Tin Hà Tĩnh

Số phận các trụ sở nằm ở 'đất vàng' TP. Hà Tĩnh sẽ về đâu?

Nằm ở những vị trí đắc địa nhất Hà Tĩnh, thế nhưng nhiều trụ sở cũ bị bỏ hoang nhiều năm, ngày càng xuống cấp trầm trọng. Việc rao bán các trụ sở công này cũng đang gặp khó vì không có người mua.

Trụ sở cũ của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh tại số 61 đường Phan Đình Phùng. Ảnh: Nguyễn Phượng


Đất "vàng" bỏ hoang

Tuyến đường Phan Đình Phùng, TP. Hà Tĩnh là một trong những tuyến đường lâu đời và sầm uất nhất, hiện có hai tòa nhà là trụ sở cũ của Tỉnh đoàn và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) không sử dụng nhiều năm nay.

Tòa nhà của Tỉnh đoàn tại số 68 đường Phan Đình Phùng được xây dựng 4 tầng nằm ở vị trí đất vàng rộng hàng nghìn m2. Sau khi chuyển sang trụ sở mới làm việc, tòa nhà này cũng không còn được sử dụng và bỏ hoang cho đến nay.

Phía đối diện Tỉnh đoàn là trụ sở cũ của Sở NN&PTNT tại số 61 đường Phan Đình Phùng. Tòa nhà có 2 tầng khang trang nay được một công ty du học thuê sử dụng một phần của trụ sở để làm nơi làm việc.

Hiện nay, tại TP. Hà Tĩnh còn có những trụ sở đã cũ bị bỏ hoang sau khi đơn vị sử dụng được chuyển về địa điểm mới như trụ sở UBND phường Nam Hà, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thống kê, Cục thi hành án dân sự… đang cùng chung một số phận khi rao bán mà không có người mua.

Theo ông Trần Anh Quân, Trường phòng Giá công sản thuộc Sở Tài chính Hà Tĩnh, các tài sản công kể trên bỏ hoang từ khoảng từ năm 2013 đến nay, trước đây tỉnh đã có phương án đấu giá nhưng vẫn chưa bán được.

Năm 2017, Chính phủ ban hành Công văn số 342/TTg-V.I về việc tạm dừng thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên việc mua bán các tài sản công tại Hà Tĩnh cũng tạm dừng.

Cũng theo ông Quân, hiện nay, Luật Quản lý sử dụng tài sản công cho phép bán đấu giá các tài sản khi không còn nhu cầu sử dụng. Để tránh thất thoát tài sản của nhà nước, các tài sản công trên không được bán chỉ định, trừ khi có ý kiến của Chính phủ.

Khó bán vì ... giá cao

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Chí Công – Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Tĩnh, cho hay tại TP. Hà Tĩnh, Trung tâm đang quản lý 4 tài sản công án ngự tại các địa điểm đắc địa gồm các trụ sở cũ của Tỉnh đoàn, Sở NN&PTNT, nhà khách Hương Sen và khu liên cơ báo Hà Tĩnh cũ.

Khu tòa Nhà khách Hương Sen được định giá 63 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Phượng

Trước tình trạng bỏ hoang các trụ sở đất công nhiều năm qua, Trung tâm đã nhiều lần đề xuất phương án tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Đối với khu liên cơ báo Hà Tĩnh cũ, do trên khu đất có tài sản của Cục Thống kê tỉnh - là cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, nên tỉnh muốn bán đấu giá thì phải có quyết định điều chuyển tài sản của Bộ Tài chính về cho UBND tỉnh quản lý.

Đối với nhà khách Hương Sen, Trung tâm đã xây dựng đề án bán đấu giá giá cho thuê, đã được Sở Tài chính thẩm định, hiện đang trình UBND tỉnh phê duyệt.

"Khó khăn lớn nhất trong việc đưa các khu đất trên vào sử dụng trở lại là do các tài sản trên đất còn giá trị lớn nhưng không phù hợp với mục đích đầu tư mới của nhà đầu tư", ông Công thông tin.

Do đó, khi vào thực hiện dự án, hầu hết nhà đầu tư đều lập lại quy hoạch và xây dựng mới công trình, việc này dẫn đến nhà đầu phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua tài sản trên đất nhưng không sử dụng được, mặt khác còn phải mất thêm chi phí để tháo dỡ, vận chuyển đổ thải…

“Trước đây, trụ sở cũ của Sở NN&PTNT được định giá 38,7 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản trên đất là 2,2 tỷ đồng; nhà khách Hương Sen được định giá 63 tỷ đồng, hiện đã cắt một phần đất để xây dựng Trung tâm hành chính công tỉnh nên khi thực hiện bán tài sản và chuyển nhượng các khu đất này, thì phải xác định lại giá trị tài sản trên đất và giá đất theo giá hiện thời” – ông Công nói.

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt phương án và đề án bán đấu giá, Trung tâm sẽ thuê tư vấn độc lập xác định lại giá khởi điểm để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tổ chức bán đấu giá theo quy định.

Tác giả: Nguyễn Phượng

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP