Theo đó, năm nào những đợt nghỉ lễ, tết dài ngày cũng có trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu, thậm chí không ít trường hợp còn tử vong vì khi đưa đến viện đã ở trong tình trạng nguy kịch. Điển hình như trường hợp người đàn ông 47 tuổi (ở Hà Nội), vừa tử vong do sử dụng rượu dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2017 vừa qua.
Hay mới đây nhất là ngày 13/1, một nam bệnh nhân (37 tuổi, Tây Hồ – Hà Nội) cũng nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn. Được biết, trước khi bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu đã sử dụng nhiều rượu và bản thân người bệnh này cũng có tiền sử nghiện rượu.
Những ngày nghỉ Tết số ca ngộ độc rượu gia tăng mạnh.
Trước thực trạng trên, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc rượu thường xảy ra quanh năm, nhưng dịp nghỉ Tết Nguyên đán số người nhập viện gia tăng đáng kể. Thông thường những ngày giáp tết, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc rượu vào trung tâm điều trị. Những ngày nhiều có thể có từ ba bệnh nhân trở lên.
Thường thì những bệnh nhân bị ngộ độc rượu khi nhập viện đã ở trong tình trạng bị ức chế thần kinh trung ương, không làm chủ được bản thân khi điều khiển phương tiện giao thông, nặng thì bị ngừng thở, cháy máu dạ dày…Thậm chí, đối với những trường hợp ngộ độc rượu do methanol còn nguy hiểm hơn nhiều. Nhẹ thì ảnh hưởng đến thị lực, nặng ảnh hưởng đến thần kinh, não, máu, tim mạch, huyết áp, thận… rất dễ dẫn đến tử vong.
Đặc biệt nguy hiểm với những trường hợp bệnh nhân là người trẻ tuổi, sống độc thân, hoặc ở phòng riêng… Sau khi uống say về nhà, chui vào phòng nằm li bì, hôm sau không dậy được, không muốn ăn rất dễ bị hạ đường huyết, hoặc tổn thương não mà người nhà không biết, đến lúc can thiệp thì đã quá muộn.
BS Nguyễn khuyến cáo, nhiều ngừoi đang sai làm khi thực hiện giải rượu sau khi uống.
Ngoài ra, một số sai lầm trong việc giải rượu sau khi uống cũng khiến cho tình trạng của người uống rượu nặng hơn. BS Nguyễn cho biết, sai lầm hay gặp phải nhất đó là việc cho người say rượu uống nước chanh hoặc các đồ uống chua, bởi nếu cho uống những loại nước này khiến người bệnh rất dễ nôn, khiến người bệnh mệt mỏi, kệt sức. Bởi vậy, người say rượu tốt nhất cho uống các đồ uống có đường, muối như nước đường, mật ong, nước canh…
Thứ hai, việc gây nôn cũng cần phải lưu ý. Trường hợp uống rượu xong vẫn tỉnh táo, nói chuyện được bình thường có thể gây nôn nhưng trong tình trạng không tỉnh mà cố gây nôn sẽ rất nguy hiểm. Việc cố ép gây nôn dễ sặc, chất nôn nhiều có thể bị tràn vào phổi dễ gây viêm phổi.
Để đảm bảo sức khỏe và hạn chế tác dụng phụ của rượu, khi uống rượu, mọi người cần ăn trước lót dạ dày. Người có bệnh về gan mật, huyết áp, tim… cần thận trọng khi uống rượu. Theo khuyến cáo, với nam giới, lượng rượu nên uống một ngày không quá 50ml loại rượu 39-40 độ, bia không quá 400ml. Còn nữ giới, lượng chỉ 1/2 của nam giới.
Cuối cùng BS Nguyên khuyến cáo, để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội mọi người, đặc biệt là nam giới cần phải “uống có ý thức” để hạn chế những mặt trái của rượu gây ra như: ngộ độc, tai nạn giao thông, đánh nhau…