Hiện nay, cả nước có khoảng 700 tờ báo in và tạp chí, cùng hàng trăm đài phát thanh - truyền hình từ Trung ương tới địa phương, chưa kể các công ty truyền thông, các phòng ban truyền thông của các doanh nghiệp, công ty v.v... Có thể nói cơ hội việc làm của những ngành học này rất lớn.
Tuy nhiên, thực tế với kiến thức trong nhà trường đào tạo, nhiều sinh viên ra trường khó có khả năng đáp ứng ngay được với công việc đòi hỏi áp lực cao, xử lý thông tin nhanh... bởi các sinh viên thiếu nhiều kỹ năng thực hành nghề nghiệp.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Nhà báo Nguyễn Tri Thức, Vụ trưởng - Trưởng ban Hồ sơ sự kiện Tạp chí Cộng sản, người đã có nhiều năm thỉnh giảng tại Học viện Báo chí tuyên truyền, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam…để có thêm góc nhìn về vấn đề này.
Nhà báo Nguyễn Tri Thức |
PV: Là người trực tiếp tham gia giảng dạy, ông có thể đưa ra một vài nhận xét về cách tiếp nhận kiến thức của sinh viên báo chí hiện nay so với trước đây?
Nhà báo Nguyễn Tri Thức: Trong khoảng chục năm trở lại đây, nhìn từ thực tế trên lớp học mà tôi tham gia dạy có nhiều sinh viên tích cực, chịu khó, cầu thị, ham học hỏi. Bởi vậy, sau khi ra trường các bạn “bập” vào nghề khá nhanh, quá trình làm việc rất tốt. Kết quả tốt đó không chỉ trong nghề mà cả đạo đức. Tuy nhiên, có một điều tôi lo ngại là sinh viên hiện nay nhiều bạn rất lười học, không chịu đọc. Các bạn không biết nhưng không chịu lắng nghe, quá phụ thuộc vào mạng xã hội. Có những vấn đề trên lớp được hướng dẫn rất kỹ, đến khi làm bài tập hoặc tiểu luận thì các bạn bắt đầu hỏi. Điều đáng buồn là phần lớn những câu hỏi đó đều đã được giảng viên truyền đạt trong giờ học.
Thời đi học, tôi tích lũy kiến thức bằng cách đọc. Đọc để xem tít người ta viết như thế nào, sapo ra làm sao, kết cấu bố cục thế nào, sau đó mình so sánh, ghi chép vào sổ. Tuy nhiên, sinh viên giờ không còn làm như thế, khi giao đề tài thì làm thờ ơ, thậm chí là hỏi bản chất là cái gì, nội hàm là gì các bạn cũng không biết.
Trước tôi chỉ có đạp xe gửi bài, tự chủ động đến các tòa soạn để xin cộng tác. Bây giờ, tôi đến trường mời sinh viên cộng tác với báo tôi, thậm chí gợi ý đề tài cho các bạn để viết bài và tôi biên tập xử lý nhưng các bạn không làm. Các bạn rất lười, cứ nghĩ là mình biết nhưng thực tế không phải như thế, điều đó rất đáng buồn.
Đôi khi sinh viên tiếp nhận thông tin cũng có vấn đề, bởi các bạn không hiểu nội dung, không hiểu bản chất của thông tin dẫn đến tiếp cận một cách chung chung, không có góc nhìn riêng, không có sự phát hiện và không tìm được bản chất cái riêng của mình. Có những thông tin rất thời sự nhưng các bạn nhìn bề nổi của vấn đề, rất ít đào sâu suy nghĩ để tìm cái mới, cái lạ, tìm những cái thú vị khách quan, độc đáo. Rất hiếm! Như vậy, các bạn sẽ không định hình phong cách riêng của mình, khó có vị thế trong lòng bạn đọc.
PV: Vậy sinh viên báo chí hiện nay có những lợi thế nào, thưa ông?
Nhà báo Nguyễn Tri Thức: Sinh viên hiện nay thì có rất nhiều thứ. Thứ nhất, các bạn thuận lợi về cách tiếp cận nguồn thông tin. Đồng thời, các phương tiện, thiết bị tác nghiệp hiện đại, tích hợp nhiều tính năng để hỗ trợ trong quá trình tác nghiệp. Các tòa soạn báo cũng luôn tạo cơ hội mở để các bạn được tiếp cận, được cộng tác ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bên cạnh đó, mạng internet rất phổ biến, các bạn có thể tìm hiểu thông tin, tích lũy kinh nghiệm qua phương pháp đọc cũng rất thuận lợi. Tuy nhiên, các bạn ít chịu khó đọc. Các bạn quên rằng kỹ năng đọc rất quan trọng, đọc giúp bạn tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và cách xử lý tình huống khi tác nghiệp. Xử lý tình huống là điều rất cần thiết, tuy nhiên các bạn sinh viên hiện nay còn hổng quá nhiều. Bởi có những tình huống khi làm báo đòi hỏi bạn phải có kiến thức, đủ kinh nghiệm để ứng xử, xử lý. Thậm chí có tình huống rất bất ngờ, đòi hỏi phải nhanh nhạy, bởi vậy các bạn cần phải có quá trình tìm hiểu, tích lũy, rèn luyện lâu dài.
