Giáo dục

Sách giáo khoa mới sẽ được số hóa trên Internet

"Chúng ta quyết đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả lĩnh vực của đời sống, trước hết là giáo dục", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Hội thảo Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày 16/5. Nhiều chuyên gia đã đưa ra những khái niệm khác nhau về loại hình giáo dục này.

Theo TS Phạm Đỗ Nhật Tiến (nguyên trợ lý Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo), giá trị cốt lõi của giáo dục mở là "dỡ bỏ các rào cản đối với giáo dục". Ông viện dẫn khái niệm của wikipedia nói giáo dục mở là "không đòi hỏi bằng cấp khi nhập học và được cung ứng chủ yếu theo cách trực tuyến".

GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, giáo dục mở là trao quyền tự chủ cho học sinh. Ảnh: Quỳnh Trang.

TS Tiến chỉ ra 5 rào cản của giáo dục Việt Nam, trong đó nhấn mạnh rào cản về nhận thức. Nhiều người Việt chưa nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên giáo dục mở, các khóa học trực tuyến...

Trong rào cản về lợi ích, ông Tiến chỉ ra bất cập về vấn đề bản quyền sách giáo khoa. "Ở nhiều nước như Ấn Độ, Bangladesh, sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 được cung ứng miễn phí trên Internet, Hàn Quốc cũng có kế hoạch cung ứng cho mọi học sinh máy tính và giáo trình điện tử. Việt Nam chưa thực hiện được điều này", ông nói.

Việc số hóa sách giáo khoa và cung cấp miễn phí cho học sinh để phù hợp với yêu cầu xây dựng nền giáo dục mở (theo Nghị quyết 29), tính mở của chương trình mới như thế nào... là câu hỏi nhiều chuyên gia đặt ra cho Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới - GS Nguyễn Minh Thuyết.

Khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ mở, GS Thuyết đưa ra nhiều dẫn chứng thông qua bài thuyết trình Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với chủ trương xây dựng nền giáo dục mở. Cụ thể, chương trình mới cho phép có nhiều bộ sách giáo khoa, không quy định quá chi tiết các yêu cầu mà tạo điều kiện cho tác giả chủ động sáng tạo. Cơ sở giáo dục, giáo viên được quyền lựa chọn trong số bộ sách đó để dạy học.

Chương trình mới đồng thời xây dựng theo hướng mở, cho phép người học được tự chọn môn học, các học phần phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân. Tùy theo điều kiện thực tế của nhà trường, cơ sở giáo dục được chủ động phân bổ thời lượng giảng dạy, áp dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học...

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sẽ số hóa sách giáo khoa mới, cung cấp miễn phí cho học sinh. Ảnh: Quỳnh Trang.

Tiếp lời GS Thuyết, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, các tài liệu, sách giáo khoa của chương trình mới sẽ được số hóa, đăng miễn phí trên Internet để mọi người đều có thể tiếp cận được.

"Chúng ta quyết đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả lĩnh vực của đời sống, trước hết là giáo dục. Tới đây bằng ứng dụng này, giáo dục sẽ là giáo dục cá nhân, mỗi người đều có thể học được qua điện thoại thông minh, máy tính...", ông Đam nói.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, nền giáo dục mở là hướng đến sự học cho toàn dân nhưng không phải chỉ để lấy bằng cấp. Nền giáo dục này hướng tới tăng cường tri thức cho cộng đồng, để mỗi người làm việc được tốt hơn, sáng tạo và có đóng góp cho xã hội.

Ở Việt Nam, giáo dục mở đã có từ lâu với những lớp bình dân học vụ (giữa thế kỷ 20), hiện nay là rất nhiều khóa học trực tuyến, bài giảng điện tử... Gần đây nhất, Chính phủ cho xây dựng đề án Hệ tri thức Việt số hóa với kho dữ liệu mở cung cấp tri thức về tất cả lĩnh vực: y tế, giáo dục, khoa học, pháp luật... Mọi người dân có thể vào tìm hiểu kiến thức miễn phí ở kho tài nguyên giáo dục mở.

Từ góc độ quản lý nhà nước, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đang trình Quốc hội xin ý kiến sửa Luật giáo dục và Luật Giáo dục đại học để gỡ bỏ những rào cản cho việc xây dựng hệ thống giáo dục mở. Nếu suôn sẻ, cuối năm 2018 hai luật sửa đổi sẽ được thông qua.

Tác giả: Quỳnh Trang

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: sách giáo khoa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP