu chuyện vô cùng cảm động của tình mẫu tử.
Chuyện rằng, vào năm 2010, đã xảy ra một trận động đất rất lớn ở khu tự trị Ngọc Thụ thuộc tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Trận động đất này làm thương vong trên 11.000 người, chưa kể số người mất tích không đếm xuể. Hai mẹ con trong bức tượng được chụp lại đó là 2 trong số những nạn nhân của vụ động đất trên. Họ bị một một mảng tường nhà khá lớn đè lên người, gạch đá phủ gần kín người. Khi đội cứu hộ cứu nạn tới hiện trường, họ đã phát hiện ra 2 mẹ con. Người mẹ đã ngưng thở, con đứa con được mẹ ôm trong lòng và lấy thân mình che chở cho thì vẫn còn sống.
Trên tay người mẹ lúc ấy vẫn khư khư giữ một chiếc điện thoại. Vì nghĩ rằng mình chắc chết, ngay khi bức tường vừa sập xuống, ôm con vào lòng, bà mẹ đã kịp nhắn một dòng tin cho con trai. Nội dung tin nhắn đó là: “Bảo bối, nếu con sống sót, con phải nhớ rằng mẹ yêu con vô cùng”.
Do được cấp cứu hỗ trợ thở tại chỗ nhanh chóng và kịp thời, trái tim quả cảm và tràn trề tình mẫu tử của bà mẹ đã dần đập trở lại và bà thoát khỏi cái chết trong tích tắc, sống trở lại cùng đứa con mình đã hi sinh thân mình che chở. Câu chuyện này sau đó được trang tin điện tử KKNEWS bên Trung Quốc tường thuật lại chi tiết trong một bản tin phát hành ngay trong ngày động đất vừa diễn ra. Câu chuyện thu hút sự chú ý, yêu thương, cảm phục và trân trọng của tất cả dân chúng trong vùng và toàn quốc.
Rất cảm động vì câu chuyện được đọc trên tờ tin KKNEWS, một nhà điêu khắc Trung Quốc đã lấy câu chuyện trên làm cảm hứng sáng tác, lấy hình ảnh thật của hai mẹ con này để dựng nên bức tượng đài về tình mẫu tử, về sự hy sinh quên mình, sẵn sàng bỏ mạng để bảo vệ và giành giật sự sống cho con mình. Bức tượng đài có xuất xứ từ câu chuyện thật kể trên. Bức ảnh chụp bà mẹ nằm trong bệnh viện, băng bó đầy mình, đang cho con bú sau khi được cấp cứu sống lại cũng là bức ảnh thật.
Chỉ có điều, khi được các “chuyên gia” xào nấu tin, ảnh trên mạng xã hội Việt Nam lôi về và gán cho nó vào vụ việc sập nhà trong lũ ở Quảng Trị thì nó đã thành “fake photo” và câu chuyện đã hoàn toàn bị “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, gây tốn thêm bao nước mắt xót xa của hàng triệu cư dân mạng khắp cả nước mấy ngày qua, thành đề tài, thành ảnh minh hoạ cho rất rất nhiều các status đầy cảm động, bi thương, đầy xót xa cho cảnh "mẹ con cháu bé ở Quảng Trị đã ôm nhau chết trong vụ sập nhà do lũ lụt”.
Và thế là chuyện bên xứ Tàu thành chuyện ở xứ ta, nhờ “tài ba “ dựng chuyện vi diệu của các vĩ nhân bàn phím Việt.
Chúng ta cần rất cẩn trọng và tôn trọng sự thật cũng như nguồn của các tin, ảnh trong việc minh hoạ cho các bài viết, áng thơ văn của mình trên mạng xã hội khi viết về những người đã khuất hay đang lâm khổ nạn quanh ta. Bởi dùng không đúng như việc sử dụng 3 bức ảnh trong ví dụ trên, đôi khi các bạn đã vô tình bóp méo cả một sự thật đau lòng, làm hài hước cả một tình cảnh đau thương. Và nước mắt vì thế đã không rơi đúng chỗ và đúng lúc. Mọi nỗi đau đều không cần thêm bớt. Nước mắt thì không phải là nước sông Đuống của chị Shark Liên, mà là máu ứa từ trái tim mỗi người trước nỗi đau khổ của đồng chí, đồng bào, đồng loại, nên rất cần được nâng niu và tôn trọng.
Tác giả: Vũ Hùng
Nguồn tin: nguoiduatin.vn