PV: Theo ông thì bằng cấp có phải là thước đo để đánh giá năng lực người làm báo?
Nhà báo Nguyễn Tri Thức: Thực ra bằng cấp rất quan trọng, nhưng bằng cấp không phải lúc nào cũng phản ánh đúng năng lực thực sự. Đặc biệt là năng lực nghề nghiệp. Bởi những người làm báo giỏi là những người biết kết hợp, vận dụng lý thuyết với thực tiễn sao cho uyển chuyển, linh hoạt.
Trước tôi đi học toàn bằng khá, trung bình khá và 2 lần khi bảo vệ trực tiếp thì xuất sắc. Tuy nhiên, khi Báo Lao động nhận tôi vào làm việc, tôi đã hỏi: “Cháu về có cần phải bằng khá không?”, thì người tuyển dụng bảo “Tôi nhận người, không nhận bằng cấp”. Vậy là tôi đã bỏ luận văn, sau đó nhận bằng trung bình khá.
PV: Trên cương vị của một người vừa làm công tác đào tạo, vừa làm công tác quản lý, ông đánh giá như thế nào về cơ hội việc làm của sinh viên báo chí khi ra trường?
Nhà báo Nguyễn Tri Thức: Thực ra trường nào, ngành nghề nào cũng thế, những người nổi trội luôn luôn có cơ hội, mà còn là cơ hội tốt. Bạn viết tốt, chịu khó đi, chịu khó tìm hiểu, có đạo đức nghề nghiệp, dám dấn thân, hy sinh vì nghề nghiệp… thì lãnh đạo một số Tòa soạn báo họ sẵn sàng nhận bạn ngay. Bởi tìm được những sinh viên, người làm nghề tốt rất khó.
Hiện nay, có những sinh viên đã khẳng định khả năng của mình ngay trên ghế nhà trường. Nghề báo có tính đặc thù riêng, thường là năm thứ tư mà chưa viết được báo, chưa thể hiện thế mạnh của mình với thế loại nào đó, lĩnh vực nào đó thì rất khó có thể theo nghề. Kể cả thời đại thông tin bùng nổ rất nhiều như hiện nay thì cơ hội dành cho những người có năng lực giỏi vẫn còn rất nhiều.
PV: Ông có lời khuyên như thế nào với sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường?
Nhà báo Nguyễn Tri Thức: Tôi vẫn luôi nói với sinh viên của tôi rằng, làm bất cứ nghề gì cũng phải đam mê, yêu nghề, chịu khó rèn luyện, đặc biệt cố gắng đọc nhiều. Và nghề báo thì càng cần phải đọc, vì khi đọc nhiều, đi nhiều, bạn sẽ va vấp. Chính những va vấp đó sẽ giúp bạn tích lũy được kinh nghiệm, vốn sống. Càng tích lũy được nhiều hai thứ đó, bạn làm báo càng thuận lợi.
Hồi sinh viên, khi mới đi kiến tập tôi đã dám viết phóng sự. Trước khi viết tôi phải đọc, nghiên cứu rất nhiều phóng sự khác. Tôi nghiên cứu từ cách đặt tít, viết sapo, thiết kế câu chuyện, cái tôi trần thuật ra làm sao rồi tôi mới bắt đầu viết. Tuy nhiên, tôi không học máy móc mà cố gắng vận dụng sao cho linh hoạt.
Sau khi ra trường tôi xác định là mỗi một tháng phải đi một tỉnh, mỗi nơi tôi đến sẽ giúp tôi khám phá ra nhiều đề tài, ý tưởng cho bài viết. Bây giờ các bạn sinh viên đọc, tìm hiểu thông tin nơi mình dự định đến thuận lợi hơn nhiều. Ví dụ, trước tôi có viết bài phóng sự “Bụi bặm Đồng Đăng” (Lạng Sơn) thì cũng là nghe một anh đồng nghiệp ở địa phương bảo là trên đó có nhiều cái hay lắm, lên mà viết. Khi mới đến, điều đầu tiên là tôi quan sát nghe ngóng, rồi hỏi han, chuyện trò, tìm kiếm, thu thập thêm thông tin làm tư liệu... Từ những thông tin thu được, điều quan trọng là mình phải phát hiện ra những gì bất cập, mâu thuẫn rồi từ đó định hình nên bài viết của mình.
Tôi luôn muốn khuyên các bạn sinh viên hãy rèn luyện một cách nghiêm túc. Khi còn trẻ các bạn hãy đi, đi để trải nghiệm và chính quá trình xê dịch đó sẽ giúp bạn có thêm nhiều trải nghiệm, vốn sống, nhờ vậy mà cách xử lý tình huống của bạn cũng tốt hơn. Và đặc biệt, những sản phẩm bạn tạo ra đều mang phong cách riêng của chính mình.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Ngô Chuyên
Nguồn tin: Báo Công lý