Giáo dục

Sinh viên ăn cơm 2.000, có gì mà phán xét ầm ĩ!

Một status có tên “Sinh viên sức dài vai rộng cần phải biết tự trọng để không ăn cơm từ thiện của người nghèo hoặc cùng lắm thì thỉnh thoảng” đã dậy sóng trên mạng xã hội.

Điều đó không khó hiểu, bởi những bài viết nặng nề phán xét dựa trên một sự việc, hiện tượng xã hội nào đó từ trước đến nay luôn luôn được quan tâm. Người chỉ trích mạnh mẽ hay người bênh vực mạnh mẽ đều có nhu cầu xác lập thang giá trị của mình.
Cái đáng bàn là thang giá trị đó có ổn không. Nhưng riêng thái độ chỉ trích một nhóm đối tượng (tạm thời) yếu thế (ở đây là sinh viên nghèo) gay gắt thôi đã là một thái độ cực đoan.

Tôi nhìn thấy trên tấm bảng trước quán có dòng chữ “Phục vụ sinh viên nghèo và người nghèo”. Như vậy, sinh viên nghèo là đối tượng phục vụ của quán, họ được chào đón ở đó. Họ có quyền đến nơi dành cho mình, nâng đỡ mình. Tại sao lại phán xét lòng tự trọng của các em khi các em đến đó?

Vì sao quán cơm xã hội Nụ cười bán cơm giá 2.000 đồng mà không miễn phí, cho không? Tôi nhớ rằng người sáng lập nó - ông Nam Đồng, nguyên Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM - đã chia sẻ rằng ông muốn những người đến quán ăn có được tâm thế đàng hoàng của người mua chứ không phải của người được cho. Đó chính là giá trị cao nhất của việc giúp đỡ: Bảo vệ giá trị con người.

“Bảo vệ giá trị con người mới chính là giá trị cao nhất của việc giúp đỡ” là thông điệp nhân ái, nhân văn mà người sáng lập chuỗi quán cơm xã hội Nụ cười muốn gửi gắm đến mọi người!

Tôi cho rằng hầu hết sinh viên có điều kiện sẽ không đến quán cơm 2.000, hoặc nếu có thì họ đến đó không chỉ để ăn suất cơm với giá bán 2.000 đồng.

Nếu có những sinh viên đi giày hiệu vào quán như chủ status nói thì bạn có chắc rằng họ đến đó để “tranh suất” với sinh viên nghèo khác? Có thể họ đến đó vì hôm đó họ quên mang tiền. Có thể họ đến đó để trải nghiệm. Có thể họ đến đó để quan sát và sau đó quay lại với những sự đóng góp hỗ trợ...

Đã có rất nhiều người với đủ mọi thành phần - trong đó có cả sinh viên - đã và đang làm như vậy. Tính chất xã hội của quán cơm từ thiện chính là ở điểm này. Đây cũng là nguồn thu để duy trì chuỗi quán cơm xã hội Nụ cười - bên cạnh nguồn quỹ và sự đóng góp thường xuyên của các mạnh thường quân, như chính ông Nam Đồng từng chia sẻ.

Người viết status nói trên cho rằng sinh viên đủ khỏe mạnh để kiếm tiền thay vì ăn cơm 2.000. Nó rất có lý nếu như mọi sinh viên nghèo đều khỏe mạnh và chỉ có duy nhất một vấn đề thiếu tiền để trả cho một bữa cơm. Thực ra có vô vàn vấn đề mà những sinh viên nghèo phải đối mặt. Đó là gánh nặng tiền nhà, tiền học, hay thậm chí gia đình ở quê cũng đang vay mượn nợ nần, bệnh tật. Những vấn đề đó không phải chỉ một việc làm bán thời gian là đủ sức giải quyết tất cả. Bữa cơm 2.000 đồng cũng không giải quyết được những áp lực đó nhưng nó giúp giảm áp lực phần nào trong khoảng thời gian rất khó khăn tạm thời của sinh viên.

Học sinh, sinh viên đang ở lứa tuổi sung sức nên các bạn cần rất nhiều dinh dưỡng. Lứa thanh niên chúng tôi ngày ấy, có nhiều người thấp bé nhẹ cân do thiếu dinh dưỡng. Có những mùa thi không thể đi làm thêm được, bạn bè thời sinh viên của tôi phải ăn mì gói cầm hơi qua bữa, bụng luôn sôi lên vì đói. Một người bạn nhà giàu “cho mượn” 300.000 đồng cứu đói mà tôi biết ơn đến tận bây giờ. Nếu nhà trường hay xã hội chúng ta chăm sóc thêm được cho các bạn sinh viên khó khăn những bữa ăn đủ dinh dưỡng cũng là điều nên làm. Ăn đủ sức các bạn mới học hành, làm việc khỏe được.

Có gì đâu mà phải ầm ĩ, mà phán xét các em gay gắt đến vậy!

Tác giả: MINH NGÔ

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

  Từ khóa: cơm giá rẻ , sinh viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP